Nông thôn mới Cao Bằng: Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân
Nông thôn mới Cao Bằng: Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân
(Xây dựng) – Với quyết tâm xóa bỏ các huyện “trắng xã” nông thôn mới (NTM), tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới đang từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo đồ án quy hoạch xây dựng NTM được duyệt đã tạo cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt theo các vùng, miền của tỉnh Cao Bằng. |
Quy hoạch đi trước một bước
Nhận thức rõ vai trò tiên quyết của công tác quy hoạch trong xây dựng NTM, trong thời gian qua, Văn phòng điều phối xây dựng NTM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương và nhân dân chung sức thực hiện. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, đến nay, công tác quy hoạch xây dựng NTM cơ bản hoàn thành với chất lượng tốt, trên địa bàn tỉnh có 135/139 xã đạt tiêu chí quy hoạch. Các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Các địa phương nghiêm túc thực hiện rà soát quy hoạch, chất lượng các đồ án sau khi điều chỉnh bảo đảm theo quy định, đáp ứng kịp thời kế hoạch xây dựng NTM.
Sau 5 năm, việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo đồ án quy hoạch xây dựng NTM được duyệt đã tạo cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt theo các vùng, miền. Đường quang, ngõ thoáng, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường đặc biệt được chú trọng hướng tới những làng quê xanh – sạch – đẹp. Công tác cấp, sử dụng đất địa phương hợp lý đã tạo được nguồn lực để thực hiện NTM. Nhờ quy hoạch vùng sản xuất, liên kết sản xuất nên các sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hoá, giá trị tăng lên.
Cụ thể, 7 đồ án đã hoàn thành và được UBND tỉnh phê duyệt (Đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung: Thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh; thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang; thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng; thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng; thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc; thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An; thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An). Hiện tại, còn 2 quy hoạch (Đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Cao Bằng; thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa) đã thẩm định xong và trình UBND phê duyệt đồ án quy hoạch. Các đô thị còn lại đã được lập và phê duyệt quy hoạch chung từ giai đoạn trước, chưa đến giai đoạn điều chỉnh.
Các đồ án Quy hoạch phân khu các phường của thành phố Cao Bằng, Quy hoạch chi tiết khu vực hai bên đường vào động Ngườm Ngao năm 2024 mới được bố trí vốn, hiện đang triển khai công tác lập quy hoạch. Ngoài ra còn có một số đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đang tổ chức lập quy hoạch (gồm: Quy hoạch phân khu khu chức năng cửa khẩu Trà Lĩnh, Quy hoạch phân khu khu chức năng cửa khẩu Tà Lùng, huyện Phục Hoà; Quy hoạch chi tiết Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh,…).
Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị đã được quan tâm, bố trí vốn triển khai thực hiện. UBND các huyện đã tiến hành lập, điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng các thị trấn, cơ bản các đồ án quy hoạch chung xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Quy hoạch xây dựng xã được quan tâm, triển khai điều chỉnh đê phù hợp với điều kiện thực tế trong giai đoạn hiện nay, đã thu hút được các nhà đầu tư quan tâm, tài trợ lập quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Năm 2023, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, nhiều ngành địa phương đã tích cực trong công tác tham mưu, thực hiện; kịp thời củng cố, kiện toàn hệ thống bộ máy chỉ đạo, giúp việc thực hiện chương trình NTM các cấp trên địa bàn tỉnh; cụ thể hoá các quy định của Trung ương, ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh, nhất là HĐND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ, phân bổ kế hoạch thực hiện chương trình năm 2023 và 2024; tiếp tục thực hiện tốt công tác công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền; công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện tại các địa phương, qua đó kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Năm 2023, toàn tỉnh đã huy động hơn 7.600 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân. Trong đó, ngân sách Trung ương là gần 2.400 tỷ đồng; gồm 87 tỷ đồng bố trí trực tiếp để thực hiện chương trình xây dựng NTM; 2.300 tỷ đồng lồng ghép từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các cấp, các ngành đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện xã hội hóa nguồn lực từ các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Xây dựng NTM là một chương trình bao quát tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội vùng nông thôn. Tỉnh Cao Bằng đã ban hành các quyết định phê duyệt danh sách các đơn vị cấp huyện, cấp xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025; chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình phấn đấu xã đạt chuẩn NTM nâng cao đối với các xã đã đạt chuẩn và tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Triển khai các chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM, chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM…
Để đạt mục tiêu có 2 huyện và 50 xã về đích NTM và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí trước năm 2025, tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) gắn với chuỗi giá trị. Nhận thức rõ vai trò của các HTX trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ HTX phát triển. Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ gần 300 HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Tổ chức 21 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX hỗ trợ 3,8 tỷ đồng cho các HTX trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Nhờ nỗ lực của các cấp từ Trung ương tới tỉnh, huyện quan tâm phân bổ nguồn lực đầu tư, số tiêu chí đạt chuẩn NTM vào khoảng 11/19 tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng về giao thông. Đây là bàn đạp thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo thuận tiện cho người dân đi lại, góp phần thúc đẩy vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn phát triển; từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, điện sản xuất, sinh hoạt, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục làm đổi thay diện mạo nông thôn. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần, công tác chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn được cải thiện, nâng cao.
