Phép nhân hoá không bao giờ có thực

Tháng mười 24, 2024

Nhưng cái “học đi đôi với hành”, dù là học hành bất cứ cái gì đều chứa trong ấy những huyễn tưởng của cuộc đời. Chẳng hạn những bà nội trợ bỗng dưng muốn trở thành nhà thuyết trình quyền năng, những chuyên gia bán hàng online bán máy lọc nước, thực ra là phản chiếu của ham muốn vượt thoát. Vượt thoát khỏi cái gì? Khỏi một lịch sử đè nén phụ nữ. 

Có những hục hặc với môn tiếng Anh, và bực mình vì môn lịch sử trong nhà trường, nhưng tại sao chưa bao giờ thấy người ta phản ứng tương tự với môn văn? Và phản ứng nếu có, dừng lại ở một vài thầy cô yêu văn chương và thấy thất vọng về mô hình dạy và học cứ đổi mới loạn ly. 

Có một điều thế này: dù gián tiếp hay trực tiếp, văn chương, hay ngôn ngữ, thậm chí là những thanh âm tí tách líu lo và nhạc điệu của từ ngữ, có ma lực thao túng con người ta. Nó đứng sau mọi ngành kinh tế, nhưng nó không chỉ huy trực tiếp, mà thầy dùi

Nhân hoá

Tôi ngờ rằng biện pháp nhân hoá – cũng giống như chuyện người ngoài hành tinh, cũng giống như những lời hứa giữ hộ tiền lì xì của các bà mẹ – không bao giờ có thực.

Nhân hoá không phải là thứ Việt Nam nghĩ ra, ở phương Tây gọi là personification, có nhiều cuốn sách nói về nó, như James J. Paxson trong The Poetics of Personification. Nhân hoá được SGK hiểu là cách biến các thực thể phi nhân (gồm sinh vật và những vật vô tri) có tình cảm, hành động như con người để khiến cho câu văn sinh động hơn.

Khi ta nói “sóng hôn lên bờ cát”, thì có phải là một hành động được nhân hoá lên để giống như con người không? Nếu trên đời ai chưa từng thấy – thật là bất hạnh – nếu chưa từng thấy sóng đã thực sự hôn lên bờ cát (“Nếu ai trên đời chưa một lần thấy / không có quyền phán xét những câu thơ” – Lưu Quang Vũ). Nụ hôn là gì nếu không phải là một cú táp của vật chất rắn và tạo ra những con sóng?

Nhân hoá / Personification cần được nhận ra như một tín hiệu nghệ thuật, trong những văn bản nhất định, để đi vào không gian sáng tạo của văn bản; không phải là một biện pháp tu từ

Nếu bạn từng ngó ra một cơn mưa cuối hạ, và nếu khoảnh khắc bạn thấy ô cửa sổ bật khóc [1], đó không phải là nhân hoá. Ô cửa sổ, với khoảnh khắc đó của riêng bạn, nó thực sự bật khóc. Khoảnh khắc ấy xác lập một thế giới của bạn. Thế giới ấy tan vỡ rất nhanh. Nhưng nếu bạn thực sự đã thấy, và không nghĩ đó là nhân hoá, thì lúc đó mới chạm đến văn chương. 

Ta sẽ cùng xem Nguyễn Tuân:

Nhân hoá không làm nên sự sinh động, ngược lại, sự sinh động của trần gian là sẵn có, nó xuất hiện trước và là một phần cách nhìn thế giới của người sáng tạo. Nó làm nên một thứ gọi là không gian văn chương, một cái xới mà vạn vật đều mang tâm hồn của chúng góp vào. Khoảnh khắc ta phát hiện ra tâm hồn của sự vật chính là lúc mở được một cách cửa vào thế giới khác. Đi vào tâm hồn của sự vật, đó là bản chất của văn học. Chẳng có ai thèm đi bắt chước con người hoặc được gán cho các yếu tố của nhân tính cả. Bởi những chuyển động của tự nhiên trong văn học đi song song với chuyển động của từ ngữ. Đúng hơn là các từ bắt đầu thoát y và chuyển nghĩa để đi vào thế giới với một sức sống khác. Tại sao ta lại cho rằng ô cửa sổ được ví von như là khóc mà tại sao không nghĩ rằng: sự khóc được định nghĩa lại?

(Chính vì thế Nguyễn Tuân mới hay cầu kì, trong thế giới cuả Nguyễn Tuân: từ ngữ và biểu nghĩa của nó hoà vào làm một. Các từ không phải chỉ tự bày tỏ ý nghĩa mà nó chịu trách nhiệm truyền tải, mà bản thân nó có câu chuyện riêng: ta còn thấy được các từ của các nhà văn lớn còn liên lạc với nhau. Hấp lực của nhịp hành văn đôi khi cuốn tác giả vào, nhưng nó buộc phải như vậy, nó cần đủ khả năng để lớn hơn cả chính người viết, cho đến khi cất lên để đứt gãy thực tại – nếu bạn đọc nào có nhìn thấy trong tác phẩm của Nguyễn Tuân rất nhiều những âm thanh ngắt mạch như vậy)

Văn chương là xác lập các cự ly. Cự ly gồm hai thứ: khoảng cách và quan sát. Cự ly không được quá xa, vì nhìn từ xa thì thành báo chí. Và cũng không quá gần, quá gần thì không thành gì cả, đó là đời thường. Người nghệ sĩ là một người thợ với thước dây tỉ mẩn đong đếm từ mili cho một cái nhìn, có lẽ phần nào khá giống với quay phim, nhưng quay phim thì chỉ bằng thị giác, con văn chương là mọi giác quan, kết hợp trực giác, nhìn sự vật trong tiến hoá sáng tạo và thời tính (la duree) của nó. Sự vật ở đây gồm cả những vật thể tồn tại, nhưng cũng gồm các trạng huống, những tình cảm trừu tượng. 

Nhưng trên hết, cự ly gắn liền với vai trò của các chiều không gian (gồm cả thời gian xét như một chiều không gian). Viết văn nghĩa là chọn đúng vị trí. Đó là lý do vì sao lại có những tác phẩm rất tầm thường dù nó rất giỏi những đề tài khủng khiếp đùng đoàng và rất quan trọng về kinh tế chính trị. Và vì sao lại có những kiệt tác dù chỉ viết về những thứ đề tài nhàn nhạt, một chuyến về quê xa, một cánh buồm trên biển nhiệt đới, một chuyến săn cá voi, những cái ấm đất, một Hồi ức thiếu nữ  như của Annie Ernaux. 

Đ.A

Phục vụ chương trình xuất bản 2025, Writing Program Sáng tác hư cấu số 4 11-2024 đã mở. Xem

[1] Về Ô Cửa sổ Bật khóc, đây là mượn một ý thơ Haiku của Đinh Trần Phương trong tập Giấc mơ của Bàn tay