Olympic không bao giờ trao tiền thưởng, VĐV kiếm tiền thế nào, có bị nghèo không?
Olympic không bao giờ trao tiền thưởng, VĐV kiếm tiền thế nào, có bị nghèo không?
Thay vào đó, IOC phân bổ tiền để hỗ trợ thêm cho sự phát triển của thể thao và các VĐV.
“IOC phân phối lại 90% tổng thu nhập của mình, đặc biệt là cho các ủy ban Olympic quốc gia (NOC) và liên đoàn quốc tế (IF)”, IOC cho biết.
“Điều này có nghĩa là, mỗi ngày, số tiền tương đương 4,2 triệu USD sẽ được chuyển đến để giúp đỡ các VĐV và tổ chức thể thao ở mọi cấp độ trên toàn thế giới. Mỗi liên đoàn và ủy ban Olymic quốc gia phải tự quyết định cách phục vụ tốt nhất cho các VĐV của mình và sự phát triển toàn cầu của môn thể thao của họ”.
Năm 2024 là năm đầu tiên các VĐV điền kinh sẽ nhận được tiền thưởng cho HCV.
Mặc dù IOC không trao tiền thưởng trực tiếp cho huy chương, nhưng cơ quan quản lý điền kinh – sẽ làm như vậy sau một thông báo bất ngờ vào tháng 4.
Liên đoàn Điền kinh thế giới World Athletics (WA) tiết lộ rằng, những người giành HCV ở các nội dung điền kinh tại Olympic Paris 2024 sẽ nhận được tiền thưởng, trở thành cơ quan quản lý thể thao quốc tế đầu tiên làm như vậy.
WA đã trích ra một khoản tiền thưởng trị giá 2,4 triệu USD từ khoản phân bổ doanh thu của IOC mà họ nhận được sau mỗi bốn năm để thưởng cho các VĐV.
Những người giành HCV ở mỗi nội dung điền kinh trong số 48 nội dung tại Paris sẽ nhận được 50.000 USD và các đội tiếp sức sẽ nhận được số tiền tương tự để chia cho các VĐV.
Mặc dù tiền thưởng chỉ dành cho những người giành HCV, WA cho biết họ cam kết mở rộng sáng kiến tiền thưởng cho những người giành HCB và HCĐ Olympic tại Thế vận hội Olympic Los Angeles 2028.
Thông báo này đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Hiệp hội các Liên đoàn Olympic quốc tế mùa hè (ASOIF) cho biết họ có “một số lo ngại” về động thái này, lập luận rằng việc đưa ra tiền thưởng “làm suy yếu các giá trị của Olympic và tính độc đáo của thế vận hội”.
“Người ta không thể và không nên định giá cho một HCV Olympic và trong nhiều trường hợp, những người giành huy chương Olympic được hưởng lợi gián tiếp từ các hợp đồng thương mại”, ASOIF chia sẻ quan điểm. “Điều này không tính đến các VĐV kém may mắn hơn ở vị trí thấp hơn trong bảng xếp hạng cuối cùng”.
Có những cách khác để kiếm tiền
Các VĐV cũng có thể kiếm tiền thưởng thông qua các phương tiện khác.
Tại một cuộc họp báo vào tháng 5, Chủ tịch IOC Thomas Bach đã giải thích rằng “thông lệ” là các VĐV nhận tiền thưởng từ ủy ban Olympic quốc gia, các cơ quan chính phủ hoặc thông qua các nhà tài trợ cho những thành tích mà VĐV đó giành được tại Olympic. Vì thế nên số tiền thưởng cho huy chương Olympic của mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ là khác nhau, tùy thuộc vào ủy ban Olympic của quốc gia/vùng lãnh thổ đó quyết định.
Tại Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, các VĐV Mỹ đã nhận được tổng cộng 5,6 triệu USD tiền thưởng.
Ví dụ, Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ (USOPC) thưởng cho các VĐV giành HCV 37.500 USD, 22.500 USD cho HCB và 15.000 USD cho HCĐ.
Hồng Kông và Singapore đưa ra số tiền thưởng cao nhất cho những VĐV giành huy chương Olympic.
Tiền thưởng bằng tiền mặt cho các VĐV Hồng Kông thi đấu tại Paris đã tăng 20% so với Thế vận hội mùa hè Tokyo. Những người giành HCV sẽ nhận được 6 triệu đô la Hồng Kông (tương đương khoảng 768.000 USD). Những VĐV giành HCB và HCĐ sẽ nhận được lần lượt 3 triệu đô la Hồng Kông và 1,5 triệu đô la Hồng Kông.
