On Writing #8: Siêu thực và tâm linh của sự viết
Tháng mười 9, 2024
Hồi còn nhỏ, tôi có đứa bạn hàng xóm rất khoẻ và rất hay bảo vệ tôi khỏi bắt nạt. Tôi chưa bao giờ thực sự nhìn thấy nó đi học, nhưng tất nhiên nó luôn đến trường, đến muộn hoặc sớm hơn tôi, không bao giờ cùng giờ. Một hôm nó thú nhận sau ngăn tủ nhà nó, có một cái cửa, nó đi qua đó và đến trường luôn. Nó ngạc nhiên vì tôi thấy chuyện đó kì lạ, vì với nó, chuyện đó không hề kì lạ: nó vẫn như thế từ bé. Chuyện tất nhiên có thể là bịa, nhưng nó vẫn làm tôi ngạc nhiên: ngạc nhiên không bởi cánh cửa thần bí, mà bởi cái thản nhiên của thằng bạn. Tôi tin trong đời nó thực sự có những thứ ấy. Chúng tôi không gặp lại nhau nhiều sau này. Nhưng nó đã thành công trong đời sống công chức, chẳng hạn nó đã tìm được một cửa nào đó tiến thân, cũng theo lối đằng sau cánh tủ.
Tôi cảm thấy chúng ta nên bắt đầu bài tiếp theo trong series, bằng chuyện trên. Nếu bạn là người mới tới, có thể xem tuyến các bài On Writing trên Substack của tôi: . Hoặc có thể không.
Chúng sinh bình đẳng trước….tiểu thuyết. Đứng trước những trang giấy trắng khêu gợi đang nằm ưỡn ra đợi ngòi bút cấy lên những đòn bạo tình của một bản thảo mới, tất cả chúng ta đều là trai tơ như nhau, từ nhà văn nổi tiếng đến anh viết nghiệp dư, từ thiên tài đến người mới đến: chất phác, hào hứng và bế tắc. Đừng có nói kinh nghiệm, danh tiếng… Chúng vô nghĩa, và thường vô ích. Dưới đây là một truyện ngắn tôi mới được gửi tặng:
Bởi vì ngôn ngữ thì có tâm linh. Hay nếu không muốn nói, ngôn ngữ chính là tâm linh. Câu nói nổi tiếng của Heidegger: “Ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể” thì có thể hiểu như ngôn ngữ là nhà của tâm linh. Sự viết chứa trong đó không phải chỉ những điều định nói, mà cả những điều không định nói ra, hoặc không muốn nói ra, hoặc nói ra một lần cho nó xong cha nó đi… Ai không hiểu điều này thì chưa bao giờ thật sự biết viết. Sự viết luôn cố vượt rào qua lý trí vì nó luôn muốn thế: có một hấp lực vô hình cám dỗ cây bút, từ đâu đó xa xôi trong tâm tưởng. Khi ngồi viết mà dừng bút ta nhìn lên rất dễ sẽ thấy mặt mình trên tường, dù tường không hề có gương. Sự viết khi ấy kéo lên một lớp sương mù vây quanh người viết, trong ngôn ngữ của chính kẻ viết, có những điều chính họ không hiểu được, hoặc không biết là mình có hiểu. Khi viết, người ta được dẫn hướng bởi cả tiềm thức lẫn lý trí, nhưng sự viết không thể thành công nếu không đặt tâm tư vào chính giữa trung tâm của nó. Bởi nếu không ta sẽ chỉ có sự viết nói dối và sự viết thực thà: cả nói dối, lẫn thực thà trong viết đều không mang lại một chút giá trị nghệ thuật nào.
Nó không chạm đến cõi tâm linh rộng lớn, hay tính siêu thực của đời sống.
