Cực Đoan là gì? (p2) – Giới hạn trước các cực đoan

Tháng tám 25, 2024

Phần 2: Các Khía cạnh và hình thái của cực đoan

Như đã nói ở đầu phần một, cực đoan có thể được hiểu như một trạng thái của sự vật hoặc sự việc nói chung, tức là tình trạng vượt ra ngoài giới hạn thông thường. Khái niệm này có thể được áp dụng rộng rãi, từ hành vi cá nhân đến quan điểm xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng là cực đoan không chỉ là một trạng thái trừu tượng mà còn bao gồm các hình thức hoặc hành vi cụ thể mà nó thể hiện.
Ví dụ, trong chính trị, cực đoan có thể biểu hiện qua các quan điểm chính trị cực đoan hoặc hành động cực đoan, chẳng hạn như sự tham gia vào các phong trào hoặc tổ chức cực đoan. Trong tâm lý học, cực đoan có thể xuất hiện dưới dạng các hành vi bốc đồng hoặc thái quá, như trong các rối loạn hành vi. Hiểu rõ các hình thức thể hiện này không chỉ giúp chúng ta nhận diện và phân tích các hành vi và quan điểm cá biệt mà còn cung cấp cái nhìn sâu hơn về cơ chế và ảnh hưởng của chúng trong các bối cảnh khác nhau.
Việc tiếp cận cực đoan từ nhiều góc độ khác nhau – từ triết học đến khoa học xã hội và sinh học – cho phép chúng ta xây dựng một bức tranh toàn diện hơn về cách cực đoan phát triển và tác động đến các khía cạnh khác nhau của đời sống con người, cũng như sự phát triển của xã hội.
Vẫn trên các kiến thức và nghiên cứu triết học, tiền đề để tôi có thể phát triển câu trả lời cho các câu hỏi xoay quanh khái niệm Cực đoan. Sau đó, chúng ta sẽ mở rộng đến các lĩnh vực tâm lý học, khoa học thần kinh, sinh học và xã hội học, mỗi lĩnh vực sẽ cung cấp một cái nhìn bổ sung về cơ chế, nguyên nhân, và ảnh hưởng của cực đoan.
Mặc dù thuật ngữ ‘cực đoan’ thường gắn liền với những hình ảnh tiêu cực, như trong các cụm từ ‘phần tử tôn giáo cực đoan’ hay ‘thời tiết cực đoan gây ra những hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, vẫn sẽ có tranh cãi có thể chỉ ra rằng, đôi khi “cực đoan” không phải lúc nào cũng dẫn tới kết quả tiêu cực.
Ví dụ thường thấy nhất cho những trường hợp này là trong các lĩnh vực có yếu tố cạnh tranh, thi đua như thể thao.
Chẳng hạn, một số ý kiến cho rằng trong các trường hợp như, một học sinh chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học danh tiếng có thể học tập với cường độ rất cao, điều này được coi là cực đoan, nhưng giúp họ đạt được mục tiêu quan trọng.
Tương tự, việc tập luyện cường độ cao cho một cuộc thi marathon, dù khó khăn, có thể mang lại sức khỏe và thành tựu cá nhân.
Thực hiện một chế độ ăn uống khắc nghiệt để cải thiện sức khỏe, hoặc tiết kiệm tiền một cách cực đoan để đạt được mục tiêu tài chính, là những ví dụ khác về cách mà sự cực đoan có thể dẫn đến những kết quả tích cực trong cuộc sống.*
*Những ví dụ này để có thể minh chứng rằng sự cực đoan, mặc dù khó khăn và đòi hỏi sự hy sinh, có thể mang lại những tác động tích cực trong nhiều khía cạnh của đời sống con người.

2a: Giới hạn và khả năng nhận biết giới hạn là yếu tố quyết định định nghĩa.