Singapore trao cho các VĐV giành huy chương Olympic 1 triệu đô la Singapore (tương đương khoảng 745.300 USD cho HCV, 500.000 đô la Singapore cho HCB và 250.000 đô la Singapore cho huy HCĐ).
Còn với Hàn Quốc, VĐV giành huy chương Olympic còn được trao tặng lương hưu ngoài tiền thưởng.
Ngoài khoản tiền thưởng 63 triệu won Hàn Quốc (tương đương 43.288 USD), phương tiện truyền thông địa phương đưa tin những người giành HCV của Hàn Quốc cũng được lựa chọn nhận lương hưu trọn đời là 1 triệu won mỗi tháng hoặc một khoản tiền trọn gói là 67,2 triệu won.
Người giành HCB sẽ nhận được 35 triệu won và người giành HCĐ sẽ nhận được 25 triệu won.
Ngoài nguồn này, các VĐV thường được nhận tiền thưởng tài trợ từ các công ty, các nhãn hàng hoặc được ký hợp đồng quảng cáo, được trở thành đại sứ thương hiệu nếu đạt thành tích cao.
Ví dụ, ngôi sao thể dục dụng cụ của Mỹ – Simone Biles kiếm được 7 triệu USD từ các khoản tài trợ và hợp đồng quảng cáo, theo Forbes.
Những phần thưởng kỳ lạ
Ở một số nơi, các VĐV Olympic cũng được những vật kỷ niệm khá lạ để ghi nhận.
Bên cạnh 200.000 zloty Ba Lan (tương đương 50.374 USD) từ Ủy ban Olympic Ba Lan, VĐV Klaudia Zwolińska cũng được cho là sẽ nhận được một bức tranh, một phiếu nghỉ dưỡng, một học bổng và một viên kim cương vì giành huy chương bạc trong cuộc thi chèo thuyền vượt chướng ngại vật nữ K1.
Một chuỗi cửa hàng địa phương đã cam kết rằng các VĐV đại diện cho Malaysia tại Thế vận hội Tokyo sẽ được cung cấp đồ ăn miễn phí và uống trà sữa Teh Tarik trọn đời, theo phương tiện truyền thông địa phương.
VĐV bóng bàn người Nhật Kasumi Ishikawa đã được tặng 100 bao gạo sau khi giành HCB tại Thế vận hội Tokyo.
Hai VĐV giành HCV cầu lông người Indonesia là Apriyani Rahayu và Greysia Polii được cho là đã được tặng năm con bò, một nhà hàng thịt viên và một ngôi nhà mới.
Các VĐV đến từ Anh, Na Uy và một số quốc gia khác không nhận được bất kỳ khoản tiền thưởng trực tiếp nào khi giành được vị trí trên bục vinh quang.
Không có huy chương vẫn có thể kiếm tiền
VĐV nhảy sào người Pháp Anthony Ammirati đã nhận được những lời đề nghị từ một công ty khiêu dâm sau khi anh không lọt vào chung kết vì không một lý do khó đỡ: bộ phận sinh dục vướng làm xà rơi.
Hay cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ Ilona Maher có gần 5,5 triệu người theo dõi trên các tài khoản mạng xã hội đã có nhiều hợp đồng quảng cáo vì cách chơi mạng xã hội thông minh của mình.
Giáo sư T. Bettina Cornwell tại ĐH Oregoncủa Mỹ cho rằng: “Điều thực sự đặc biệt về Ilona là khi bước vào khoảnh khắc Olympic này, cô ấy biết chính xác mình là ai, cô ấy biết thông điệp của mình là gì và cô ấy biết loại thương hiệu mà cô ấy muốn liên kết”.
Bà T. Bettina Cornwell tin rằng một VĐV phải vượt ra ngoài việc xây dựng một nền tảng truyền thông xã hội để có sức mạnh thực sự. Những hợp đồng lớn thuộc về Simone Biles, Katie Ledecky hoặc cựu VĐV bơi lội Michael Phelps. Các VĐV từ các môn thể thao ít được biết đến phải hiểu được khán giả.
“Một VĐV thu hút khán giả tại giao điểm của thành tích thể thao và câu chuyện cuộc đời. Điều này không có nghĩa là những VĐV có thành tích cao nhất không thể có số lượng người theo dõi cao nhất trên phương tiện truyền thông xã hội, nhưng để thực sự chiếm được trái tim của khán giả, thì việc kể chuyện là điều cần thiết. Một VĐV càng dễ gần gũi với tư cách là một người bình thường, thì khán giả sẽ càng thích màn trình diễn môn thể thao không mấy phổ biến của họ”, bà Cornwell nói.
Bạn đang đọc Olympic không bao giờ trao tiền thưởng, VĐV kiếm tiền thế nào, có bị nghèo không? tại website hungday.com