Phải chăng môn đầu tiên chúng ta nên học là phương pháp học?

Tháng tám 24, 2024

*Trong khuôn khổ bài viết này mình sẽ tập trung nhiều vào bậc trung học phổ thông và đại học

Ảnh bởi
trên

Study smarter, not harder (học khôn ngoan mà không gian nan) là một cuốn sách nổi tiếng của tác giả Kevin Paul được xuất bản năm 1996, tựa đề này xuất hiện từ cuối thế kỉ 20 và đã trở nên quen thuộc với học sinh, sinh viên. Chúng ta đã được nghe rất nhiều về nó, nhưng có lẽ chúng ta vẫn chưa hiểu cặn kẽ nên khái niệm này dường như vẫn chỉ được “nghe để cho biết”. Học thông minh hơn nghĩa là sao? Theo mình, đó là việc chúng ta có được một tư duy học tập đúng và một phương pháp học tập phù hợp. Trong bài viết này, mình sẽ đi sâu hơn vào vấn đề phương pháp với câu hỏi: Chúng ta có nên học phương pháp học trước tiên?
Trước khi đi sâu vào vấn đề, mình muốn định nghĩa lại một chút về phương pháp học. Mình cho rằng đó phải là cả một chiến lược bao gồm mục tiêu, kế hoạch rõ ràng cùng với những công cụ hay kỹ thuật cụ thể để nâng cao hiệu quả học tập. 

Tầm quan trọng của phương pháp học

Có một phương pháp phù hợp là một điều vô cùng quan trọng, điều này có lẽ không cần phải bàn cãi. Nó giống như việc chúng ta mặc quần áo cộc vào mùa hè và mặc áo ấm vào mùa đông vậy, tuy giữa trời nắng 40º vẫn mặc được áo bông, nhưng chẳng ai làm thế cả. Một phương pháp phù hợp sẽ tối ưu hoá không chỉ kết quả mà còn là thời gian học tập, giúp người học giảm bớt áp lực, căng thẳng và quan trọng nhất là thúc đẩy tinh thần, phát triển khả năng tự học. Lấy ví dụ bản thân mình: hồi cấp 3, mình là một học sinh giỏi của lớp, đâu đó trong top 10. Mặc dù hồi đó mình cũng khá chăm chỉ và nghiêm túc với việc học nhưng kết quả vẫn chỉ dừng lại ở một ngưỡng nào đó mà thôi, không bứt lên được. Tuy nhiên, khi lên đại học, được tiếp cận với một phương pháp học tập mới (retrieval practice + distributed practice), kết quả học tập của mình đã thay đổi thực sự rõ rệt, mình đứng đầu chuyên ngành với kết quả học tập xuất sắc. Nhưng điều giá trị nhất đó là mình đã có một cái cuốc để đào mỏ vàng tiềm ẩn bên trong; không những thế, nhận còn ra rằng nó không có giới hạn và hoàn toàn có thể khai thác nhiều hơn nữa.

Thực tế hiện nay như thế nào?

Nhiều học sinh gặp tình trạng quá tải hoặc không biết nên học gì dẫn đến chán nản, áp lực

Nhiều học sinh gặp tình trạng quá tải hoặc không biết nên học gì dẫn đến chán nản, áp lực |

