Non-Consensual Pornography – Hành Hình Thời Đại Số
Tháng mười 28, 2024
Trong thời đại công nghệ, mọi khía cạnh của cuộc sống đều có thể được ghi lại và chia sẻ lên mạng internet. Điều này đương nhiên mang lại nhiều lợi ích, từ việc kết nối nhiều người dùng với nhau, đến việc lan truyền thông tin nhanh chóng, tiện lợi. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi đó là những mặt tối đáng sợ của công nghệ, đặc biệt phải kể đến là việc quay và phát tán clip quan hệ tình dục (qhtd) không có sự đồng thuận, trong tiếng anh gọi là Nonconsensual pornography (NCP), hay “revenge porn” “cyber rape” và “involuntary porn” [0]. Hiện tượng này không chỉ xâm phạm quyền riêng tư, mà còn mang đến những hậu quả khôn lường cho nạn nhân kể cả về mặt tâm lý và những ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống thực của họ, những đối tượng đăng tải clip thường kèm theo thông tin nạn nhân rất chi tiết và cụ thể để chỉ đích danh nạn nhân, như thể là một hình thức “hành hình online”. Thật dễ dàng nhận thấy rằng, với sự tiếp tay của đám đông online, với sự vô tình và ác ý, chẳng khác nào những con kền kền, xâu xé nạn nhân xấu số một cách không thương tiếc.
1. Thực trạng phát tán clip qhtd
Hiện tượng phát tán clip nhạy cảm mà không có sự đồng thuận của các bên liên quan không còn là điều hiếm gặp trong những năm gần đây. Những vụ việc này không chỉ giới hạn ở một quốc gia, mà trở thành một vấn đề toàn cầu, với những hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân và xã hội. Nạn nhân, phần lớn là phụ nữ, thường bị ghi hình mà không hề hay biết hoặc trong những tình huống mà họ tin tưởng đối tác của mình. Nhưng khi mối quan hệ chấm dứt, như với cái tên “revenge porn”, những đoạn video này trở thành vũ khí để trả thù, hoặc tệ hơn nữa, là phương tiện để kẻ xấu kiếm tiền bằng cách đe dọa, tống tiền.
Theo một nghiên cứu của Cyber Civil Rights Initiative (CCRI) vào 2017, 15.8% phụ nữ ở Mỹ đã từng là nạn nhân của việc phát tán hoặc đe dọa phát tán thông tin, hình ảnh hoặc video nhạy cảm mà không có sự đồng ý [1]. Con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, khi phần lớn các vụ việc vẫn chưa được báo cáo hoặc không có hành động pháp lý. Các nền tảng xã hội và trang web khiêu dâm là những nơi phổ biến nhất để phát tán các video này, với tốc độ lan truyền chóng mặt và khó kiểm soát.
Tác động tâm lý có thể kéo dài suốt đời. CCRI cho biết rằng nhiều nạn nhân của việc phát tán hình ảnh nhạy cảm không mong muốn đã trải qua những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ, trong đó có hậu sang chấn tâm lý (PTSD), trầm cảm và ý định tử tự. [2]
Một trong những điều khiến nạn nhân phải chịu đựng khổ sở nhất là việc kiểm soát nội dung một khi nó đã bị phát tán. Mặc dù nhiều trang mạng xã hội và nền tảng trực tuyến đã có cơ chế báo cáo và gỡ bỏ nội dung nhạy cảm, nhưng quá trình này thường mất nhiều thời gian và không thể đảm bảo toàn bộ video sẽ được xóa. Những người phát tán thường sử dụng nhiều tài khoản ẩn danh, hoặc chia sẻ trên các trang web khiêu dâm hoặc diễn đàn ngầm, khiến việc xóa bỏ nội dung gần như là không thể. Ngay cả khi video gốc bị xóa, thì việc nó đã lan truyền và được tải xuống bởi hàng nghìn người khác cũng đã gây ra những hậu quả không thể đảo ngược .
Trong nhiều trường hợp, nạn nhân còn phải đối mặt với những lời buộc tội từ chính những người xem video, những kẻ cho rằng việc bị phát tán clip là lỗi của nạn nhân. Họ bị gán cho những cái mác như “ngây thơ,” “không biết tự bảo vệ,” hoặc thậm chí “tự chuốc lấy.” Cái nhìn lệch lạc và sự vô cảm của đám đông online khiến nạn nhân không chỉ phải chịu đựng sự tổn thương về tinh thần, mà còn phải tự bảo vệ mình khỏi những kẻ buộc tội. Shannon Vallor, một nhà triết học công nghệ, đã chỉ ra rằng “sự vô danh của mạng xã hội khuyến khích hành vi phi nhân đạo, vì nó làm giảm trách nhiệm cá nhân” .
Trên thế giới, một số quốc gia như Đức, Anh, và Úc đã ban hành các đạo luật nghiêm ngặt về việc phát tán hình ảnh riêng tư. Ví dụ, tại Đức, Luật Chống Phát Tán Hình Ảnh Không Mong Muốn (NCP Law) quy định mức phạt cao đối với hành vi phát tán hình ảnh riêng tư mà không có sự đồng ý. Những hành động pháp lý này phần nào giúp bảo vệ quyền lợi của nạn nhân, nhưng vẫn còn nhiều điều cần được thực hiện để đảm bảo an toàn trên không gian mạng.