Ở nơi người dân thiếu nước nghiêm trọng
Ở nơi người dân thiếu nước nghiêm trọng
Dành dụm bao năm để đào giếng nhưng vẫn không có nước dùng
PV Thanh Niên đã theo chân đội hình sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM về với xã Xuân Quang 1, H.Đồng Xuân (Phú Yên). Đây là xã miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt, phần đông người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Trưa nắng tháng 7, đi ngang nhà ông Đinh Chế Đức (70 tuổi, có cha là người dân tộc Ba Na) ngụ thôn Suối Cối 2, thấy ông đang lúi cúi trong bếp chuẩn bị đồ ăn cho người vợ bị bệnh nặng, nằm một chỗ hơn nửa năm nay. Ghé vào hỏi chuyện, ông Đức than thở: “Ở đây không gì khổ bằng thiếu nước”.
Dẫn chúng tôi đến bên giếng nước nhà mình, ông Đức chỉ tay nói: “Mấy nay buổi chiều thường mưa, nên mới có nước dưới giếng, chứ bình thường là cạn khô. Đào giếng mà chỉ toàn chờ trời mưa, chứ mong nước mạch thì làm gì có”.
Ông Đức lý giải: “Nhà nghèo khổ, làm gì có tiền. Dành dụm mãi mới được 16 triệu đồng để thuê người về đào giếng. Nhưng chỉ đào được 4,9 m, ráng xuống 5 m mà cũng không nổi. Mà phải đào đến 3 chỗ rồi mới được vị trí này. Đá nhiều quá, không có gì đục, chỉ làm bằng tay thôi, nên không thể nào đào giếng xuống sâu hơn được. Chính vì thế, mới đến tháng 2, tháng 3 là đã thiếu nước rồi. Người ta đào giếng mười mấy mét còn không có nước, đây mình đào có 4,9 m thì làm sao có được. Chẳng qua mưa là mới có nước thôi, chứ mùa nắng thì chịu thua luôn”.
Nói rồi ông Đức chỉ tay về những tảng đá lô nhô trên mặt đất, thở dài: “Toàn đá như vậy đó, càng đào xuống càng gặp đá. Chịu thua”.
Ông cho biết mỗi năm chỉ đến mùa mưa mới trữ nước sử dụng được khoảng 3 tháng, các tháng còn lại thì “khóc ròng”. Mỗi ngày người dân ở đây đều phải ra suối xách từng can nước về dùng, vì đường xa và khó đi nên không thể chở hay xách được nhiều.
“Lấy nước suối về rồi lọc lại để dùng?”, chúng tôi hỏi, ông Đức liền nói: “Máy ở đâu mà lọc. Nấu nướng, ăn uống và sinh hoạt gì cũng chỉ nước xách từ suối về vậy thôi, chứ biết sao giờ. Trên suối cũng đào một cái vũng để trữ nước lại, rồi lên múc vào can nhựa mang về dùng. Mùa nắng suối cũng khô, mỗi lần lấy nước về chỉ để dành nấu ăn, chứ giặt đồ cũng chịu thua. Ở đây mấy hộ nào trúng đất thì còn có tiền để khoan giếng gần cả 100 triệu đồng. Chứ dân nghèo tiền ăn còn không có lấy đâu mà khoan giếng”.
Với công việc mua bán ve chai, hai vợ chồng ông Đức mới có thể dành dụm được khoản tiền thuê người đào giếng. Còn gia đình chị La Mo Thị Tin (gần nhà ông Đức) đến cái giếng cũng không có.
Hỏi chị Tin về lý do không đào giếng, chị nói: “Tiền đâu mà đào!”. Chỉ tay theo hướng bên trái của ngôi nhà, chị cho biết đó là giếng do chính quyền (tức UBND xã) đào cho dân nhưng vẫn không có nước.
Dù độ sâu hơn giếng nhà ông Đức nhiều nhưng lại chung tình cảnh chỉ có nước khi mưa về, còn mùa nắng thì cạn khô.
Ngồi dựa mình vào vách tường của ngôi nhà sàn (mới được chồng chị xin những ống nước mềm người ta dùng tưới tiêu khi làm dưa, làm cà vứt bỏ đi để về đan thành nơi che nắng, che mưa cho cả gia đình), nghĩ về sự thiếu nước khiến đời sống phải khổ sở mỗi ngày, chị Tin tỏ ra bất lực, kể: “Giếng này cả làng ở đây sử dụng chung nhưng mùa nắng có nước đâu mà dùng. Nên chúng tôi toàn đi xách nước từ suối miết thôi, vất vả vô cùng”.
Đi cùng ông Đức một đoạn đường rất xa để ra suối xách từng can nước về dùng, càng thấu hiểu rõ hơn tình trạng đang rất cần một nguồn nước sạch về cho người dân nơi đây.
Vấn đề trăn trở của cả người dân và chính quyền
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Hoài, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, cho biết trên địa bàn có 5 thôn, nhưng chỉ có một thôn là đủ nước sử dụng, còn lại đều chung tình cảnh thiếu nước trầm trọng vào mùa nắng.
Trước tình hình đó, năm 2020, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng Tỉnh đoàn thực hiện công trình dẫn nước về cho người dân ở thôn Phú Tâm (một trong 4 thôn thiếu nước nghiêm trọng), nhưng cũng chỉ giải quyết được tình trạng thiếu nước của một thôn.