Ảnh bởi
trên

Mặc dù quan trọng là vậy, nhưng hiện nay mình thấy rất rất nhiều bạn học sinh, sinh viên không chú trọng hoặc chưa tìm ra cho mình một phương pháp phù hợp. Đồng ý rằng vẫn có những bạn thực sự thông minh, chăm chỉ và đạt được kết quả tốt, tuy nhiên, chúng ta nên nhìn lại, vẫn còn vô số những trường hợp học đến rụng cả tóc mà vẫn học tài thi phận, đầu tư nhiều nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu. Không nói đâu xa, mình có những người bạn học từ sáng đến tối, lúc nào cũng thấy trên thư viện, thiếu ăn thiếu ngủ nhưng vẫn than với mình “sao tớ học mãi không vào” hay “môn này tớ ôn nhiều nhất thì điểm lại như…”. Có lẽ phần lớn chúng ta nên thay đổi, không chỉ là “harder” nữa mà phải là “smarter”, xu thế bây giờ là nâng cao năng suất mà. Bây giờ hãy thử nhìn lại một số phương pháp học phổ biến nhất mà đa số học sinh, sinh viên chúng ta đang áp dụng:
• Nghe giảng và chép: Phương pháp này rất phổ biến, đặc biệt với giáo dục phổ thông nhưng điểm trừ lớn nhất của nó là việc giáo viên nói gì thì học sinh biết đấy, học trước quên sau.
• Đọc lại bài giảng, slide trước khi thi: Đây có lẽ là cách mà gần như tất cả chúng ta đã từng áp dụng, nhưng nó cực kỳ thụ động và gần như là học vẹt.

Lời giải nào cho sự bế tắc này?

Vậy, một sự thay đổi lúc này có phải là điều cần thiết, chúng ta có nên học phương pháp học trước tiên? Mình nghĩ là có, trước khi ra trận, chắc chắn chúng ta phải mặc giáp, mài gươm, vậy tại sao không chuẩn bị cho mình một hành trang thật kỹ càng trước khi học. Vì lẽ đó, các bạn học sinh, sinh viên cần thay đổi chiến lược học tập, cùng với đó các trường cũng nên triển khai công việc này. Với bản thân chúng ta, hãy chủ động, hãy dũng cảm và kiên trì để tự đi tìm cho mình một phương pháp phù hợp, mình xin nhấn mạnh là phù hợp. Điều quan trọng nhất ở đây là sự dũng cảm – không sợ thất bại và sự kiên trì. Bạn có thể xem hàng tá video, bài viết trên mạng nhưng hãy thử thực hiện nó và theo dõi sát sao quá trình để thấy được mình có tiến bộ hay không. Bản thân mình đã trải qua quá trình này, tuy có một chút khó khăn nhưng may mắn là mình đã thành công ngay trong 1 kỳ học, từ một học sinh giỏi mình đã trở thành sinh viên xuất sắc với GPA 4.0. Mình sẽ nói về phương pháp mình đang áp dụng và quá trình xây dựng nó ở phía dưới bài viết này, hy vọng có thể mang lại một chút kinh nghiệm hữu ích cho các bạn. Còn đối với nhà trường, phương pháp học nên được giảng dạy và thực hành trước tiên (ngay khi sinh viên bước vào cổng trường đại học) và không tiến hành kiểm tra, việc đánh giá sẽ được thực hiện thông qua quá trình. Điều này có thể sẽ giúp sinh viên làm quen được với môi trường hoàn toàn mới, tránh bị “shock” văn hoá, bị ngợp với những môn trên đại học. Còn đối với cấp 3, việc này sẽ khó hơn, do đó có thể thực hiện bằng cách tổ chức những buổi ngoại khoá đầu tuần, hoặc vào chủ nhật để ít nhất các bạn cũng có thể tiếp cận được, biết được mình nên đi con đường nào. Đây chỉ là ý tưởng ban đầu của cá nhân mình, chắc chắn còn nhiều thiếu sót và sẽ còn rất nhiều những vấn đề phức tạp nếu muốn áp dụng vào thực tế.

