Phát triển thành phố Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao
Phát triển thành phố Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao
(Xây dựng) – Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung (QHC) thành phố Thủ Đức (TP Thủ Đức) thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đến năm 2040.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu tại Hội nghị. |
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM và đơn vị tư vấn cùng đại diện các chuyên gia phản biện, thành viên Hội đồng thẩm định.
Theo Báo cáo thuyết minh Đồ án, QHC TP Thủ Đức đến năm 2040 gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Thủ Đức, tổng diện tích đất tự nhiên là 21.156,9ha. Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 2.200.000 người.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm đề xuất định hướng phát triển phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian của TP.HCM, vùng TP.HCM và vùng Đông Nam bộ; đáp ứng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia.
Đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của TP Thủ Đức; hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, phát triển đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các khu vực trong TP Thủ Đức, đảm bảo chất lượng đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc TP.HCM.
Theo QHC, TP Thủ Đức được quy hoạch với tính chất, chức năng là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ và hợp tác phát triển; đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu với các chức năng trọng điểm phía Đông.
TP Thủ Đức được quy hoạch với tính chất, chức năng là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông của TP.HCM; trung tâm phía Đông của TP.HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.
TP Thủ Đức có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng TP.HCM. Đồng thời là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TP.HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía Đông của vùng TP.HCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Thuận An, Dĩ An, Phú Mỹ, Vũng Tàu…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu tại Hội nghị. |
Về cấu trúc đô thị, TP Thủ Đức là một đô thị đa trung tâm, với các trung tâm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu vực Trường Thọ, khu vực Long Phước.
Định hướng phát triển TP Thủ Đức theo 11 phân vùng đô thị; kết nối mạng lưới sông, kênh rạch, tổ chức các dải công viên công cộng dọc theo hệ thống mặt nước, các công viên trong các khu đô thị, tạo thành mạng lưới lồng ghép, kết nối các khu đô thị với các điểm nhấn cảnh quan và không gian hội tụ giao lưu công cộng…
Về phát triển không gian, tập trung phát triển 11 khu vực trọng điểm nhằm kích thích kinh tế, sáng tạo, đổi mới; lồng ghép các không gian nghiên cứu, đào tạo, văn phòng và nghiên cứu – sản xuất công nghệ cao, trung tâm y tế vào các khu đô thị hỗn hợp; phát triển du lịch đô thị gắn với các giá trị sáng tạo, nghệ thuật, văn hóa, sinh thái, đặc biệt là sinh thái sông nước, dịch vụ y tế, đào tạo, sự kiện…
Cùng với định hướng phát triển không gian đô thị, Đồ án cũng đưa ra định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội; định hướng quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng ngầm; thiết kế đô thị; định hướng hạ tầng kỹ thuật đô thị về cấp điện và năng lượng, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang; đánh giá môi trường chiến lược; phân kỳ thực hiện quy hoạch; các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư…
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. |
Để nâng cao chất lượng Báo cáo thuyết minh Đồ án, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Hiệp hội chuyên ngành Trung ương đã có những nhận xét, đánh giá và góp ý giúp đơn vị lập quy hoạch và đơn vị tư vấn tiếp thu, chỉnh sửa Đồ án liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn, phân khu chức năng…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, việc rà soát quy hoạch TP Thủ Đức rất quan trọng, do đó, nên có đánh giá, rà soát lại số quỹ đất còn lại trong quá trình triển khai quy hoạch 14 năm qua. Trong 11 phân khu chức năng phần lớn là khu đô thị, tính chất đô thị ghi chung chung, cần cụ thể hơn, logic hơn; rà soát, xác định lại các chuỗi đô thị, định hướng chức năng đô thị rõ ràng; giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong triển khai lập quy hoạch thành phố từ năm 2010 đến nay…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, việc lập Đồ án QHC TP Thủ Đức đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật hiện hành và các pháp luật khác liên quan; phương pháp tiếp cận, thể hiện nghiên cứu của tư vấn cũng như Đồ án đảm bảo tính khoa học; chất lượng như yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Bộ Xây dựng cũng đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM đối với QHC TP Thủ Đức.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: TP Thủ Đức là mô hình mới, đầu tiên, là thành phố trực thuộc thành phố Trung ương, có vai trò, tính chất đặt trong bối cảnh TP.HCM và địa phương lân cận; đặt trong định hướng của Bộ Chính trị là đô thị sáng tạo. Do đó, cần quy hoạch rà soát, đánh giá lại nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, cần thiết phát triển đặc trưng riêng có của thành phố…
Bộ trưởng lưu ý, đơn vị tư vấn, TP Thủ Đức tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung căn cứ lập Đồ án QHC, đảm bảo phù hợp, thống nhất với QHC quốc gia, quy hoạch vùng, QHC TP.HCM; tập trung rà soát cấu trúc thuyết minh để phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch, thống nhất từ bản vẽ, thuyết minh, bản đồ, đảm bảo đồng bộ, chính xác…
Bên cạnh đó, cần đánh giá triển khai quy hoạch; đánh giá kỹ, cập nhật số liệu theo quy định về hiện trạng như: Điều kiện tự nhiên, tổ chức phân bố dân cư, hiện trạng chất lượng đô thị; xác định cấu trúc không gian đô thị, vai trò kết nối trong thành phố, trung tâm TP.HCM, địa bàn lân cận trong vùng Đông Nam bộ…, thể hiện vai trò là đô thị sáng tạo, tương tác cao.
Quang cảnh Hội nghị. |
Đối với 11 phân vùng, Bộ trưởng đề nghị làm rõ nguyên tắc để quản lý phát triển; tính khả thi trong tổ chức quản lý; quy hoạch sử dụng đất đảm bảo quy chuẩn quốc gia, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan.
Ngoài ra, cần làm rõ hơn hành lang bảo vệ vùng nước, các tuyến sông, giữ gìn cảnh quan đặc trưng sông nước của thành phố; chỉ tiêu đất giao thông đô thị; định hình rõ trung tâm hành chính, thương mại, công cộng; chú trọng tổ chức không gian cho các khu vực cửa ngõ…
Ngoài văn bản góp ý, Bộ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn, TP Thủ Đức rà soát, nghiên cứu, tiếp thu tối đa, có giải trình cụ thể; hoàn thiện dự thảo Quyết định để báo cáo lại cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng xem xét, rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội chuyên ngành Trung ương có những nhận xét, góp ý quan trọng cho Đồ án, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết: Đây là quy hoạch quan trọng đối với TP Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung. TP Thủ Đức và đơn vị tư vấn sẽ nghiêm túc tiếp thu, rà soát, cập nhật, bổ sung số liệu nhằm sớm hoàn thiện Đồ án…
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com