Phát hiện cực sốc về “chiếc đuôi” của Trái đất bí ẩn lâu đời về dấu hiệu của nước trên Mặt trăng.
Không chỉ sở hữu một chiếc đuôi cực dài ở nơi Mặt trời không thể chiếu sáng, Trái đất còn dùng nó để biến đổi một thiên thể khác.
Khám phá mới của nhóm nhà khoa học dẫn đầu bởi tiến sĩ Shuai Li, Trường Khoa học và công nghệ Trái đất và đại dương – ĐH Hawaii (Mỹ), có thể giải thích bí ẩn lâu đời về dấu hiệu của nước trên Mặt trăng.
Theo tờ Space, nhóm tác giả phát hiện ra Trái đất sở hữu một chiếc đuôi plasma dài và mạnh mẽ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Bản đồ nước trên Mặt trăng – (Ảnh: NATURE ASTRONOMY).
Chiếc đuôi này xuất phát từ chính lớp “áo giáp” đặc biệt của hành tinh, thứ đã bảo vệ bầu khí quyển và muôn loài khỏi bức xạ vũ trụ khắc nghiệt: Từ quyển.
Chúng ta có một ngôi sao mẹ hung hãn, liên tục giải phóng năng lượng cao dưới dạng gió Mặt trời. Khi gió Mặt trời đập vào từ quyển, lá chắn từ tính này biến dạng, tạo nên một chiếc đuôi từ tính kéo dài ở mặt ban đêm của hành tinh.
Đồ họa mô tả “chiếc đuôi” của Trái đất – (Ảnh: NATURE ASTRONOMY).
Mặt trăng quay quanh Trái đất, đồng nghĩa với việc nó thường xuyên bay quanh chiếc đuôi này. Trong những khoảnh khắc đó, vệ tinh bé nhỏ của địa cầu “hưởng lợi” từ vùng từ tính này, giúp nó tạm được che chắn khỏi các hạt tích điện trong vũ trụ trong khi vẫn cho phép ánh sáng tiếp cận bề mặt.
Khoảnh khắc bảo vệ hiếm hoi đã giúp Mặt trăng kịp xuất hiện các phản ứng tạo nước – điều đã xảy ra trên địa cầu sơ khai nhờ có sự che chở của từ quyển – bởi chính bức xạ vũ trụ khắc nghiệt là thứ đã làm tiêu biến các yếu tố giúp nước hình thành trên một thiên thể.
Những nơi bị đuôi từ quét qua không chỉ ẩn chứa các túi nước mà còn được đánh dấu cẩn thận. Đó chính là dấu vết của rỉ sét vì đuôi từ mang theo ôxy, làm biến đổi khu vực mà nó quét qua.
Phát hiện này cung cấp một kiến thức quan trọng giúp định hướng các sứ mệnh tương lai của các cơ quan vũ trụ trên khắp thế giới, những người luôn hy vọng hạ cánh được xuống nơi có nước trên Mặt trăng. Nguồn nước quý giá này có thể được sử dụng để biến đổi thành nhiên liệu cho tên lửa, tàu vũ trụ, cũng như phục vụ các hoạt động sống khác của “căn cứ Mặt trăng” mà nhiều cơ quan vũ trụ đang có kế hoạch xây dựng.