Vẫn còn quá nhiều bất cập

Bên cạnh những khó khăn của người học, bản thân mình cũng nhận ra rất nhiều bất cập nếu phương pháp học thực sự được giảng dạy như những môn học khác.
Không phải ai cũng giống ai
Như đã nói ở trên, phương pháp học không có đúng, có sai mà chỉ có hợp hay không. Một phương pháp được đánh giá là hiệu quả, tiến bộ có thể hợp với người này nhưng người khác thì không, đó là điều rất bình thường. Vì vậy, vấn đề đặt ra là nên đưa phương pháp nào vào giảng dạy, làm sao để biết từng học sinh có phù hợp hay không. Việc áp dụng một phương pháp không phù hợp hoàn toàn có thể phản tác dụng, không chỉ gây ra sự ảnh hưởng về mặt kết quả mà còn đánh vào tâm lý của học sinh. Từ đó, đánh giá hiệu quả thực sự của công việc này là một điều cực kỳ khó. Chưa kể, những phương pháp này cải tiến liên tục, biến đổi rất nhanh, do đó nó hoàn toàn có thể bị lỗi thời sau một vài năm.
Làm sao để mọi người chú tâm và coi trọng?
Thực tế hiện nay, mọi người vẫn chú trọng vào việc mình sẽ được học gì hơn là việc mình sẽ học và vận dụng nó như thế nào. Làm sao để phương pháp học không bị coi là những kiến thức bình thường khác? Làm sao để mọi người nhận thức được rằng nó là một công cụ quan trọng để khai phá hết tiềm năng của mình? Làm sao để mọi người dũng cảm thực hiện, kiên trì theo đuổi một thứ có thể mang lại lợi ích khổng lồ, nhưng bên cạnh đó cũng là rủi ro? Bản thân mình hiện tại cũng chưa tìm ra lời giải thực sự thỏa đáng cho vấn đề này, bởi vì nó là tư duy của cả một cộng đồng nên không thể thay đổi trong một sớm một chiều được.
Có thể áp dụng cho những cấp dưới được không?
Trong nhóm học sinh sinh viên, ta cũng lại phải chia ra thành sinh viên, học sinh trung học, học sinh tiểu học; những đối tượng này mang những đặc điểm nhận thức, tâm lý, kỹ năng khác biệt nhau. Ví dụ, có bao nhiêu học sinh tiểu học, thậm chí trung học nhận thức được việc học là vô cùng quan trọng với cuộc sống của chúng như sinh viên đại học? Để áp dụng một phương pháp, có thể nói sự tự nhận thức, tự giác, kiên trì nỗ lực của cá nhân là yếu tố then chốt, vậy thì chẳng phải đây là đòi hỏi quá cao cho những học sinh tiểu học hay trung học cơ sở?
Vai trò của người hướng dẫn
Vai trò của cá nhân là yếu tố quyết định, tuy nhiên người hướng dẫn cũng đóng vai trò quan trọng, thậm chí là một vai trò chiến lược trong việc định hướng con đường cho người học. Theo mình, người hướng dẫn ở đây sẽ đóng vai trò là những tấm gương, những ví dụ thực tế, họ phải thực sự áp dụng được những phương pháp này và truyền đạt lại, chủ yếu là những kinh nghiệm thực tế cho người học.

Kết luận

Tổng kết lại, việc có cho mình một phương pháp học phù hợp, hiệu quả để nâng cao năng suất học tập là một điều vô cùng quan trọng nhưng cũng gian nan, vất vả, chứa đựng không ít những thử thách, thậm chí là rủi ro. Giải pháp khả dĩ nhất lúc này có lẽ vẫn phải là tự thân vận động. Để làm được điều đó, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho mình một tư tưởng dám thử nghiệm – không sợ thất bại; tiếp đó, cần phải kiên trì, nhẫn nại, vì mọi điều tốt đẹp đều cần có thời gian; cuối cùng, hãy liên tục cập nhật, điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế công việc của mình. “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”, mình tin rằng trong học tập cũng vậy, ai cũng có thể trở thành một thiên tài, chẳng qua bạn có dám, có đủ nỗ lực hay không mà thôi.
 ———————————————

Các phương pháp mình đang áp dụng

*Đây hoàn toàn là những kinh nghiệm của mình, được đúc kết từ thực tế quá trình áp dụng, chúng chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là tài liệu học tập.