Tâm linh là không gian giao cảm của cộng đồng, ta có ký ức chung, những tập tục và cõi tâm linh riêng mỗi người. Cõi tâm linh của riêng mình: một mặt phẳng hội dồn những gì ta yêu bằng cả cơ thể sinh học, gồm cả những vật thể, hình khối trong thực tại và tưởng tượng. Con người tư duy bằng ẩn dụ chứ không phải bằng cách vật. Cõi tâm linh cứ thế hiển hiện (và run rủi) ngôn ngữ: khi đó ta có siêu thực.
Để khỏi rắc rối, tôi xin kể một câu chuyện. Trong một truyện ngắn của Haruki Murakami, một người đàn ông trưởng thành bình thường xưng tôi kể lại chuyện hôm ông ta bước chân vào một quán xông hơi, tất nhiên cũng có thể giống xông hơi mát xa theo kiểu Windy Cầu Giấy hay Tẩm quất lành mạnh gần cầu vượt đường Thanh Niên. Nhưng những gì bất thường bắt đầu lộ ra như một gợi ý thiêng liêng nào đó: lão chủ quán thì không có lông mày, một con gà kì dị… Thế rồi ở bồn tắm, thay vì một kỹ thuật viên tẩm quất như trong truyện Con Thú Mù của E. Ranpo, thì là một con khỉ Okinawa biết nói tiếng người. Con khỉ sau đó được người đàn ông tips tiền, mời cả uống bia và ăn bim bim.
Cuộc bia khá vui, con khỉ tâm sự rằng việc nói tiếng người làm nó mất luôn kết nối với thế giới khỉ, và đồng thời, luôn cả mất kết nối với thế giới người. Nhưng con khỉ vẫn là một trái tim đập giữa vũ trụ: nó có tâm tư, vì thế nó yêu. Nó yêu các cô gái người. Đến đây truyện bắt đầu gay cấn, trong men bia (chắc ngon), người đàn ông bắt đầu chấp nhận và thông cảm với chú khỉ tội nghiệp. Con khỉ rượu vào lời ra bắt đầu tâm sự: để giải quyết nhu cầu yêu, nó…đánh cắp tên của các cô gái. Tức là ăn cắp bất cứ thứ gì có ghi tên người mình yêu. Người đàn ông hiểu rằng con khỉ ấy là hiện thân của cô đơn tột cùng và tình yêu tột cùng.
Chuyện không để lại dư chấn gì đặc biệt. Chỉ là khi ra về, người đàn ông nhận ra dường như những gì gặp đêm đó đều không tồn tại: cả con gà kì dị, lão chủ nhà lẫn con khỉ. Cứ như cơn mộng. Nhưng nhiều năm sau, người đàn ông quen biết một nữ đối tác, cô gái mắc chứng quên mất tên của bản thân, đặc biệt từ hôm túi xách cô bị lục lọi, không mất tiền, trang sức hay thẻ ATM, mà lại mất bằng lái xe. Người đàn ông nghĩ đến con khỉ Okinawa năm nào, tình yêu tột cùng, cô đơn tột cùng. Nhưng nhân vật tôi giấu câu chuyện vào lòng và quyết định không kể với cô kia, không phải vì anh ta sợ câu chuyện quá khó tin mà là anh ta không thấy mình có tư cách gì để nói ra bí mật đó.
Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở việc có một con khỉ như vậy, thì đó chỉ mới ở mức độ là truyện giả tưởng.
Nhưng vấn đề là truyện ấy không kể về con khỉ Okinawa, nó kể về chính người đàn ông (nhân vật tôi): sự chấp nhận một thế giới lung lạc như thế tồn tại ngay trước mắt, trong sự chấp nhận ấy có nét tâm giao tương thông với một thực thể khác cùng cõi. Khi người đàn ông chấp nhận con khỉ ấy thực sự đã hiện diện, ông ta tiến đến chỗ của siêu thực. Trong sự chấp nhận ấy có cả nhìn nhận, lựa chọn để đạt một hiểu biết mới, một lý trí bừng nở và gần với hạnh phúc. Từ giả tưởng trở thành siêu thực: đây tiến trình của một cuộc đời thế tục tiến đến một cuộc đời đích thực, trong đó nhất định còn những liên lạc với các thế giới khác: và nó chỉ quan trọng với một vài người, với nhân vật chính, với tác giả, với một vài bạn đọc. Ta nhận ra mình, đồng thời tìm thấy nhau trong cõi.
