Novak Djokovic và chiếc huy chương vàng Olympic lịch sử

Tháng tám 6, 2024

Và thế là sau 16 năm chờ đợi, cuối cùng Djokovic cũng đã giành được tấm huy chương vàng danh giá của bộ môn quần vợt và qua đó hoàn thành Golden Slam, hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu của mình với chiếc huy chương vàng Olympic. Bản thân tôi, một fan ruột của Nole hơn 10 năm, cũng không kiềm nén được những cảm xúc của bản thân lúc viết những dòng này. Thật sự, hình ảnh Djokovic ăn mừng sau pha bóng cuối cùng ở loạt tiebreak trong trận chung kết với Alcaraz đã khiến hàng triệu người hâm mộ anh trên toàn thế giới phải cảm thấy xúc động.
Trước khi bước vào kỳ Olympic lần này, tôi cũng đã khá lo lắng vì Djokovic đã trải qua 3 thất bại liên tiếp ở các giải đấu lớn gồm Úc mở rộng, Roland-Garros và Wimbledon trước các tay vợt trẻ đang nổi là Jannik Sinner và Carlos Alcaraz. Đặc biệt ở Roland-Garros, Nole đã phải trải qua 5 set căng thẳng liên tiếp ở hai trận đấu với Lorenzo Musetti và Francisco Cerundolo rồi dẫn đến chấn thương đầu gối và phải bỏ cuộc giữa chừng để về điều trị chấn thương. So với trước thì Nole cũng không còn bền bỉ như xưa nữa, tất cả những nghi hoặc đó bủa vây xung quanh anh trước giải đấu.
Tay vợt người Serbia với sự nghiệp huy hoàng và những kỷ lục đáng nể lại bất ngờ trở thành tâm điểm của những đồn đoán và hoài nghi. Tại giải đấu mà ở đó có nhà đương kim vô địch Alexander Zverev, người đã giành huy chương vàng ở kỳ thế vận hội Olympic trước đó ở Nhật Bản và cũng chính là người đã gieo sầu cho Djokovic ở bán kết kỳ thế vận hội lần đó, một Carlos Alcaraz đang đạt đỉnh phong độ với kỷ lục giành 4 chức vô địch trong 4 trận chung kết Grand Slam mà mình tham dự và đại kình địch Rafael Nadal. Một số người đặt câu hỏi về thể trạng của Djokovic sau một loạt các giải đấu căng thẳng và chấn thương đầu gối mà anh gặp phải. Liệu tuổi tác có bắt đầu ảnh hưởng đến phong độ đỉnh cao của anh? Bên cạnh đó là áp lực giành huy chương vàng Olympic, một danh hiệu còn thiếu trong bộ sưu tập của Djokovic, lại càng khiến anh phải đối mặt với những thử thách tâm lý vô cùng lớn. Anh đã từng rất gần với mục tiêu này nhưng chưa một lần chạm tay vào nó. Lần này ở tuổi 37, cơ hội để giành được tấm huy chương vàng danh giá này lại càng bị dư luận hoài nghi.
Áp lực đè nặng lên vai Djokovic không chỉ đến từ những đối thủ đáng gờm mà còn từ chính lịch sử đối đầu của anh. Với Zverev là để trả mối hận ở Olympic Tokyo 2020. Với Alcaraz là hiện thân cho chướng ngại to lớn ở phía trước. Với Nadal là sự tái ngộ. Sự kỳ vọng của công chúng và truyền thông đối với Djokovic là vô cùng lớn. Đó là áp lực từ kỳ vọng quê nhà, là áp lực hoàn thành bộ sưu tập danh hiệu, cùng với sự so sánh không ngừng với Federer và Nadal. Và quả đúng như câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng trong những lúc khó khăn nhất thì Nole đã chứng tỏ bản lĩnh của mình, anh tiến một mạch đến trận chung kết Olympic đầu tiên của mình khi lần lượt hạ gục các tay vợt đối thủ với cùng tỉ số 2-0, trong đó có đại kình địch Nadal, Tsitsipas và Lorenzo Musetti (người đã hạ Zverev ở tứ kết), đối thủ của anh trong trận chung kết không ai khác là Alcaraz, người đã hạ anh bằng ba set thắng thuyết phục ở chung kết Wimbledon cách đây không lâu.
Ngay từ đầu trận, không khí căng thẳng và hồi hộp đã bao trùm sân Philippe Chatrier. Ngay từ những điểm số đầu tiên, cả Djokovic và Alcaraz đã thể hiện một phong độ cực cao. Những pha trả bóng chính xác và những cú drop shot tinh tế liên tục được tung ra. Mỗi điểm số đều là một cuộc đấu trí căng thẳng, nơi mà sự chính xác, tốc độ và sức bền được đặt lên bàn cân. Djokovic, với kinh nghiệm dày dặn và bản lĩnh vững vàng, đã thể hiện sự điềm tĩnh đáng nể. Anh luôn biết cách kiểm soát trận đấu, kéo đối thủ vào những pha bóng dài và chờ đợi cơ hội để tung ra những cú đánh quyết định. Trong khi đó, Alcaraz, với sức trẻ và sự nhiệt huyết, đã chơi một trận đấu đầy cảm hứng. Những cú đánh thuận tay mạnh mẽ và những pha di chuyển linh hoạt của anh đã khiến khán giả không khỏi trầm trồ. Đặc biệt nhất phải là tình huống ở ván thứ hai set 1 lúc Djokovic thực hiện cú drop shot của mình sau khi thực hiện một pha backhand chéo sân, Alcaraz chạy từ sau vạch baseline tới cứu bóng với đôi chân thoăn thoắt của mình. Dù cứu bóng không thành công nhưng pha bóng đó cũng đã cho thấy tốc độ và nền tảng thể lực của Alcaraz là tốt thế nào, điều mà anh vẫn luôn thể hiện từ những ngày đầu thi đấu chuyên nghiệp cho đến giờ. Những ván thi đấu của set 1 còn chứng kiến những màn cứu break point vô cùng ngoạn mục của cả hai tay vợt khi Alcaraz cứu cả 3 break point liên tiếp trong ván cầm giao bóng của mình ở ván thứ tư lúc tỉ số đang là 0-40 cho Djokovic, và liền ván sau đó Djokovic cũng cứu 3 break point trong ván cầm giao bóng của mình khi hai tay vợt kèn cựa nhau ở mốc điểm 40-Ad. Nhưng đỉnh điểm nhất phải là ván thứ chín lúc Djokovic cầm giao bóng khi anh cùng một lúc cứu cả 5 break point liên tiếp, một điều phi thường không ai nghĩ là anh có thể làm được khi trong ván đấu đó, Alcaraz đã gần như không cho Djokovic bất cứ cơ hội nào với những cú đánh ra hai mang hiểm hóc và những pha drop shot sở trường mà Djokovic chỉ có thể đứng nhìn. Có cảm tưởng nếu Djokovic không xuất thần cứu được 5 tình huống break liên tiếp đó thì có lẽ set 1 đã tuột khỏi tay anh rồi.