1. Active Recall + Spaced Repetition

Giới thiệu
Active Recall (Retrieval Practice) – Gợi nhớ chủ động và Spaced Repetition (Distributed Practice) – Ghi nhớ ngắt quãng đều là những phương pháp học tập thông minh, hiện đại, hiệu quả nhưng khi đi cùng với nhau, chúng sẽ tạo thành sự kết hợp hoàn hảo.
Active Recall: Bản chất của phương pháp này là việc gợi nhớ thông tin một cách chủ động, lấy thông tin từ não ra, bắt bộ não chúng ta phải làm việc. Nguyên tắc lớn nhất của nó là chủ động, vậy như thế nào là chủ động, bị động? Các phương pháp học tập chúng ta đang áp dụng phần lớn là bị động, chúng bao gồm đọc lại bài giảng, slide trước khi đi thi, highlight, nghe giảng và chép… Phương pháp Active Recall sẽ bắt chúng ta phải cố nhớ lại kiến thức, lôi kiến thức từ não ra mà không được nhìn vào tài liệu, đơn giản là vậy. Cách tốt nhất để đưa kiến thức vào đầu là chủ động lôi nó ra.
Spaced Repetition: Phương pháp này được đề xuất dựa trên mô hình đường cong quên lãng ( The Forgetting Curve).

Chúng ta có thể cảm thấy rất hiểu, dường như nắm trọn được kiến thức của một bài học nào đó khi vừa học xong, tuy nhiên, chúng ta sẽ quên đi chỉ trong một thời gian ngắn. Theo lý thuyết này, nếu như không ôn tập ngay, chúng ta sẽ quên đi 50% lượng kiến thức chỉ trong vòng 1 ngày. Một tuần sau, con số này sẽ là là 90%, tức là gần như ta chẳng còn nhớ được gì nữa. Tuy những con số chỉ mang tính tương đối nhưng chung quy lại, mô hình chỉ ra rằng: chúng ta sẽ quên đi kiến thức rất rất nhanh nếu như không ôn tập ngay. 
Từ đây, phương pháp Spaced Repetition được đề xuất để tối ưu hoá việc ghi nhớ kiến thức. Ngay sau khi học một kiến thức mới, hãy ôn tập nó và lên lịch cho những lần ôn tập sau, với mình thường là 1d – 3d – 7d – 15d (trong vòng 1 ngày sau khi học, 3 ngày sau khi ôn tập lần 1, 7 ngày sau khi ôn tập lần 2 và 15 ngày sau khi ôn tập lần 3). Sau mỗi lần ôn tập như vậy, kiến thức sẽ dần dần đi vào não của chúng ta và ở yên đó, tức là đường cong này sẽ dần thoải ra đến mức gần như một đường nằm ngang. Sau lần ôn tập thứ 4, có thể vài tháng sau mình mới cần ôn tập lại.

