Nồi chiên không dầu có gây ung thư? Nồi chiên không dầu
Khi được chiên trong thời gian dài và nhiệt độ lớn hơn 120 độ C, các loại thực phẩm gốc thực vật, đặc biệt là khoai tây, có khả năng tạo chất gây ung thư.
Nồi chiên không dầu là thiết bị nhà bếp quen thuộc với một số gia đình. Thay vì chế biến các món ăn bằng phương pháp chiên ngập dầu như truyền thống, nồi chiên không dầu chỉ yêu cầu người dùng phết một lớp dầu nhỏ lên bề mặt món ăn.
Với cơ chế làm nóng thanh nhiệt cùng hệ thống quạt luân chuyển nhiệt, nồi chiên không dầu có thể đẩy nhiệt độ lên tới 200 độ C. Vì vậy, các loại thực phẩm sẽ được nấu chín nhanh chóng, đồng thời có màu sắc đẹp mắt tương tự phương pháp chiên ngập dầu. Nhờ tính năng này, người nội trợ có thể hạn chế từ 80-90% lượng dầu mỡ sử dụng.
Acrylamide gây ung thư được tạo ra như thế nào?
Nồi chiên không dầu đang trở thành một trong những thiết bị nhà bếp được nhiều người dùng tìm mua. Thật khó để có thể phủ nhận những ưu điểm mà sản phẩm này mang lại. Tuy nhiên, việc sử dụng, chế biến các món ăn trên nồi chiên không dầu sai kỹ thuật cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mới đây, theo thông báo của của Hiệp hội Người tiêu dùng Hong Kong, người dân nơi đây cần phải cảnh giác khi sử dụng và chọn mua các sản phẩm nồi chiên không dầu.
12 mẫu nồi chiên được cơ quan Hong Kong thử nghiệm. (Ảnh: Handout).
Cụ thể, sau khi thử nghiệm chế biến món khoai tây chiên thái mỏng ở nhiệt độ cao trên 12 model nồi chiên không dầu (hầu hết là các nhãn hàng nội địa), cơ quan quản lý khu vực này đã phát hiện hàm lượng acrylamide, một chất gây ung thư, vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Năm 2012 các nhà khoa học từ Đại học Stockholm đã công bố sự có mặt của acrylamide trong thực phẩm. Đây là chất được hình thành từ đường và một loại axit amin sau quy trình chế biến ở nhiệt độ cao. Thông thường, acrylamide xuất hiện trong những thực phẩm được chế biến ở nhiệt độ từ 120 độ C hoặc cao hơn, đây vốn là nhiệt độ nấu các món ăn chiên rán hay nướng.
Theo JECFA, một ủy ban chuyên về phụ gia thực phẩm của châu Âu, khoai tây chiên là một trong những thực phẩm chứa hàm lượng acrylamide cao nhất (16-30%). Chất hóa học này thường được tìm thấy từ thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, điển hình như khoai tây, ngũ cốc và cà phê. Do đó, các bài thử nghiệm nồi chiên không dầu thường được thực hiện với khoai tây.
Đến năm 2015, Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) chính thức xác nhận acrylamide có khả năng tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Hiện nay, hàm lượng acrylamide theo tiêu chuẩn của EU trong thức ăn là 500 microgram/kg. Tuy nhiên, bài thử nghiệm của cơ quan quản lý Hong Kong cho thấy hàm lượng hóa chất này đã vượt quá con số cho phép những 13 lần, tức 7.038 microgram/kg.
Đây không phải lần đầu tiên nồi chiên không dầu được thử nghiệm và một số model cho ra thực phẩm chứa hàm lượng độc tố gây hại vượt chuẩn.
Tương tự, theo nghiên cứu của cơ quan tiêu dùng Hàn Quốc trên 10 mẫu nồi chiên không dầu, sau khi chiên khoai tây đông lạnh ở nhiệt độ 200 độ C tại khoảng thời gian lâu nhất được đề cập trong sách hướng dẫn sử dụng, khoai tây sẽ chuyển màu vàng sẫm.
Lượng acrylamide ghi nhận được trung bình khoảng 1.720 microgram/kg. Hàm lượng này vượt quá tiêu chuẩn châu Âu 3,4 lần và tiêu chuẩn của Hàn Quốc 1,7 lần.
Ngoài ra, thử nghiệm còn cho thấy mặc dù được nấu theo sách hướng dẫn sử dụng hay chế độ nấu tự động, 4/10 mẫu nồi chiên không dầu vẫn vượt quá hàm lượng acrylamide cho phép. Hàm lượng độc tố chỉ hạ xuống khi người dùng giảm nhiệt độ cũng như thời gian nấu.
Cách hạn chế chất gây ung thư khi dùng nồi chiên không dầu
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), dù sử dụng nồi chiên không dầu có thể giúp người dùng hạn chế dầu mỡ, việc chế biến thực phẩm thông qua quá trình chiên, nướng vẫn là phương pháp hình thành acrylamide cao nhất.
Đối với món khoai tây chiên, người dùng nên ngâm các lát khoai được thái mỏng trong nước khoảng 15-30 phút, để ráo nước và thấm khô trước khi chế biến.
Đặc biệt, việc bảo quản những loại thực phẩm như khoai tây trong tủ lạnh sẽ góp phần làm tăng hàm lượng acrylamide khi nấu.
Người dùng cần hạn chế sử dụng thức ăn bị cháy, chế biến quá kỹ và chuyển màu sẫm. (Ảnh: FDA).
Bên cạnh đó, người dùng cần hạn chế sử dụng thức ăn bị cháy hoặc chế biến quá kỹ. Hàm lượng acrylamide tăng cao nhất khi thức ăn chuyển sang màu vàng đậm hoặc nâu đậm. Acrylamide rất dễ hình thành khi món ăn được nấu ở nhiệt độ từ 120 độ C trở lên trong thời gian dài.
Quan trọng hơn hết, người dùng cần tìm mua các sản phẩm nồi chiên không dầu đảm bảo chất lượng từ những thương hiệu cũng như đại lý phân phối uy tín. Không chỉ tiềm tàng nhiều nguy cơ nguy hiểm về kỹ thuật, vật liệu cấu tạo của các sản phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe của người tiêu dùng.