Tỉnh Cao Bằng thực hiện phương châm “Dân biết, dân cần, dân làm, dân hưởng thụ”, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Qua tuyên truyền, vận động, người dân tích cực hiến hàng trăm nghìn m2 đất và ngày công lao động. Nhiều cá nhân hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa, sân vận động.
Tỉnh đã giao cho 70 sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương xây dựng NTM, chú trọng đến các xã thuận lợi đang tập trung về đích NTM và xã ở địa bàn khó khăn, biên giới. Các đơn vị huy động kinh phí hỗ trợ các xã về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nhà ở dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong đó có những phong trào như: “Bộ đội Biên phòng Cao Bằng chung sức xây dựng NTM” giúp các xã biên giới cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên toàn tỉnh Cao Bằng tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức trong xây dựng NTM…
Quyết tâm xóa nhà tạm, dột nát
Xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm, kịp thời triển khai, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ các cơ chế chính sách hỗ trợ đã từng bước giúp các hộ nghèo có nhà ở, ổn định cuộc sống, tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Cao Bằng giảm từ 42,53% xuống còn 22,06% (giảm 23.894 hộ); bình quân giảm 4,12%/năm.
Nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Nam Tuấn, huyện Hòa An đã được xóa nhà tạm, nhà dột nát góp phần ổn định cuộc sống. |
Trong các nội dung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ cuối năm 2020 đến tháng 4/2021, từ 35 tỷ đồng nguồn hỗ trợ của Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 884 hộ nghèo trên địa bàn huyện Hà Quảng, trong đó hỗ trợ làm mới 95 nhà tôn lắp ghép, mức hỗ trợ 55 triệu/1 căn nhà; sửa chữa 179 nhà, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/1 căn; làm mới 610 nhà, mức hỗ trợ 40 triệu/1 căn, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, nâng cao uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp, gia tăng niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tiếp nối thành công của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Hà Quảng, Tỉnh ủy Cao Bằng chủ trương huy động mọi nguồn lực cùng với cả hệ thống chính trị trong giai đoạn 2021-2023, tập trung hỗ trợ nhà ở các hộ nghèo và cận nghèo, gia đình chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở, không có nhà hoặc nhà ở không đảm bảo điều kiện sinh sống trên địa bàn toàn tỉnh.
Qua rà soát, tổng số hộ gia đình được phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 477/QĐ-UBND ngày 19/04/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng) là 16.627 hộ. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn 7 huyện nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 1640/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 của UBND tỉnh Cao Bằng) là 13.175 hộ (bao gồm 3.728 hộ trong danh sách phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh). Tổng số nhà ở hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ về nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt là 16.049 hộ; với tổng số kinh phí cần huy động là: 588.173 triệu đồng.
Với một địa phương còn nhiều khó khăn như Cao Bằng, việc hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ, giúp đỡ làm mới và sửa chữa nhà ở cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, nâng cao uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp, gia tăng niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com