Áp dụng như thế nào?
Trước hết, mình cần phải nói rằng, để đi từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một quá trình dài bao gồm những khó khăn, thử thách, thậm chí có cả sai lầm. Khi áp dụng một cái gì đó mới, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, khó khăn ở những bước đầu và hoàn thiện dần dần, không gì có thể hoàn hảo ngay từ đầu được. Cùng với đó, phương pháp mà mình nêu ra chỉ là nguyên lý chung, việc áp dụng thực tế chắc chắn phải có nhiều điều chỉnh, mỗi người lại có những kỹ thuật, chiến thuật khác nhau để ứng dụng nó. Dưới đây là cách mình đã áp dụng:
Bước 1: Đọc tài liệu, đặt câu hỏi và tự trả lời trước mỗi bài học
Trước mỗi buổi học trên lớp khoảng 2 – 3 ngày, mình sẽ mình đọc tài liệu, tự tìm hiểu về những kiến thức sẽ học. Sau khi đọc xong, mình sẽ tự đặt ra những câu hỏi về nội dung đó, cất tài liệu đi, rồi tự trả lời dựa trên những thông tin mình nhớ được (Active Recall). Cuối cùng kiểm tra lại với tài liệu.
Bước 2: Xác thực lại kiến thức ở trên lớp.
Việc mình đến lớp chỉ là để kiểm tra xem những gì mình tìm hiểu có đúng không và để trao đổi những phần mình chưa hiểu.
Bước 3: Ôn tập. 
Dựa trên phương pháp Spaced Repetition và những câu hỏi đã có, mình sẽ tiến hành ôn tập bằng cách trả lời những câu hỏi đó chứ không cần đọc lại tài liệu nữa. Bằng cách này, mình sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian mà vẫn nắm được nội dung của bài.
Những lầm tưởng, khó khăn chính khi áp dụng
Phương pháp dù tốt đến đâu thì vẫn có những hạn chế, đây là những lầm tưởng, khó khăn thực tế mà mình rút ra từ quá trình áp dụng của mình và của bạn mình:
• Khi áp dụng sẽ có kết quả ngay
Không thể, “good things take time”, sẽ không có chuyện nhảy vọt từ điểm F lên điểm A chỉ sau 1 tuần hay 1 tháng. Đây là cả một quá trình dài, thay đổi hoàn toàn cách học trước đây, vì vậy chúng ta sẽ chỉ thấy được những bước tiến nhỏ, nhưng liên tục.
• Không hành động với những câu trả lời sai
Với việc tự hỏi tự trả lời, không tránh khỏi việc chúng ta trả lời thiếu hoặc sai, nếu như không hành động với chúng, lần sau chúng ta vẫn sẽ sai y như vậy. Thay vào đó, hãy đánh dấu lại, kiểm tra lại với tài liệu, sau đó cất tài liệu đi và trả lời lần nữa, làm như vậy liên tục đến khi trả lời đúng.
• Mình ôn cái gì, sẽ kiểm tra cái đó
Đây là sai lầm mình đã mắc phải. Mình cứ nghĩ rằng những câu hỏi mình đặt ra sẽ giống với lúc thi, không phải vậy, chính xác là không phải lúc nào cũng như vậy. Khi kiểm tra có thể người ta sẽ hỏi những câu cần kết nối nhiều mảng kiến thức, hoặc chỉ hỏi 1 phần trong đó. Giải pháp cho việc này là không chỉ ôn tập những mảng kiến thức riêng biệt, mà hãy kết nối chúng trong một bức tranh tổng thể, kết hợp với việc ôn tập, làm thử đề của những năm trước để nắm bắt dạng đề.
• Không tuân thủ, không kỷ luật, dễ mất động lực
Việc chuyển từ học thụ động sang học chủ động là một việc rất khó khăn. Thời gian đầu, mình đã phải rất vất vả với việc cố nhớ kiến thức mặc dù tài liệu ngay bên cạnh, cộng với việc hiệu quả từ sự chủ động không đến ngay lập tức (nó sẽ cải thiện tư duy, nhưng từ từ) khiến mình luôn có câu hỏi “Tại sao mình phải làm việc này, trong khi xem lại kiến thức đơn giản hơn rất nhiều?”. Mình cũng gặp vấn đề với việc tuân thủ thời gian ôn tập, đôi khi quên mất phải ôn, đôi khi lịch học các môn cứ đá nhau. Cuối cùng là không kỷ luật, dễ mất động lực, rất may mắn khi mình không gặp vấn đề này vì mình có thể tự kỷ luật được; tuy nhiên, chiến đấu với sự trì hoãn và lười biếng không bao giờ là đơn giản. Phương pháp này yêu cầu chúng ta phải có mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng, lịch trình tương đối cố định; nó có thể làm bạn cảm thấy khô khan, nhàm chán, kiệt sức, hoặc lười. Giải pháp là hãy kỷ luật, đánh bại sự trì hoãn đi.
• Cảm giác thất bại
Không nhớ được gì sau khi học, ôn mãi mà vẫn quên, không thể hoàn thành hết lượng kiến thức, mất quá nhiều thời gian,…Đó là những gì hết sức bình thường, nhưng lúc ấy một người mới như mình cảm thấy thật là thất bại, cảm thấy mình thật là kém cỏi. Không, mới áp dụng thì ai cũng thế thôi, đến bây giờ đôi khi mình vẫn bị quá tải, vẫn ôn mãi mà quên. Vì vậy, hãy cứ thoải mái, làm không hết hôm sau làm tiếp, đừng rập khuôn, đừng máy móc là phải hoàn hảo như những người đã áp dụng thành thục, còn mới nên cứ từ từ, dần nó sẽ quen.
• Mất thời gian
Đây có lẽ sẽ là trở ngại lớn nhất, tính qua qua một chút: với mỗi bài học, mình thường học từ 3 – 4 lần. Lần 1 (đọc tài liệu và tự trả lời) khoảng 3h, lần 2 (ôn tập lần đầu) 2h, lần 3 1h, lần 4 30p, tổng cộng là 6,5h (cả một kỳ), mỗi kỳ mình học 15 bài => 15 * 6,5 = 97,5, có khoảng 6 môn => 97,5 * 6 = 585. Mỗi kỳ học của mình kéo dài 3,5 tháng, trung bình mỗi ngày phải dành khoảng 5 – 6h cho việc tự học, nó tương đương với 2 buổi, 1 buổi đi làm thêm nữa, thế thì thời gian đâu mà đi chơi, mà tụ tập bạn bè? Tất nhiên là mình phải đánh đổi thôi, muốn học tốt, có việc làm, cuộc sống khoa học các thứ thì phải đánh đổi những cái khác. 

