Olympic 2024: Trịnh Văn Vinh và nỗ lực bất thành, Việt Nam chỉ còn Nguyễn Thị Hương

Tháng tám 8, 2024

Olympic 2024: Trịnh Văn Vinh và nỗ lực bất thành, Việt Nam chỉ còn Nguyễn Thị Hương

3 lần cử giật đều thất bại

Trước khi Trịnh Văn Vinh bước vào thi đấu thì lo ngại lớn nhất dành cho đô cử này chính là chấn thương gối đã thành mãn tính. Cái chân phải của Vinh được băng bó rất kỹ và bác sĩ đã kiểm tra 24 tiếng đồng hồ trước khi xuất trận để xem thể trạng của Vinh liệu có thể đăng ký ở trọng lượng bao nhiêu cho phù hợp. Ban huấn luyện cũng đã cân lên đặt xuống quyết định đăng ký cho Vinh là 129 kg dù trong thực tế tập luyện trước đó anh hoàn toàn có thể cử giật khoảng 130 kg. Mức này cũng phù hợp với Vinh và cũng nằm trong tầm ngắm tranh chấp 5 hạng đầu khi anh chỉ có mức đăng ký thua 4/11 đối thủ là VĐV của Trung Quốc, Ý, Indonesia và Bulgaria.

Olympic 2024: Trịnh Văn Vinh và nỗ lực bất thành, Việt Nam chỉ còn Nguyễn Thị Hương- Ảnh 1.

Olympic 2024: Trịnh Văn Vinh và nỗ lực bất thành, Việt Nam chỉ còn Nguyễn Thị Hương- Ảnh 2.

Khuôn mặt buồn bã của Trịnh Văn Vinh sau 3 lần cử giật không thành công

REUTERS

Nhưng trước giờ xuất trận theo ông Ngô Ích Quân, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 2 – Cục TDTT, thành viên đoàn TTVN tại Olympic 2024, Vinh có dấu hiệu đau nhẹ ở gối, nhưng cũng không phải quá nghiêm trọng. Song để giảm tải cho Vinh, ban huấn luyện buộc phải điều chỉnh kéo cử giật xuống 128 kg để hy vọng nếu lần đầu qua được thì sẽ nâng tạ lên. Dù đã kéo xuống nhưng Trịnh Văn Vinh bước ra thảm đấu trong tâm trạng căng cứng và cả 3 lần cử giật anh đều chỉ nhấc lên rồi buông xuống ngay lập tức. Thậm chí lần thứ 3 anh còn ngã do đầu gối không chịu nổi lực tải của trọng lượng tạ. Nhìn khuôn mặt buồn bã của Trịnh Văn Vinh cũng thấy dù rất nỗ lực nhưng mọi thứ đã vô vọng với anh. Trịnh Văn Vinh là một trong 4 đô cử (cùng với VĐV của Ý, Philippines và Bulgaria) cả 3 lần giật đều không thành công.

Cử tạ VN phải làm lại

Nhìn thành tích của 8 VĐV đã thi đấu nội dung cử giật thì hết 4 người có kết quả dưới 126 kg, vị trí thứ 3 và 4 là Silachai của Thái Lan và Bin Kasdan của Malaysia cũng chỉ là 132 kg và 130 kg. Nghĩa là 2 VĐV của Đông Nam Á này đều không hơn đô cử VN nếu như anh đạt được 128 kg như đăng ký thì hoàn toàn có thể gây áp lực để tấn công vào cử đẩy. Từ đó có thể mở ra hy vọng tranh chấp huy chương. Nhưng Văn Vinh đã không làm được. Anh thừa nhận điểm yếu lớn nhất của mình chính là cử giật vì đòi hỏi sức mạnh đôi tay kéo tạ lên qua khỏi đầu để trụ vững, nhưng không hiểu sao anh không giữ được trọng tâm, còn 2 chân nặng như đeo chì.

Ông Ngô Ích Quân chia sẻ: “Đăng ký mức tạ này là hoàn toàn phù hợp với khả năng của Văn Vinh vì thực sự chúng tôi cũng hy vọng anh tiếp cận được ở vị trí thứ 4 hoặc thứ 5 ở cử giật để từ đó ban huấn luyện sẽ có điều chỉnh tiếp theo. Nhưng tâm lý của Vinh cùng với chấn thương đã tước đi mọi hy vọng”. Ông Quân cũng khẳng định sau Olympic, cử tạ cũng phải làm lại, cần đầu tư tốt hơn trong các hạng cân nhẹ, để làm sao chúng ta có nhiều tài năng trong cùng hạng cân, đủ sức cạnh tranh và tranh chấp tốt hơn. Bởi nếu tình trạng này kéo dài cộng với chấn thương rất dễ xảy ra cho VĐV thì khó lòng cho cử tạ có “cửa” nhắm đến huy chương ASIAD hay Olympic.

Như vậy thất bại của Trịnh Văn Vinh khiến cho thể thao VN gần như sẽ trắng tay tại Olympic lần này vì còn một nội dung canoeing của Nguyễn Thị Hương thi đấu vào 15 giờ 30 ngày 8.8, nhưng xem ra cũng khó hy vọng gây bất ngờ. Đây cũng là những kết quả được báo trước cho thấy khoảng cách trình độ của VĐV VN so với thế giới trong nhiều môn thi vẫn còn quá lớn, không thể trong thời gian ngắn có thể kéo gần. Sự đầu tư của ngành TDTT dù có cố gắng cách mấy thì vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, đặc biệt việc xây dựng hoạch định chiến lược cũng như chọn ra các mục tiêu trọng điểm vẫn cần có những đánh giá sát sườn hơn. 

Olympic 2024: Trịnh Văn Vinh và nỗ lực bất thành, Việt Nam chỉ còn Nguyễn Thị Hương- Ảnh 3.


Bạn đang đọc Olympic 2024: Trịnh Văn Vinh và nỗ lực bất thành, Việt Nam chỉ còn Nguyễn Thị Hương tại website hungday.com