Ván đấu xuất thần của Djokovic khi cứu cả 5 break point
Hai bên sau đó bước vào loạt tiebreak, trong khi Djokovic thể hiện được sự bình tĩnh của mình thì Alcaraz lại thực hiện một pha đánh bóng hỏng và để lợi thế rơi vào tay đối thủ dù trước đó anh có khởi đầu khá tốt. Ván tiebreak kết thúc bằng tình huống Djokovic ngắt pha passing winner của Alcaraz và giành set point, qua đó tạm dẫn trước với tỉ số 1-0.
Sang set 2 thì không có quá nhiều điều để nói ở những ván cầm giao bóng của cả hai bên, trừ ván thi đấu thứ ba lúc Djokovic có cơ hội giành break, khi cả hai hold game giao bóng của mình quá tốt. Thế là cũng giống như set 1, hai bên lại tiếp tục kéo nhau vào tiebreak. Ở ván đấu tiebreak, có vẻ như khát khao giành vàng đã thôi thúc Djokovic chạy hết sức mình. Anh có một cú sliding forehand winner giành điểm đầu tiên tuyệt vời, sau đó là một pha phòng thủ ngoạn mục trước những tình huống đánh ra hai mang và ép trái hiểm hóc của Alcaraz và khiến anh tự đánh bóng hỏng. Sự bền bỉ và khát khao đó tiếp tục được nối tiếp khi Djokovic lại có thêm một pha sliding forehand winner lúc tỉ số tiebreak đang là 2-2 trong quyền cầm giao bóng của Alcaraz. Ở chiều ngược lại, trong khi Djokovic xuất thần thì Alcaraz lại tiếp tục có những pha đánh hỏng khiến bóng bay vào lưới, để rồi Djokovic kết thúc trận đấu bằng một cú forehand winner chuẩn chỉ để có lần đầu tiên chạm tay vào tấm huy chương vàng Olympic danh giá.
Ngay sau pha bóng đó, Djokovic đã buông cây vợt xuống và hét lên trong niềm vui sướng tột cùng. Có lẽ Djokovic đã chờ khoảnh khắc này quá lâu rồi, anh đã phải chiến đấu với chấn thương ở đầu gối, đối mặt với sự hoài nghi cùng với đó là sự kỳ vọng từ người hâm mộ quê nhà và fan hâm mộ ở khắp thế giới luôn dõi theo những bước tiến của anh. Tất cả chúng gộp lại đã biến Djokovic ở kỳ Olympic kỳ này là một Djokovic gan lỳ và đạt trạng thái thăng hoa nhất. Anh vượt qua mọi đối thủ của mình, kể cả một Alcaraz đang đạt đỉnh cao phong độ, với cùng tỉ số 2-0 và không để thua bất cứ set đấu nào. Djokovic, với mục tiêu giành tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên trong sự nghiệp của mình, đã cố gắng giữ vững sự tập trung và anh đã có được điều đó. Chiếc huy chương vàng Olympic lần này không chỉ giúp anh hoàn thành Golden Slam mà còn giúp anh thiết lập nên một kỷ lục khác đó là trở thành tay vợt lớn tuổi nhất bộ môn quần vợt đơn nam giành được huy chương vàng trong một kỳ thế vận hội.
Djokovic buông vợt trong niềm hân hoan giành được tấm huy chương vàng đầu tiên