2. Feynman Technique – Cách tốt nhất để học một điều gì đó

Giới thiệu
Đây là một kỹ thuật phổ biến trong việc học, nghiên cứu một kiến thức mới được phát triển bởi nhà vật lý thiên tài Richard Feynman, nó cũng được áp dụng để ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả. Dựa trên lý thuyết tháp mức độ ghi nhớ (the learning pyramid), Feynman Technique là một cách học hiệu quả bằng việc dạy lại kiến thức đó cho người khác. (Theo lý thuyết tháp mức độ ghi nhớ, chúng ta sẽ nhớ được một lượng kiến thức nhất định tương ứng với từng cách thức tiếp nhận kiến thức đó. Trong đó, đọc tài liệu (10%), tranh luận, thảo luận nhóm (50%), thực hành (75%), dạy lại cho người khác (90%)).

“Nếu bạn không thể giải thích một vấn đề phức tạp một cách đơn giản, thì có nghĩa là bạn chưa đủ hiểu vấn đề đó” – Albert Einstein
Tương tự như vậy, bản chất của kỹ thuật này là bạn phải giải thích được những vấn đề bằng cách hiểu của mình, và làm sao cho người khác cũng hiểu những gì bạn nói. Có 3 đối tượng mà chúng ta cần giải thích: chính mình – người cùng lĩnh vực – người không biết gì về lĩnh vực đó.
Áp dụng như thế nào?
Việc áp dụng kỹ thuật này vào thực tế không hề đơn giản, đạt được hiệu quả thực sự của nó lại càng khó hơn. Đến thời điểm viết bài này, khi đã áp dụng nó được một thời gian, thực sự mình vẫn gặp rất nhiều khó khăn và phải cải thiện nó hằng ngày, dưới đây là cách làm của mình:
• Bước 1: Giải thích cho chính mình
Ở đây, bạn cần phải tìm hiểu, nghiên cứu về chủ đề nào đó, hiểu được nguyên lý, cách áp dụng thực tế của nó.
• Bước 2: Diễn đạt lại bằng lời của mình
Sau khi đã hiểu được, bạn cần phải diễn đạt nó ra bằng lời của mình sao cho trôi chảy. Đây không phải là một bước đơn giản, rất nhiều người tuy hiểu nhưng phải trình bày lại thì không thể hoặc không nói hết được ý hiểu của mình. Chúng ta cần nằm lòng kiến thức đó, có một khả năng diễn đạt đủ tốt, một phong thái tự tin để trình bày (lưu ý nên ghi hình lại để làm công cụ cho bước sau).
• Bước 3: Tìm ra lỗ hổng trong phần trình bày của mình
Hãy xem lại đoạn ghi hình, tìm ra những phần chưa ổn, thực hiện những điều chỉnh để cho phần trình bày của mình hoàn hảo nhất có thể. Bạn có thể đặt ra những câu hỏi sau để kiểm tra:
– Những gì mình nói đã đúng chưa?
– Mình đã nói hết được những gì muốn nói chưa?
– Cách mình truyền đạt có bị khô cứng không?
– Nếu là người nghe thì mình có hiểu gì không?
• Bước 4: Dạy lại cho người khác
Hãy giải thích cho người khác, đó có thể là bất kì ai: một người bạn cùng học, bạn cùng phòng, bố mẹ,… miễn là bạn làm cho người ta hiểu.
Có 3 điều mình muốn lưu ý ở đây:
Hãy nắm trọn chủ đề: Hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu đúng và đủ về những gì bạn sẽ nói.
Sử dụng ví dụ càng nhiều càng tốt, nó sẽ làm bạn hiểu hơn và người nghe dễ nghe hơn. Hãy để ý rằng khi học trên lớp, giáo viên luôn yêu cầu bạn lấy ví dụ về kiến thức được học. Đừng coi thường việc lấy ví dụ, nó là một phương pháp hiệu quả để hiểu được kiến thức được áp dụng vào thực tế như thế nào.