“3 thôn còn lại đều trong tình trạng rất lâu rồi cứ bị thiếu nước trong mùa khô. Thật sự rất trăn trở. Cả tập thể chính quyền xã và lãnh đạo Huyện ủy đều rất quan tâm, trăn trở. Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị xây dựng hệ thống nước sạch, bể nước cho dân, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể làm được, vì thật sự phải đầu tư kinh phí quá cao”, ông Hoài cho biết.
Cũng theo ông Hoài, mấy năm trước, UBND xã đã hỗ trợ cho từng khu một cái giếng. Nhưng vì đặc thù địa hình đá cứng, đào không thể qua được tầng đá, nên cố gắng hết sức thì mỗi giếng chỉ đào được độ sâu khoảng 30 m, vì thế mùa mưa mới có nước còn mùa nắng lại trơ trọi đá.
“Nên tình hình đào giếng là không khả quan. Còn khoan giếng với độ sâu khoảng trên 100 m thì các hộ dân không đủ điều kiện. Thực sự đây là nhu cầu rất cấp thiết và cần phải vận động nguồn xã hội hóa”, ông Hoài nói và cho biết trước tình hình cấp bách này, Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã mang công trình dẫn nước tự chảy từ nguồn về cho người dân vô cùng ý nghĩa, nên chính quyền địa phương đã tổng huy động lực lượng để cùng phối hợp thực hiện công trình này.
Những ngày đầu khi thấy lực lượng thanh niên tình nguyện mang ống đặt ở ngay tuyến đường trước nhà mình, ông Đức nghĩ bụng: “Hổng lẽ sắp có nước về đây”. Nghĩ vậy và ông thầm mừng. “Mới thấy để đường dây nước thôi là đã mừng rồi. Chỉ cần dây nước về đến đây là mình sẽ nối ống nhựa để dẫn vào nhà, như thế sẽ được dùng thoải mái hơn rồi. Nghĩ thế thôi là đã mừng quá chừng luôn. Giờ nghe nói là sẽ dẫn nước từ tít tận trên nguồn cao về đây thì kinh phí còn nặng hơn nữa, phải là cấp T.Ư mới may ra làm được chứ đâu dễ gì”, ông nói.
Đến trong mơ ông Đức cũng chưa dám nghĩ có ngày nước sạch sẽ chảy về được tận nhà của mình, và mỗi ngày sẽ không còn phải lo nước đâu để sử dụng. Cũng chính vì thế, ông vẫn chưa dám tin, dù rằng khi ấy nước sắp được đội hình thanh niên tình nguyện dẫn về đến nhà ông.
Những ngày cuối tháng 7, khi công trình dẫn nước tự chảy từ đầu nguồn về cho người dân xã Xuân Quang 1 được hoàn thành. Nhìn những dòng nước qua đường ống chảy rất mạnh về với 3 thôn đang thiếu nước nghiêm trọng, ông Hoài hạnh phúc vô bờ bến.
“Thật sự rất mừng. Người dân ở đây ai cũng phấn khởi. Có hệ thống nước tự chảy này sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu sử dụng nước của cả 3 thôn. Rất biết ơn các đơn vị tài trợ và đặc biệt là đội hình thanh niên tình nguyện đã về và thực hiện cho địa phương công trình quá ý nghĩa như thế này. Nhiều năm nay khi về với địa phương, các bạn đã đóng góp rất nhiều và giúp cho xã vùng núi được thay đổi diện mạo, cải thiện đời sống”, ông Hoài bày tỏ.
Với ông Đức, chị Tin và biết bao hộ dân ở xã Xuân Quang 1, giờ đây niềm hạnh phúc không gì có thể diễn tả hết được. Sau nhiều năm trăn trở và chờ đợi thì nay nguồn nước được dẫn về đã xóa tan mọi âu sầu, bất lực trước đây.
Ông Nguyễn Sô, người dân ở thôn Suối Cối 1, nhìn những dòng nước chảy về đến nhà mình mà dâng trào cảm xúc, bày tỏ: “Không bao giờ có được như thế này đâu, bây giờ có được nên rất là mừng”.
“Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, lực lượng thanh niên tình nguyện cũng như đơn vị tài trợ đường ống nước là Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, mà giờ đây bà con không còn nỗi lo khô cạn nữa. Ở đây nguồn nước ngầm rất thiếu nên đến mùa nắng hạn, người dân chúng tôi vô cùng khó khăn trong vấn đề nước. Chúng tôi phải đi xin từ rất xa, rồi múc ngoài sông, ngoài suối chở về để dùng. Vất vả quá chừng. Nên giờ có nước về rồi chúng tôi ai nấy đều phấn khởi”, Ông Sô nói lời cảm ơn và nhấn mạnh: “Rất là mừng. Rất là quý luôn, vì nguồn nước như mạch máu ở trong người vậy đó, không thể nào thiếu được. Mừng, mừng lắm luôn”.
Thế nhưng, bắt đầu từ đâu? Hành trình gian nan đi tìm nguồn nước và “thiên biến vạn hóa” như thế nào để đưa được nước về cho dân nơi đây? Quả thật là kỳ công và biết bao gian khổ…, mời bạn đọc cùng đón đọc ở kỳ tiếp theo. (còn tiếp)
Công trình với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng, cung cấp nước sạch cho hơn 200 hộ dân ở 3 thôn của xã Xuân Quang 1. Công trình do đội hình tình nguyện Mùa hè xanh của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện; được sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh và nguồn nhân lực từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên.
Bạn đang đọc Ở nơi người dân thiếu nước nghiêm trọng tại website hungday.com