Tuy nhiên, theo quan điểm và sự phân tích mà chúng ta vừa nói ở phần một, những sự cố gắng này bề ngoài có vẻ như đang mang một hình thái của cực đoan, nhưng nó chưa phải là một sự cực đoan, và tôi sẽ không gọi “sự cố gắng hết mình” này là cực đoan. Bởi vì những hành động cố gắng để đạt được mục tiêu này cho dù đòi hỏi một sự hy sinh và cam kết mạnh mẽ, nhưng chúng vẫn nằm trong phạm vi giới hạn cho phép. Chúng sẽ trở thành cực đoan chỉ khi những giới hạn đó bị bỏ qua và phá vỡ.
Để phân biệt được đâu là sự cực đoan, và đâu là một “cố gắng hết mình”, “một hành động triệt để”, cũng như các khía cạnh và hình thái khác nhau của cực đoan mà tiêu đề tôi đưa ra, chúng ta cần phải hiểu tới khái niệm chính trong phần này của bài viết, sự Giới Hạn
Giới hạn, của tôi, có thể được định nghĩa là một ranh giới hoặc điểm mà ở đó một hiện tượng, hành vi, hay sự việc không thể vượt qua, mà không gây ra hậu quả tiêu cực hoặc mất đi tính hợp lý, cân bằng. Nó có thể là một ngưỡng vật lý, tâm lý, đạo đức, hoặc xã hội, đóng vai trò như một điểm dừng tự nhiên hoặc quy ước để duy trì sự cân bằng và trật tự. Khi một hành động, tư tưởng, hoặc trạng thái vượt qua giới hạn này, nó sẽ biến thành cực đoan, và gây ra tổn hại cho cá nhân, xã hội, hoặc môi trường xung quanh.
Giới hạn không chỉ là một yếu tố xác định sự an toàn, tính bền vững, và đạo đức, mà còn là một thước đo cho sự điều độ và chừng mực trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Sự nhận thức và tuân thủ giới hạn giúp con người duy trì sự ổn định, hài hòa, và phát triển bền vững, trong khi sự vi phạm hoặc phớt lờ giới hạn có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực.
Ví dụ:
Sinh viên chuẩn bị cho kỳ thi, để đạt được mục đích, sinh viên ấy đã không cho phép mình được hưởng những nhu cầu cơ bản như ăn uống, ngủ nghĩ, cho rằng nghỉ ngơi là không cần thiết hoặc bất chấp tình trạng sức khỏe có thể đang đi theo chiều hướng tiêu cực.

Hoặc các vận động viên tham gia các quá trình luyện tập cường độ cao nhưng lại bỏ qua tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi để cơ thể có thể hồi phục. Chúng ta có thể thấy các lĩnh vực khác nhau đều có thể gặp phải những tình huống tương tự, nơi mà sự cống hiến trở thành cực đoan khi các giới hạn bị phá vỡ.
Một nhân viên làm việc chăm chỉ để thăng tiến trong sự nghiệp có thể cần phải làm thêm giờ và tham gia vào các dự án quan trọng. Nếu nhân viên đó biết quản lý thời gian, duy trì sức khỏe và giữ một sự cân bằng công việc/cuộc sống hợp lý, thì sự cống hiến của họ không nhất thiết là cực đoan. Tuy nhiên, nếu họ liên tục làm việc quá mức, bỏ qua giấc ngủ, bữa ăn, và các nhu cầu cá nhân cơ bản khác, điều này có thể dẫn đến kiệt sức hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khi họ vượt qua giới hạn này, sự cống hiến của họ trở thành một hình thức cực đoan và có thể gây hại cho cả sức khỏe của chính bản thân họ và hiệu quả công việc mà họ muốn hướng tới.
Câu chuyện cá nhân của tôi là tôi đã từng có một người bạn, anh ấy khi biết tin vợ mình đang mang thai thì đã rất tập trung cho công việc, anh làm ngày làm đêm, thường xuyên bỏ bữa, thiếu ngủ và kết quả cuối cùng đột tử vì ngưng tim. Với mục đích chăm sóc và yêu thương vợ con, nhưng khi hành động đi đến mục tiêu đó bị đẩy đến cực đoan, phá vỡ và bỏ qua các giới hạn thì hậu quả không bao giờ là tốt đẹp.