Hãy lặp đi lặp lại bước 3 và 4 (tìm ra lỗ hổng, hoàn thiện và dạy cho người khác). Áp dụng chủ nghĩa hoàn hảo vào đây cũng được, hãy xem xét đến mọi khía cạnh cho đến khi không còn thấy một lỗi nào nữa, rồi tiếp tục cải thiện cách diễn đạt, tìm thêm ví dụ hay. Đừng ngần ngại khi ai đó nhờ bạn chỉ bài hộ vì lúc này bạn có thể nói như một giảng viên rồi. 
Kinh nghiệm của mình
Trong quá trình áp dụng, mình nhận ra rằng phương pháp này rất hiệu quả nhưng rất khó áp dụng hoặc không thể áp dụng toàn bộ lý thuyết trên. 
Đầu tiên, vấn đề là không phải lúc nào cũng có người chịu nghe mình “dạy”. Thực sự là như vậy, kỹ thuật này yêu cầu mình phải dạy lại cho người khác, bao gồm cả người cùng và không cùng lĩnh vực, nhưng mà đâu phải lúc nào mình cũng tìm được đâu. Để khắc phục điều này mình đã thử 2 cách: tưởng tượng mình đang đứng lớp và học nhóm. Mình thường tưởng tượng mình đang đứng trước một lớp học (mình thích làm giáo viên) và nói cho những người ở bên dưới, đây là cách mình hay áp dụng nhất. Tuy nhiên, khi nào có thể, mình sẽ rủ bạn đi học nhóm và “hát cho nhau nghe”. Cách này sẽ hiệu quả hơn cách kia vì đây là người thật, hơn nữa những người này đều có kiến thức nhất định và họ sẵn sàng góp ý cho mình những chỗ mình sai. Trên thực tế thì mình mới chỉ giải thích được cho 2 đối tượng là bản thân và người cùng lĩnh vực, còn người ngoài lĩnh vực thì chắc cần level cao hơn nữa; dù vậy thì đến đó đã là rất hiệu quả rồi, nó khác lý thuyết ở chỗ này đấy.
Thứ hai, kỹ thuật này…rất tốn thời gian. Lúc đầu, mình mất cực kỳ nhiều thời gian vào việc tìm hiểu và nghiên cứu vì tâm lý là muốn hiểu ngọn ngành vấn đề rồi mới dám nói, bây giờ vẫn như vậy nhưng thành thạo rồi thì nhanh hơn. Việc diễn đạt ra thành một bài nói (kiểu như thuyết trình) cũng đốt khoảng 1 buổi của mình lúc đó, mình đã phải nói đi nói lại tầm 20 lần để có thể tự tin đi “dạy”. Tuy nhiên, có những thứ rất giá trị mà sau này mình mới nhận ra. Đó là mình sẽ bắt trọn được vấn đề này (có lợi cho việc học và ôn tập), ghi nhớ nhanh hơn (có những vấn đề chỉ cần thực hành 1 lần feynman technique là nhớ được)
Làm sao để kết hợp kỹ thuật này với Active Recall + Spaced Repetition?
Trước mỗi bài học, mình sẽ nghiên cứu, đọc các tài liệu, đặt ra các câu hỏi và tự trả lời (active recall + bước 1 feynman technique)
Ngay sau khi học, mình đã chắc chắn được những gì mình tìm hiểu là đúng và được giải đáp những vấn đề chưa hiểu, mình tiến hành diễn đạt bằng lời của mình, việc này giờ chỉ diễn ra khoảng 30p (bước 2 feynman technique + blurting method – sẽ nói sau)
Sau khi học, mình sẽ tiến hành ôn tập bằng cách dạy lại cho người khác (tưởng tượng hoặc học nhóm) vào những lần Spaced Repetition (bước 3, 4 feynman technique)
Như vậy, mình đã có thể tích hợp thành công kỹ thuật feynman technique vào Active Recall + Spaced Repetition (tất nhiên quá trình này không đơn giản, nó lấy đi của mình khoảng 1 tháng đau đầu đấy). Không chỉ làm cách học của mình thêm phong phú, kỹ thuật này thực sự đã nâng cao hiệu suất học tập của mình. Như đã nói ở trên, có những bài mình chỉ cần dạy lại 1, 2 lần là đủ nhớ cho nên số lần Spaced Repetition được rút bớt lại, mà nhớ ở đây không phải là học vẹt mà là hiểu sâu, hiểu kỹ, đến mức kiến thức đó là của mình rồi.