Siêu thực thì khác với giả tưởng vì siêu thực là cái bao trùm của đời sống, giả tưởng thì ngược lại, là phần bị tách ra một cách tàn bạo, khi người ta đã mất hẳn kết nối. Giả tưởng có thể hoàn toàn không cần thiết: ta không cần bất kỳ phép màu nào dành cho Chí Phèo. Nhưng siêu thực thì khác: siêu thực là đích để vươn tới, vì nó là dấu chỉ của chân lý hoàn vũ. Chí Phèo bị chối bỏ làm người ngay từ đầu, ngay từ lúc sinh ra, nhưng cũng chỉ tìm được phương cách đến đích trong con đường siêu thực: về cuối truyện Chí không còn thấy ngoại cảnh hay thực tại. Kẻ sống dậy trong Chí không phải là anh chàng mồ côi thưở nào, đó cũng không phải là con người đích thực của Chí, cái thức tỉnh trong Chí là cái ác thuần khiết đã về đúng chỗ trong đối sánh với lương thiện. Thế giới thực vốn sai lầm, Chí tìm được một con đường tâm linh
Còn nữa, tại sao người đời lại nói “văn vận vào người”?
Sự viết vốn là con đường trái tự nhiên: nó là nhát dao của Chí Phèo đâm vào thực tại, do đã mất kết nối. Hành trạng của Chí Phèo thực ra chính là kẻ viết văn: ban đầu ước mơ làm người, về sau rạch mặt ăn vạ, sự viết cũng có rượu, có tình yêu và có hối hận, nhưng đặc biệt cuối cùng là trở về hư vô. Đáng ra phải ngộ ra hư vô từ đầu. Phải thấy cái siêu thực trên đầu mình.
Con người nếu không cảm thấy mất liên lạc và trở thành Khỉ Okinawa đứng giữa cõi người và cõi tự nhiên, thì sẽ không cần văn chương, không cần đánh cắp một cái tên nào. Văn chương hoàn toàn có thể dẫn người ta đi lạc lối, đến chỗ rạch mặt và sa đoạ rượu, tác động sâu đến tận chân cột bản lề của tâm tư và làm đời người không yên được. Vì thế sự viết không thể là gào toáng lên và cố gắng nổi loạn
Cách đây ba năm trong tiểu thuyết của tôi:
Giờ tôi đã nghĩ hoàn toàn khác nhân vật Kiên. Vì ta có tâm linh của sự viết, nên Viết là nghe. Viết là nghe chứ không phải là nói, và trong một thời đại của sự nói (mạng xã hội, livestream, sách dạy) thì lại càng như vậy.
Viết là nghe những người khác nói, nghe cả những sự vật, những loài cây, một cốc trà bốc khói, những ngón tay thon nhỏ gảy hột lựu bóc ra trên đĩa sứ tựa như một kỳ thủ dò nước đi ván cờ mù… Ta thấy vang động trong tất cả không gian bình thường một lời nói sắc lạnh, cũng có khi là mách lẻo, tủi hờn và nghi kỵ của những vật vô tri, nhưng dẫu sao là sức sống đang căng buồm. Cây là loài sinh vật cao cấp nhất, kiến và nấm – những đỉnh cao tột cùng của bản năng – thống trị trái đất và loài người – những nhà vua khổ đau của lý trí – cũng đang có con đường riêng. Trong sự viết, ta thoả hiệp với cây, kiến và nấm. Ta nghe từ ngữ mách đường đi đến một chỗ tâm giao với người đọc: ta cần phải nghe được cả người đọc nói gì ở trong những thứ ta viết.
Và như thế, viết không phải là truyền thông, cũng như đọc không phải là tiêu thụ và review.
—-
Follownếu bạn thấy các bài viết là có ích