Phát hiện quả bom từ thời Thế chiến 1 gần tòa nhà Quốc hội Serbia

Tháng chín 22, 2024

Phát hiện quả bom từ thời Thế chiến 1 gần tòa nhà Quốc hội Serbia

Phát hiện quả bom từ thời Thế chiến 1 gần tòa nhà Quốc hội Serbia- Ảnh 1.

Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm xử lý quả bom ở Belgrade

ẢNH: AFP

Hãng AFP đưa tin lực lượng chức năng Serbia ngày 22.9 tháo gỡ một quả bom nặng gần 300 kg từ thời Thế chiến 1 khỏi một công trường xây dựng gần tòa nhà Quốc hội Serbia ở thủ đô Belgrade.

Bộ trưởng Nội vụ Serbia Ivica Dacic cho hay quả bom Morser M.11 305 mm được phát hiện hôm 18.9 từng được quân đội Áo – Hung sử dụng trong cuộc bao vây thủ đô của Serbia vào tháng 7.1914 trong Thế chiến 1.

Cảnh sát đã ra lệnh cho người dân gần đó di dời xe ra khỏi khu vực và khuyên họ rời khỏi nhà nếu có thể. Quả bom được đưa đến một địa hình nhiều cát cách Belgrade khoảng 60 km để tiêu hủy.

Một số quả bom còn sót lại từ các cuộc chiến tranh trước đã được phát hiện và tháo gỡ ở Serbia. Tại vùng Nis, miền nam Serbia, một quả bom lớn từ vụ đánh bom của NATO năm 1999 đã được phát hiện vào tháng 4. Vào năm 2021, một quả bom nặng 242 kg từ Thế chiến 2 đã được di dời khỏi một công trường xây dựng ở vùng ngoại ô Belgrade.

Theo tạp chí Newsweek dẫn một nghiên cứu đăng trên chuyên san Royal Society Open Science, những quả bom còn sót lại dưới lòng đất từ Thế chiến 1 và Thế chiến 2 ngày càng có nguy cơ phát nổ cao.

Do thành phần hóa học độc đáo, bom và các chất nổ khác còn sót lại dưới lòng đất sau chiến tranh trở nên dễ phát nổ hơn nếu bị tác động, theo nghiên cứu của Đại học Stavanger (Na Uy) và Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy.

Nhiều loại thuốc nổ được sử dụng trong những cuộc chiến tranh này có chứa các hóa chất được gọi là amatol, hỗn hợp của amoni nitrat và TNT.

Sau khi thử nghiệm trên một số quả bom, các nhà nghiên cứu kết luận rằng các amatol này ngày càng dễ biến đổi theo thời gian vì chúng phản ứng chậm với các chất trong đất. Điều này có nghĩa là nếu bị tác động, chúng nhiều khả năng phát nổ và có thể gây nguy hiểm hơn nhiều người tưởng.