Djokovic buông vợt trong niềm hân hoan giành được tấm huy chương vàng đầu tiên
Sự vỡ òa cảm xúc của Djokovic không chỉ là niềm vui cá nhân mà còn là một khoảnh khắc đầy ý nghĩa cho những người hâm mộ và những người đã luôn ủng hộ và đồng hành với anh. Đó là hình ảnh một nhà vô địch vĩ đại đã có hết mọi thứ trong sự nghiệp cùng với tấm huy chương vàng trên cổ, hình ảnh này đã khắc sâu vào tâm trí của hàng triệu người yêu quần vợt trên toàn thế giới. Trận chung kết quần vợt đơn nam Olympic lần này không chỉ gói gọn là một trận đấu thể thao đơn thuần mà còn là biểu tượng cho khát vọng, sự kiên trì và tình yêu với môn thể thao mà bản thân Djokovic đã luôn theo đuổi. Anh đã chứng minh rằng tuổi tác không phải là rào cản, và rằng những giấc mơ, dù có xa vời, vẫn có thể trở thành hiện thực nếu ta không ngừng nỗ lực.

Cảm ơn anh vì đã trở thành một phần tuổi thơ của tôi và nhiều người khác, vị GOAT vĩ đại của làng banh nỉ.
Bài viết được thực hiện bởi Lambdadelta Umineko
Ngày 06 tháng 08 năm 2024