Nỗi niềm trước cửa liên hoan
Nỗi niềm trước cửa liên hoan
Thực sự TP.HCM cũng có một vài liên hoan như Liên hoan Sân khấu Mùa thu, Liên hoan Sân khấu nhỏ…, nhưng đã tổ chức cách đây hơn 20 năm và trong quy mô hạn chế; còn với Liên hoan Kịch toàn quốc thì nhiều đơn vị không thể khăn gói ra tận miền Bắc để tham dự. Chính vì vậy Liên hoan Sân khấu Kịch nói TP.HCM lần này được coi là một ngày hội lớn đầu tiên cho giới nghệ thuật thành phố. Bên cạnh ý nghĩa chào mừng 50 năm ngày giải phóng 1975, còn có ý nghĩa nhìn lại lực lượng nghệ thuật, tôn vinh những sáng tạo, góp phần định hướng và nâng cao sân khấu thành phố.
Quy cách thi của liên hoan cũng rộng thoáng, bằng cách mỗi đơn vị cứ biểu diễn tại sân khấu của mình, chỉ riêng một ít đơn vị mượn Nhà hát Trần Hữu Trang. Điều đặc biệt là các đơn vị vẫn bán vé cho khán giả vào xem bình thường, như vậy càng có sự tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng, sẽ thuận lợi hơn, góp phần giúp ban giám khảo đánh giá được tác phẩm.
“Cuộc hẹn hò với khán giả vẫn là tuyệt vời nhất”
Hiện nay, nhiều vở đã được phúc khảo hoặc biểu diễn lai rai cho khán giả xem, thậm chí có vở đã bán vé mấy chục suất. Không khí chuẩn bị cho liên hoan xem ra rất hồ hởi. NSND Hồng Vân nói: “Phấn khởi lắm chứ. Bởi thành phố mình có lực lượng sân khấu nhiều và mạnh như vậy, biểu diễn hằng tuần đều đặn, thì cũng nên giới thiệu cho mọi người được biết. Thật ra nghệ sĩ chúng tôi làm vở thì tất nhiên bên cạnh doanh thu để sống cũng mong có dịp để chia sẻ với bạn bè, với báo chí, hội đồng giám khảo, chứng minh nỗ lực của mình dù trong hoàn cảnh khó khăn cũng không bỏ cuộc”. Sân khấu Hồng Vân trình làng một vở nhạc kịch hoành tráng là Bông cánh cò và một vở mang nội dung đau đáu về nghệ thuật là Đứt dây tơ chùng.
Sân khấu IDECAF cũng đem đến Liên hoan 2 vở: Má ơi! Út dìa và Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử. Một là bi kịch lấy nước mắt khán giả, một là kịch sử đang diễn cho học sinh và sinh viên xem hằng tuần, gây tiếng vang rất tốt. Kịch sử xem ra là “hàng hiếm” trong liên hoan này. Nghệ sĩ Đình Toàn, đóng vai Lê Văn Duyệt, tâm sự: “Chúng tôi chỉ ước mọi người cùng thấu cảm với tiền nhân, thêm yêu môn sử, yêu đất nước, chứ huy chương có hay không thì tính sau. Lúc đơn vị làm vở chỉ muốn làm thật hay thôi, chứ đâu có biết là sẽ đi liên hoan. Nhưng mà có giải cũng tốt, bởi dù sao đó cũng là sự công nhận cho công sức của anh em”.
Đạo diễn Ái Như khẳng định: “Thật sự có dịp gặp gỡ bạn bè, cùng ngồi xem nhau diễn thì hạnh phúc quá, cùng chia sẻ và học nghề với nhau. Và suy cho cùng thì cuộc hẹn hò với khán giả vẫn là tuyệt vời nhất. Không có khán giả thì sân khấu không tồn tại. Cho nên chúng tôi dựng vở cho khán giả xem chứ không phải để đi thi. Mà nếu có huy chương thì chỉ mong huy chương phải xứng đáng, chứ không thể ban phát “cả rổ”, khiến sau liên hoan cứ thị phi mệt mỏi”. Sân khấu Hoàng Thái Thanh dự thi với vở Cơn mê cuối cùng, một vở bi kịch sở trường của Hoàng Thái Thanh nhưng ý nghĩa rất sâu xa, nhiều tầng, nhiều lớp và dàn dựng rất chỉn chu.
NSND Mỹ Uyên – Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B thì có hành động “đẹp” là không nhận vai nào, để lại hết cho bạn bè và đàn em. Chị nói: “Thú thật, tôi cũng là nghệ sĩ, cũng ham diễn lắm, nhất là diễn trong dịp hội hè lớn như vầy thì hạnh phúc biết chừng nào, để mọi người biết rằng tôi vẫn còn “máu nghề”. Nhưng thôi, tôi phải nén cái “ham” đó xuống, để dành vai cho lớp trẻ. Chẳng hạn Chánh Trực, Tuấn Kiệt, Phương Trâm, Lâm Thắng, Kỳ Thiên Cảnh, Quách Ngọc Tuyên, Bảo Kun… đều đang giữ lửa cho 5B. Ngoài ra, còn có nghệ sĩ Tuyết Thu và Ngọc Duyên từng gắn bó với 5B nay trở lại trong diện mạo mới, rất lạ. Tôi hy vọng sẽ gây ấn tượng mạnh cho khán giả”. Tại sân khấu này, vở Bến lửa lòng là một bi kịch nói về lòng tham của con người, có thể chà đạp lên tình thân, gia đình. Còn vở Đêm vượn hú đề cao tinh thần bảo vệ thiên nhiên, cảnh báo những hành động tội lỗi, thuộc thể loại trinh thám hồi hộp. Đặc biệt bà bầu Mỹ Uyên cho Tuấn Kiệt từ một cây hài duyên dáng sinh động biến thành một nhân vật gù bí hiểm để diễn viên trẻ này có thể khai thác tiềm năng đa dạng của mình.
Riêng NSƯT Minh Nhí cũng có một “nghĩa cử” đáng chú ý, dù anh có Sân khấu Trương Hùng Minh của riêng mình, nhưng anh lại nhờ người thay vai trong vở Dâu ngọt đi thi để diễn một vai nhỏ cho sân khấu Quốc Thảo trong vở Cánh đồng rực lửa. Bởi thật ra vai này tuy nhỏ nhưng rất hài, rất duyên, làm mềm vở diễn có nội dung truyền thống cách mạng. Anh cười hồn nhiên: “Đá lộn sân vậy mà vui. Kệ đi, sân khấu bạn hay sân khấu của mình thì cũng là sân khấu chung của thành phố, ai có giải cũng mừng. Nói không muốn đoạt giải thì là dối lòng, tôi cứ nói thiệt bụng là có giải vẫn vui hơn chứ bộ”.
Nhìn chung, sân khấu xã hội hóa chiếm lĩnh rất nhiều vở, và đó cũng là đặc điểm của một thành phố năng động như TP.HCM.