Phản cực quang đen xuất hiện trên bầu trời Alaska cực quang hình chữ E kỳ lạ
Phản cực quang màu đen cực kỳ hiếm tạo ra ánh sáng cuộn xoáy hình chữ E trong ảnh chụp gần đây phía trên Alaska.
Một cực quang hình chữ E kỳ lạ được chụp hình gần đây trên bầu trời Alaska. Màn trình diễn ánh sáng khác thường này do cực quang đen hiếm gặp gây ra, hay còn gọi là phản cực quang, hiện tượng đẩy những hạt tích điện từ Mặt trời ra khỏi khí quyển Trái đất và vào không gian, Live Science hôm 4/12 đưa tin.
Thợ săn cực quang Todd Salat phát hiện màn cực quang khác thường hôm 22/11 ở một địa điểm thuộc vùng trung nam Alaska vào khoảng 4 giờ sáng theo giờ địa phương. Chữ E phát sáng dường như xuất hiện bất thình lình và kéo dài vài phút trong khi biến đổi qua một số hình dạng, tất cả đều chứa những mảng sẫm màu không có ở phần lớn cực quang.
Hiện tượng phản cực quang tạo ra chữ E lơ lửng trên bầu trời Alaska. (Ảnh: Todd Salat).
“Nó đến từ phía tây bắc và tôi chỉ biết ồ lên. Nó trông giống chữ E. Trong vòng vài phút, nó biến đổi và trông giống loài côn trùng có chân nào đó giữa không trung”, Salat kể lại.
Phản cực quang là hiện tượng khác thường tạo ra nhiều mảng sẫm màu hình tròn trông như thể bị cắn nham nhở. Đúng như tên gọi, phản cực quang về cơ bản trái ngược với cực quang. Chúng ngăn khí gas giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng. Kết quả là những vòng tròn, lọn xoắn hoặc dạng giọt sẫm màu ngắt quãng giữa các màu sắc rực rỡ, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Cực quang được kích hoạt khi hạt mang năng lượng cao từ Mặt trời, chủ yếu là electron, xuyên qua từ trường Trái đất hay từ quyển và phân tử khí siêu nóng ở tầng thượng quyển. Phân tử bị kích thích giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng, hợp lại thành những dải mềm mại kéo dài uốn lượn trên bầu trời. Màu sắc của chúng thay đổi đa dạng tùy theo nguyên tố bị kích thích và vị trí trong khí quyển. Cực quang thường chỉ xảy ra gần vùng cực, nơi từ trường Trái đất yếu nhất. Nhưng hiện nay chúng đặc biệt nổi bật và phổ biến do hoạt động của Mặt trời tăng lên trong giai đoạn cực đại, đỉnh của chu kỳ 11 năm.
Tuy nhiên, phản cực quang làm gián đoạn quá trình hình thành cực quang bằng cách khiến khí gas mất đi hạt tích điện. “Cực quang đen thực chất không phải cực quang. Nó là tình trạng thiếu hoạt động cực quang ở nơi hạt electron bị hút ra khỏi tầng điện ly“, Göran Marklund, nhà vật lý plasma ở Viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm, cho biết.
Phản cực quang được xác định lần đầu tiên vào cuối thập niên 1990. Nhưng năm 2001, các nhà khoa học phát hiện cơ chế hoạt động của chúng khi 4 vệ tinh Cluster của NASA bay qua không gian phía trên phản cực quang. Hoạt động hé lộ những khe nhỏ ở tầng thượng quyển, nơi hạt electron bị đẩy trở lại vũ trụ. Một nghiên cứu vào năm 2015 sử dụng dữ liệu trong hơn một thập kỷ của nhiệm vụ Cluster cho thấy các khe này hình thành khi cực quang bị mất plasma, tạo ra lỗ hổng ở tầng thượng quyển,
Phản cực quang có thể xảy ra trong Bắc cực quang và Nam cực quang, thường chỉ kéo dài khoảng 10 – 20 phút. Giới chuyên gia dự đoán hoạt động cực quang sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong vài năm tới.