Phấn đấu đưa thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I trong giai đoạn 2020 – 2025
Phấn đấu đưa thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I trong giai đoạn 2020 – 2025
(Xây dựng) – Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để phát triển thành phố Lào Cai đạt các tiêu chí đô thị loại I trong giai đoạn 2020 – 2025.
Lào Cai tập trung nguồn lực phát triển thành phố Lào Cai đạt các tiêu chí đô thị loại I trong giai đoạn 2020 – 2025. |
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Lào Cai có 488 tuyến đường nội thị. Trong đó, 430 tuyến đường đã được bàn giao và đưa vào quản lý, vận hành với chiều dài khoảng 235km. Với mục tiêu của thành phố Lào Cai đến năm 2030 hoàn thành cải tạo, nâng cấp, mở rộng 100 tuyến đường, tuyến phố có bề mặt 6m lên bề mặt 7,5m, cải tạo hệ thống thoát nước, vỉa hè, ngầm hóa hệ thống điện, cáp viễn thông. Đặc biệt, tập trung thực hiện tại các phường trung tâm cũ như Cốc Lếu, Kim Tân.
Trong giai đoạn từ 2020-2024, UBND thành phố Lào Cai đã và đang triển khai cải tạo, nâng cấp, mở rộng được 37 tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn; trong đó có 8 tuyến đường đã thực hiện xã hội hóa kinh phí đầu tư hạng mục lát hành lang, vỉa hè giảm bớt kinh phí của ngân sách Nhà nước, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong việc xây dựng văn minh đô thị.
Dự kiến trong giai đoạn từ năm 2024-2030, trên địa bàn thành phố cần thực hiện cải tạo, nâng cấp khoảng 68 tuyến đường, phố có bề mặt 6m lên bề mặt 7,5m. Theo đó, hạng mục chỉnh trang nâng cấp lát hành lang, vỉa hè với diện tích lát khoảng 191.436m2 là rất lớn, cần huy động từ cả nguồn vốn ngân sách Nhà nước và sự tham gia xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện.
Chủ trương huy động sức dân trong việc thực hiện các dự án phát triển đô thị là một hướng đi đúng đắn và hiệu quả trong quá trình phát triển của thành phố Lào Cai để đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa (dân góp) không chỉ giúp bổ sung nguồn vốn cần thiết mà còn tạo sự gắn kết, đồng thuận từ phía người dân trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị.
Thành phố công khai các kế hoạch, chi tiết về việc sử dụng nguồn vốn huy động từ dân, đảm bảo rằng mọi nguồn lực đều được sử dụng đúng mục đích. Điều này giúp xây dựng lòng tin từ phía người dân. Thành phố đã xây dựng các cơ chế để đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia đóng góp.
Đối với công tác chỉnh trang, lát lại hành lang, vỉa hè có dân cư sinh sống thì thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước đầu tư các hạng mục mở rộng mặt đường, cải tạo hệ thống thoát nước, thay thế viên bó vỉa, đặt đường ống phục vụ hạ ngầm cáp điện, cáp thông tin, cán nền vỉa hè, bổ sung thay thế cây xanh. Nhân dân đóng góp kinh phí thi công lát và vật liệu lát (đá, gạch), thực hiện đồng bộ với các hạng mục theo thiết kế của dự án được phê duyệt. Đối với những tuyến phố kiểu mẫu xây dựng thí điểm, vận động và khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa để thay thế từ gạch terrazzo bằng đá tự nhiên, góp phần làm cho khu phố khang trang, hiện đại, thuận tiện cho sinh hoạt của người dân. Khi các mô hình này thành công, trở thành cơ sở để mở rộng và kêu gọi sự tham gia của người dân ở những khu vực khác.
Như vậy, việc huy động sức dân là một chủ trương đúng đắn, giúp tăng cường nguồn lực và tạo sự đồng thuận trong quá trình phát triển. Với cách làm minh bạch, công khai và hướng đến lợi ích chung, thành phố Lào Cai đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân trong việc xây dựng và phát triển đô thị, ngày càng tin tưởng vào các chính sách phát triển của thành phố, tạo ra một môi trường sống sáng, xanh, sạch và đẹp hơn, góp phần đưa Lào Cai tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành đô thị loại I theo mục tiêu Nghị quyết đề ra.