‘Nông sản không có truy xuất nguồn gốc bán trong nước còn khó, nói gì xuất khẩu’
‘Nông sản không có truy xuất nguồn gốc bán trong nước còn khó, nói gì xuất khẩu’
Ngày 25.6, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề: Cơ hội thách thức đối với nông dân về chuyển đổi số và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Nghị quyết nhiều, nguồn lực hỗ trợ chưa có
Chia sẻ tại hội thảo, TS Vũ Quế Anh, đại diện Vụ Khoa học – Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ KH-CN), nhấn mạnh hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản đối với các thị trường xuất khẩu là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt là các thị trường khó tính thì yêu cầu đặt ra ở mức rất cao.
Đây cũng là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm khi chọn nông nghiệp là 1/8 ngành ưu tiên nguồn lực chuyển đổi số; xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm hàng hóa quốc gia. Từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 100 phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Theo TS Vũ Quế Anh, quản lý truy xuất nguồn gốc là vấn đề hoàn toàn mới của địa phương nên tiến độ triển khai còn chậm. Theo thống kê của Bộ KH-CN, đã có 61/63 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện đề án kể trên, nhưng đến nay chỉ có 38/63 địa phương triển khai được hệ thống truy xuất nguồn gốc.
“Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc là yêu cầu cấp bách nhưng cái khó chung của nhiều địa phương là kinh phí, đội ngũ nhân sự và công nghệ”, TS Anh nói.
Chia sẻ từ góc độ địa phương, ông Trần Văn Bến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, cho rằng đầu tư chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc là đầu tư vào khoa học công nghệ, công nghệ sản xuất nhưng phải nhìn thẳng vào thực tế, chưa có nhiều người tiêu dùng có thói quen tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng. Trong khi đây là đầu ra của các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ.
“Hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc nông sản thì hướng dẫn những gì mà họ có thể làm được ngay, đó là quy trình cụ thể chứ đừng nói dài dòng. Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân phải rõ ràng, chứ như bây giờ rất nhiều nghị quyết, định hướng nhưng nguồn lực để chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc hỗ trợ người nông dân trực tiếp làm thì chưa cụ thể, chưa có”, ông Bến nói.
Bắt nông dân làm mọi thứ là không được
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Cả nước có 24 triệu mảnh ruộng chia cho 9,6 triệu hộ nông dân, câu chuyện ở đây là làm thế nào để liên kết để truy xuất nguồn gốc nông sản là vấn đề rất khó. Theo đó, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc nông sản phải có cách làm mới, cách làm khác.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, chuyển đổi số phải đầu từ câu chuyện truy xuất nguồn gốc. Bởi đây là yêu cầu bắt buộc của người tiêu dùng, thị trường để minh bạch thông tin, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu không có truy xuất nguồn gốc, nông sản bán trong nước còn khó, chứ chưa nói đến xuất khẩu.
“Theo quy định về hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện nay phải nhập đủ 10 trường thông tin nhưng làm thế nào hỗ trợ nông dân, họ chỉ khai báo một vài trường thông tin thôi còn đâu các cơ quan chuyên môn phải hỗ trợ, chứ bắt người ta làm mọi thứ thì không làm được”, ông Hiệp nói.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng nông nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp ở Hà Lan, tất cả nông dân phải là thành viên hợp tác xã, cùng canh tác sản xuất một quy trình thống nhất. Khi đó, nông sản đưa ra thị trường có chung một hệ thống truy xuất nguồn gốc.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân tham gia vào chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản“, bà Thơm nói.
Bạn đang đọc ‘Nông sản không có truy xuất nguồn gốc bán trong nước còn khó, nói gì xuất khẩu’ tại website hungday.com