Một ví dụ rõ ràng và dễ hình dung là sự cực đoan trong tôn giáo, sự phát triển của các phong trào tôn giáo cực đoan, như các nhóm khủng bố sử dụng bạo lực và hủy diệt nhân danh niềm tin tôn giáo. Những nhóm này không chỉ vi phạm các giới hạn đạo đức và pháp luật, mà còn đi ngược lại các giá trị nhân văn và tinh thần mà tôn giáo của họ thực sự khuyến khích. Cụ thể, như nhóm khủng bố Al-Qaeda hoặc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) là những ví dụ điển hình của sự cực đoan tôn giáo trong thế giới Hồi giáo.
Các nhóm này đã sử dụng những diễn giải một cách cực đoan, sai lệch các giáo lý Hồi giáo để biện minh cho hành động khủng bố, tạo ra một hình ảnh vô cùng tiêu cực về đạo Hồi trong mắt nhiều người trên toàn thế giới. Những hành động như đánh bom tự sát, bắt cóc, và thảm sát hàng loạt đều là những hành động cực đoan vượt qua mọi giới hạn về nhân quyền và đạo đức.
Trong Hồi giáo có một khái niệm gọi là Jihad, để tránh việc lạm bàn trong ví dụ, thì tôi sẽ ngắn gọn giải thích khái niệm này là một sự cố gắng, nỗ lực từ bên trong lẫn bên ngoài của mỗi con người hồi giáo, trong ngữ cảnh rộng hơn, ý chỉ bất kỳ hành động nào nhằm nỗ lực hoặc đấu tranh (vũ trang), trên con đường Hồi Giáo, đôi khi còn được hiểu là “Thánh Chiến”. Cũng như bao nhiêu khái niệm phức tạp khác, khái niệm này cũng có thể bị hiểu sai, bị vặn xoắn và biến tướng bởi các nhóm tôn giáo cực đoan, bằng cách chỉ nêu một phần trích dẫn hoặc suy luận, diễn giải một cách hạn hẹp các lời giáo huấn, chỉ dẫn trong kinh sách, bẻ cong những khái niệm mang tính chất phức tạp trong ý nghĩa.
Tôi sẽ minh chứng bằng cách trích dẫn các câu văn này trong kinh Qur’an:
Qur’an 2:190 – Fight in the cause of Allah ˹only˺ against those who wage war against you – Hãy chiến đấu vì Allah, chống lại những kẻ gây chiến với các ngươi. (1)
2:191 – Kill them wherever you come upon them. – Giết chúng bất cứ nơi nào các ngươi gặp chúng (1)
Những câu giáo huấn được tôi trích dẫn có thể tạo ra cho bạn một hình không được thân thiện dành cho Hồi giáo, nó nói đến chiến tranh và giết chóc, nói đến một tư tưởng bạo lực và tàn bạo.
Tuy nhiên, các trích dẫn này của tôi không hề đầy đủ, và tôi trích dẫn có chủ đích để tạo ra một góc nhìn hoàn toàn khác so với nguyên tác trong kinh Qur’an , để hướng tới một mục tiêu cá nhân của tôi – tạo ra một hình ảnh xấu xí về Hồi giáo trong đầu các bạn.
Và tôi có thể làm điều tương tự với mọi loại kinh sách Tôn giáo.