3. Blurting method

Giới thiệu
Đây là một kỹ thuật ghi nhớ thông tin một cách chủ động, hỗ trợ rất tốt cho quá trình đọc tài liệu, kích thích tư duy, hệ thống hoá kiến thức và ghi nhớ. Nếu như coi Active Recall là một phương pháp chung, một nguyên lý thì Blurting method sẽ là một kỹ thuật cụ thể để áp dụng Active Recall vào việc học tập.
Áp dụng như thế nào?
Về lý thuyết, có 4 bước để áp dụng kỹ thuật này:
• Bước 1: Đọc hiểu tài liệu
• Bước 2: Viết ra tất cả những gì bạn nhớ, không cần biết đúng sai, không cần sắp xếp
• Bước 3: Đối chiếu với tài liệu, ghi chú những phần còn thiếu/ sai
• Bước 4: Thực hiện lại từ bước 2, đến khi nào đúng thì thôi
Trên thực tế, mình đã có nhiều sự điều chỉnh. Mình không áp dụng nó vào quá trình đọc tài liệu mà sử dụng nó để nhớ và hệ thống lại kiến thức ngay sau khi học. Tức là, ngay sau mỗi buổi học, mình thường dành ra khoảng 30p để viết tất cả những kiến thức đó ra (cứ viết, không cần quan tâm cái gì khác). Theo mình, 30p này cực kì giá trị, thậm chí còn giá trị hơn việc sau này mình dành vài tiếng đồng hồ ôn tập kiến thức đó. Một trường hợp khác (tuy không phải ứng dụng trực tiếp vào việc học, nhưng nó có lợi cho việc kích thích tư duy, đưa mình vào flow học tập), đó là trước mỗi buổi học, nghiên cứu hay ôn tập, mình cố gắng dành ra khoảng 15 – 20p viết tất cả những kiến thức về chủ đề mình muốn học ra, những gì mình đã tìm hiểu, những gì mình nghĩ sẽ có trong bài, cứ viết hết ra. Việc làm này giúp mình tạo một bước đệm, báo hiệu cho não bộ về chủ đề mình sắp học, tạo ra một sự liên kết ngầm giúp mình dễ đi vào sự tập trung hơn.