Phát triển mạng 5G phủ sóng hầu hết dân số
Phát triển mạng 5G phủ sóng hầu hết dân số
Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phê duyệt, với mục tiêu phát triển mạng 5G toàn diện.
Sự phát triển này không chỉ cải thiện kết nối mà còn đẩy mạnh công nghệ số trong mọi lĩnh vực. Mạng 5G hứa hẹn mang lại tốc độ truyền dữ liệu vượt trội và tăng cường hiệu quả kinh doanh. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế số hiện đại.
Theo chiến lược hạ tầng số, đến năm 2025 Việt Nam sẽ phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G.
Năm 2025 đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới; hình thành các trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Data Center); phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE – Power Usage Effectiveness) không vượt quá 1,4.
Phấn đấu trung bình mỗi người dân có một kết nối internet vạn vật (IoT – Internet of Things); mỗi người dân có một định danh số. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%; phát triển các nền tảng cung cấp các công nghệ số (IoT, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, an ninh mạng…) như dịch vụ, đóng vai trò là hạ tầng mềm để phát triển kinh tế – xã hội.
Đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới
Đến năm 2030, 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số; xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G.
Triển khai và đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350 Tbps.
Hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu một tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ; triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu một tuyến cáp quang đất liền quốc tế. Tổng dung lượng cáp quang biển thiết kế đáp ứng nhu cầu dự phòng tối thiểu 1+2 (dung lượng khả dụng gấp 3 lần dung lượng sử dụng thực tế).
Phát triển các trung tâm dữ liệu siêu lớn (Hyperscale Data Center); trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo; trung tâm dữ liệu biên đáp ứng yêu cầu trong nước và sẵn sàng phát triển các trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub).
Để đạt được những mục tiêu trên, chiến lược đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm đối với từng hạ tầng.
Cụ thể, đối với hạ tầng viễn thông và internet: phổ cập kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp đến hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức bao gồm: cáp quang, wifi thế hệ mới…
Tăng cường đầu tư phát triển các hệ thống truyền dẫn quốc tế (cáp quang biển, đất liền, vệ tinh), truyền dẫn trong nước dung lượng lớn, bảo đảm nhu cầu dự phòng, kết nối đa dạng, an toàn, bền vững.
Tập trung mở rộng vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ mạng di động 5G tại các khu vực trọng điểm: khu vực hành chính công; khu di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch trọng điểm; cơ sở y tế; các trường cao đẳng, đại học; đầu mối giao thông; hệ thống đường bộ, đường sắt và đường thủy; trung tâm thương mại; khu dân cư phức hợp; khu vực tập trung đông dân cư; các tòa nhà thương mại, khách sạn; các thị trấn và khu vực trọng điểm ở nông thôn; triển khai sử dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6) cho toàn bộ mạng internet Việt Nam…