“Các ngươi đừng tưởng rằng ta đến để đem hòa bình cho thế gian; ta đến không phải để đem hòa bình, mà là để đem gươm giáo. Vì ta đến để phân rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, con dâu với mẹ chồng mình; và kẻ thù của người ta sẽ là người nhà mình” (Ma-thi-ơ 10:34-36)” (3)
“Còn như những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta cai trị họ, hãy kéo họ đến đây, và chém đi trước mặt ta” (Lu-ca 19:27) (4)
Các trích dẫn của tôi đều bỏ qua các yếu tố như toàn bộ nội dung, bối cảnh, hàm nghĩa, và ý nghĩa của chúng trong bối cảnh lịch sử mà chúng được tuyên bố (Tôi sẽ trích dẫn và có giải thích ở phần cuối bài viết). Những điều này hoàn toàn có thể khuyến khích những hành động tưởng, tư tưởng sai lệch, tạo ra một sự thúc đẩy đến cực đoan. Những trích dẫn này đưa ra những tuyên bố rất mạnh mẽ nhưng không hề nhắc tới những giới hạn của chúng. Và hơn hết, đối với những con người có một niềm tin mãnh liệt mà không có sự suy xét và phản tư, những câu trích dẫn này của tôi là “Chân Lý” được ghi lại từ các kinh sách thật sự mà tôn giáo họ coi trọng và lưu hành.
Ngay cả trong Phật Giáo, cũng có rất nhiều khái niệm bị hiểu sai mà các bạn có thể thường gặp. Chẳng hạn, một số người đã hiểu lầm Tính không là sự phủ định hoàn toàn về sự tồn tại hoặc một dạng chủ nghĩa hư vô (nihilism), dẫn đến thái độ cực đoan coi mọi thứ đều vô nghĩa hoặc không có giá trị. Điều này trái ngược hoàn toàn với ý định ban đầu của giáo lý Phật giáo, vốn nhằm giúp người tu hành nhận ra bản chất tạm thời và phụ thuộc của mọi hiện tượng để giảm bớt sự bám víu và khổ đau. Khái niệm tính không trong Phật giáo, là một trong những khái niệm trung tâm và phức tạp. Tính không có nghĩa là mọi hiện tượng đều không có tự tính độc lập, mà chúng phụ thuộc vào các điều kiện và duyên khởi (pratītyasamutpāda),
hoặc như khái niệm Vô dục – Nekkhamma,  theo nghĩa đen có nghĩa là “giải thoát khỏi dục vọng xác thịt”, thường được dịch là “Vô Dục” “Ly Dục”, đại khái là sự từ bỏ các dục vọng và mong muốn, điều được coi là cần thiết để đạt đến trạng thái an lạc và giải thoát. Một số người có thể diễn giải khái niệm này theo hướng cực đoan, chẳng hạn như phủ nhận hoàn toàn mọi loại dục vọng, kể cả những mong muốn cơ bản nhất của con người, hoặc từ bỏ mọi niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Sự lý giải khái niệm này một cách sai lệch và thiếu suy xét, cùng với tư duy trắng-đen, không tìm hiểu những ẩn ý sâu xa, dẫn đến một lối sống khắc khổ, thậm chí có thể gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và thể chất, trái ngược với nguyên tắc Trung Đạo mà Phật giáo đề xướng.
Hay như khái niệm Niết Bàn – được mô tả như là sự chấm dứt hoàn toàn của khổ đau, tham ái, và si mê, rời xa các ham muốn, và như là một sự an lạc vĩnh cửu. Khái niệm này thường bị hiểu sai như một trạng thái hư vô, không cảm xúc, cách ly khỏi thế giới, và là mục tiêu hướng tới trong việc tu tập. Những sự hiểu sai này thường dẫn tới những lối sống và niềm tin cực đoan chẳng hạn như nếu hiểu Niết Bàn như là sự tắt ngấm hoàn toàn cảm xúc, tức là một trạng thái không có cảm xúc nào, kể cả sự yêu thương hay lòng từ bi. Có thể dẫn đến việc một số người cảm thấy rằng việc đạt đến Niết Bàn có nghĩa là trở nên thờ ơ hoặc lạnh lùng với tất cả mọi sự việc, ngay cả với sự đau khổ và nhu cầu của người khác, điều này trái ngược hoàn toàn với nguyên tắc từ bi và lòng nhân ái trong Phật giáo.
