Phê duyệt chủ trương mở rộng cao tốc Cam Lộ – La Sơn lên 4 làn xe

Tháng mười 24, 2024

Phê duyệt chủ trương mở rộng cao tốc Cam Lộ – La Sơn lên 4 làn xe

(Xây dựng) – Ngày 23/10/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1244/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cam Lộ – La Sơn.

Phê duyệt chủ trương mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.488 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Dự án thực hiện tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên – Huế với mục tiêu góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 và Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực theo quy hoạch, phát huy vai trò hành lang kinh tế Bắc – Nam kết nối các địa phương, bảo đảm đồng bộ, hiện đại; nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an toàn giao thông tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn và phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực; phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên – Huế nói riêng và các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ nói chung.

Đầu tư mở rộng từ quy mô 02 làn xe lên 04 làn xe

Theo Quyết định, chiều dài tuyến khoảng 98,35km. Hướng tuyến bám theo tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn đang khai thác. Điểm đầu (Cam Lộ) tại Km0+000, kết nối với điểm cuối dự án đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Điểm cuối (La Sơn) tại khoảng Km102+200, kết nối với điểm đầu dự án La Sơn – Hòa Liên thuộc địa phận xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Đầu tư mở rộng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến từ quy mô 02 làn xe lên 04 làn xe. Tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến hiện tại đang khai thác, đường cao tốc cấp 80 theo TCVN 5729-2012 và QCVN 115:2024/BGTVT. Đây là dự án nhóm A, đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.488 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, nguồn vốn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 là 5.488 tỷ đồng. Nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 là 1.000 tỷ đồng. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Giao thông vận tải.

Lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, các thông tin báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan; tổ chức triển khai lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường, nhu cầu sử dụng đất, chuyển đổi đất rừng, mặt bằng thi công, mỏ vật liệu… theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình lập, thẩm định, trình duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và triển khai dự án.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và các Bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai Dự án; thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát, cân đối nguồn vốn để triển khai dự án theo tiến độ, đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.

UBND các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có phát sinh) đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô, diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan.

Đồng thời, UBND các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan về việc khai thác các mỏ vật liệu thông thường trên địa bàn theo quy hoạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng tiến độ của dự án…