Siddhartha Gautama có lẽ nhận thức rất rõ về điều này khi ông đã từng giáo huấn về “10 điều chớ vội tin” trong kinh Kamala, một bộ kinh mà theo cảm nhận cá nhân của tôi cũng rất là hay về tranh luận, phản biện. Ông cũng luôn nhấn mạnh và khuyến khích người khác về tầm quan trọng của sự tự nhận thức, tự bản thân kiểm chứng các giáo lý, thấy rất rõ trong kinh Mahāparinibbāna Sutta – kinh Đại Niết Bàn – Hoặc được dịch dưới hình thức tiến Anh là Last Days of the Buddha. 

Thế về chính trị thì sao? 

Cuộc cách mạng Pháp lừng danh năm 1789, với Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền, cũng không xóa được vết nhơ lịch sử của Thời Kỳ Kinh Hoàng (Reign of Terror). Cách mạng Pháp bắt đầu với sự kiện tấn công vào nhà ngục Bastille vào ngày 14 tháng 7 năm 1989, từng là pháo đài của hoàng gia, sau chuyển thành nhà ngục, vốn đã trở thành biểu tượng cho sự tàn bạo của dòng họ Bourbon, một biểu tượng của chế độ cũ. “Mặc dù có lệnh ngừng chiến để tránh sự tàn sát lẫn nhau, vị quan giám ngục ở đó là Hầu tước Bernard de Launay và nhiều lính gác vẫn bị giết. Đám đông đem đầu quan giám ngục cắm cọc mang đi diễu hành quanh thành phố.”
Maximilien Robespierre – người có tầm ảnh hưởng nhất với cách mạng Pháp, hay nếu không muốn nói là nhà lãnh đạo tạo nên Thời Kỳ Kinh Hoàng – đã áp dụng các phương pháp cực đoan để thực hiện các lý tưởng cách mạng. Phái Jacobins dưới sự lãnh đạo của Robespierre, lo ngại rằng các lực lượng phản cách mạng sẽ lật đổ thành quả của cách mạng và tái lập chế độ quân chủ, thế nên việc loại bỏ và đàn áp các đối thủ chính trị trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của Robespierre. Những người bị coi là không trung thành với cách mạng, bao gồm cả các đồng minh cũ của ông, đều bị đưa lên máy chém. Cũng không thể không nhắc tới Ủy ban An toàn Công cộng (Committee of Public Safety) với những bộ luật cực đoan như The Law of Suspects (Luật nghi ngờ) – đã dẫn tới việc bắt giữ những người được cho là có “hành vi, lời nói, ngôn ngữ nói hoặc viết, cho thấy rằng họ có sự ủng hộ chế độ chuyên chế hoặc chủ nghĩa liên bang và là kẻ thù của tự do
”. Trong những năm 1793–94, hơn 200.000 công dân đã bị giam giữ theo luật này; mặc dù hầu hết trong số họ không bao giờ được ra tòa, họ vẫn phải chịu sự giam giữ trong các nhà tù tồi tệ, nơi ước tính có khoảng 10.000 người đã thiệt mạng.
Lý tưởng “liberté, égalité, fraternité” của Cách mạng đã dẫn đến việc bãi bỏ chế độ phong kiến là một lý tưởng tốt. Nhưng những người cách mạng không hề thống nhất trong tầm nhìn của họ về nền cộng hòa mới này, và các biện pháp ngày càng hà khắc được thiết kế để loại bỏ “những kẻ tình nghi” và “những kẻ phản bội” đã dẫn đến Thời Kỳ Kinh Hoàng, khi hàng ngàn người trên khắp đất nước bị hành quyết vì “phản cách mạng”. Trong vòng chưa đầy một năm, 300.000 người bị nghi ngờ là kẻ thù của Cách mạng đã bị bắt, ít nhất 10.000 người chết trong tù và 17.000 người bị hành quyết chính thức, nhiều người bị chém đầu tại Place de la Revolution (Quảng trường Cách mạng).
Với các biện pháp cực đoan, bao gồm sử dụng bạo lực quy mô lớn và vi phạm nhân quyền, không còn giới hạn trong việc bảo vệ cách mạng mà biến thành công cụ duy trì quyền lực và loại bỏ đối thủ chính trị. Thời kỳ này vượt qua mọi giới hạn về đạo đức và nhân quyền khi coi mạng sống con người như một phương tiện để đạt được mục tiêu chính trị. Thay vì xây dựng một nền dân chủ dựa trên sự đồng thuận và pháp luật, chính quyền cách mạng đã sử dụng sự sợ hãi và bạo lực để kiểm soát xã hội.
Thời Kỳ Kinh Hoàng là một ví dụ điển hình về cách mà sự cực đoan chính trị có thể dẫn đến những hành động và hậu quả thảm khốc, làm suy yếu những lý tưởng cao đẹp ban đầu của một cuộc cách mạng, là minh chứng rõ ràng nhất cho việc khi những cá nhân trong hệ thống dưới sự áp lực của yếu tố cảm xúc và môi trường, bỏ qua sự suy xét và đánh giá lý trí, cũng như bỏ qua những giới hạn đạo đức, phủ nhận những giá trị cốt lõi, sẽ dễ dàng biến chất mục tiêu tốt đẹp mà ban đầu họ đề ra. 


“Hãy cẩn thận, khi chiến đấu với quái vật, chính bạn đừng trở thành quái vật… vì khi bạn nhìn chằm chằm vào vực thẳm. Vực thẳm cũng nhìn chằm chằm vào bạn.” là một lời cảnh báo của Friedrich Nietzsche về sự nguy hiểm khi đối mặt với cái ác hoặc những thực thể tiêu cực. Câu nói này nhấn mạnh rằng khi ta đối đầu với những điều xấu xa, bất công, hoặc cái ác, ta phải cảnh giác để không bị cuốn vào vòng xoáy của chính những thứ mà mình đang chống lại. Nếu không cẩn thận, quá trình chống lại cái ác có thể khiến chúng ta dần dần đánh mất bản thân và trở thành thứ mà chúng ta từng căm ghét.
Khi những người cách mạng Pháp bắt đầu cuộc đấu tranh của mình, họ hướng đến việc lật đổ một chế độ quân chủ bất công và thiết lập một nền cộng hòa dân chủ, tự do và bình đẳng. Tuy nhiên, trong quá trình đối mặt với những mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài, chính quyền cách mạng đã bắt đầu sử dụng các biện pháp cực đoan như bạo lực, khủng bố, và đàn áp chính trị để bảo vệ cuộc cách mạng. Trong nỗ lực chống lại những gì họ coi là “quái vật” – tức là sự bất công và chuyên chế – những người cách mạng đã dần dần trở thành chính thứ mà họ muốn tiêu diệt. Thời kỳ Khủng Bố là ví dụ điển hình về việc những người đấu tranh chống lại bất công có thể tự mình biến thành kẻ áp bức. Ban đầu, hành động của họ có thể được biện minh bằng lý tưởng cao đẹp, nhưng dần dần, sự sợ hãi, quyền lực, và bạo lực đã làm biến dạng, làm méo mó những lý tưởng đó, dẫn đến sự mất kiểm soát và việc áp đặt một hình thức chuyên chế mới, mà theo các sử gia là còn tệ hại hơn các hình thức mà họ muốn tiêu diệt.
Câu nói của Nietzsche không chỉ là một lời cảnh báo mang tính triết học, mà còn là một bài học thực tế sâu sắc mà lịch sử đã nhiều lần minh chứng.
Đồng thời, thông qua các ví dụ và sự phân tích phía trên, chúng ta cũng nhận ra một yếu tố quan trọng để con người có thể nhận biết được “các giới hạn” mà họ không nên phớt lờ, chính là sự tự nhận thức và phản tư. Những yếu tố này giúp cá nhân hiểu rõ hơn về hành vi của mình và hậu quả của những hành vi đó, cho phép con người tự đánh giá hành vi và quyết định liệu hành vi đó có phù hợp với những tiêu chuẩn hay không, đồng thời cho phép cá nhân nhận diện và điều chỉnh hành vi của mình khi cần thiết.
Sự tự nhận thức và tư duy phản biện là yếu tố then chốt cho các cá nhân có thể chống lại những áp lực nhóm xã hội, các tiêu chuẩn văn hóa, và cả sự đồng thuận xã hội, nhất là trong một xã hội có sự đồng thuận về các hành vi cực đoan, vì sự đồng thuận xã hội có thể làm cho các hành vi cực đoan trở thành “bình thường” và khó bị phát hiện. Với Kiến thức và hiểu biết cũng giúp bạn nhận ra những giới hạn mà đôi khi bạn có thể vô tình vượt qua.
Bài viết này tạm kết thúc ở đây, phần 2b tôi sẽ tiếp tục khi có thời gian. Tôi hy vọng các bạn đã có một góc nhìn rộng hơn một chút về sự cực đoan, và những yếu tố nào để phân biệt sự cực đoan với một sự cố gắng hết mình, một sự cống hiến đòi hỏi hy sinh và nỗ lực. Đồng thời cũng hiểu ra rằng, khả năng tự phê phán, tự đánh giá và tư duy phản biện là một trong yếu tố cốt lõi để các bạn có thể nhận thức được “giới hạn” nào cho cực đoan.
Trong bài viết có phần định nghĩa “giới hạn”, đây là một định nghĩa hoàn toàn dựa trên các phân tích có cơ sở của tôi, tôi không là ai cả thế nên các bạn cũng không nhất thiết phải đồng ý với định nghĩa mà tôi đưa ra. Nhưng nếu các bạn hiểu định nghĩa “Giới hạn” theo cách định nghĩa của tôi thì nó sẽ giúp bạn tiếp cận bài viết của tôi dễ hơn, và ít nhiều tránh những câu hỏi không thiết.
————-
Chú giải:
(1): Qur’an 2:190: Fight in the cause of Allah ˹only˺ against those who wage war against you, but do not exceed the limits.(1*) Allah does not like transgressors.
Hãy chiến đấu vì Allah, chống lại những kẻ gây chiến với các ngươi, nhưng đừng vượt qua giới hạn, Allah không thích sự vi phạm.
2:191: Kill them wherever you come upon them and drive them out of the places from which they have driven you out. For persecution is far worse than killing. And do not fight them at the Sacred Mosque unless they attack you there. If they do so, then fight them—that is the reward of the disbelievers.
Giết chúng ở bất cứ nơi nào bạn tìm thấy chúng và trục xuất chúng khỏi bất cứ nơi nào chúng đã trục xuất bạn. và bị bức hại (*) còn tệ hơn sự giết chóc . Và đừng chiến đấu với chúng tại al-Masjid al-Haram (Thánh đường linh thiêng) cho đến khi chúng chiến đấu với bạn ở đó . Nhưng nếu chúng chiến đấu với bạn, thì hãy giết chúng. Đó là sự đền đáp cho những kẻ không tin.
*Bức hại khỏi niềm tin Hồi giáo.
2:192: But if they cease, then surely Allah is All-Forgiving, Most Merciful.
2: 193: Fight against them ˹ if they persecute you ˺ until there is no more persecution, and ˹your˺ devotion will be to Allah ˹alone˺. If they stop ˹persecuting you˺, let there be no hostility except against the aggressors.
Hãy chiến đấu với chúng ˹ nếu chúng bức hại ngươi˺ cho đến khi không còn sự bức hại nữa và [cho đến khi] sự thờ phượng dành cho Allah. Nhưng nếu chúng ngừng lại, thì sẽ không có sự thù địch nào ngoại trừ chống lại những kẻ áp bức.
———————-
Nói chung trong Qur’an để đọc hiểu và phân tích thì phải hiểu luôn cả bối cảnh của câu đó trích dẫn, đồng thời cũng phải hiểu luôn lịch sử hình thành và phát triển của tôn giáo này.
(3)(4) Hai câu này không lý giải bối cảnh cũng như cho người đọc một hàm nghĩa có tính chất ẩn dụ. Để giải thích thì tôi khuyến khích các bạn tự tìm hiểu. Nếu có thắc mắc tôi sẽ trả lời trong inbox hoặc tại phần cmt.