Phim kinh dị Việt ăn khách
Phim kinh dị Việt ăn khách
Hấp dẫn nhờ khai thác chất liệu dân gian
Có thể nói cú hích đầu tiên thời gian gần đây ở dòng phim kinh dị là phim truyền hình Tết ở làng địa ngục chiếu trên nền tảng kỹ thuật số, sau đó là bản điện ảnh Kẻ ăn hồn của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất (NSX) Hoàng Quân. Đây là bộ đôi phim kinh dị gây chú ý khi khai thác yếu tố ma mị dựa vào chất liệu dân gian Việt. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang, Tết ở làng địa ngục cài cắm xuyên suốt những tập tục văn hóa tâm linh, tín ngưỡng mang bản sắc Việt vào phim như tập tục thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo hay rượu sọ người, con đò chở vong, đom đóm cầu hồn kết hợp với trang phục (áo tứ thân, giao lĩnh, ngũ thân) và bối cảnh ma mị ở một khu vực hẻo lánh của vùng miền núi phía bắc tạo nên những yếu tố mới lạ thu hút người xem. Trong Kẻ ăn hồn là câu chuyện kinh dị, ám ảnh xoay quanh khu làng địa ngục thuở sơ khai. Ở đó có cảnh đám cưới chuột gợi lại tác phẩm Đám cưới chuột có ở tranh Đông Hồ. Thêm cảnh rước dâu vào ban đêm khiến người xem có thể nhận ra bộ phim lấy điểm nhấn từ tục đám cưới người Dao Mẫu Sơn. Đó là chưa kể phần âm nhạc được tạo nên từ câu đối, vè cách điệu để các nhân vật trong phim đối đáp nhằm gieo sự sợ hãi, tăng thêm tính ma mị.
Chia sẻ về xu hướng mang chất liệu dân gian vào phim kinh dị, NSX Hoàng Quân cho biết: “Chất liệu dân gian là kho tàng văn hóa vô giá. Chúng tôi cảm thấy may mắn khi có cơ hội khai thác để đưa những câu chuyện ấy đến với khán giả hiện đại. Sự kết hợp giữa yếu tố dân gian và thể loại kinh dị giúp chúng tôi khơi gợi những nỗi sợ hãi vốn đã tồn tại trong tiềm thức của mỗi người, đồng thời mang đến một trải nghiệm mới lạ nhưng vẫn gần gũi”.
Hiện tại bộ đôi đạo diễn, NSX này cũng cho ra mắt phim kinh dị Cám dựa trên truyện cổ tích Tấm Cám. Theo tiết lộ của NSX, ngoài nội dung được khai thác từ chất liệu dân gian thì trang phục, đạo cụ trong phim cũng đậm chất Việt với hơn 300 bộ trang phục được lấy cảm hứng từ cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn theo phong cách dân gian xưa.
Phim kinh dị Quỷ cẩu ra mắt vào Tết dương lịch 2024 cũng từng gây ấn tượng với khán giả khi khai thác nội dung mượn truyền thuyết dân gian truyền miệng “chó đội nón mê” chủ yếu tồn tại ở khu vực Bắc bộ để đưa vào phim làm điểm nhấn.
Với Ma da phá kỷ lục phòng vé ở thể loại phim kinh dị cũng chứa đựng nội dung được khai thác từ truyền thuyết dân gian là “ma da kéo giò”. Sắp tới phim kinh dị Linh Miêu – Quỷ nhập tràng của đạo diễn Lưu Thành Luân hay Đồi hành xác của Lương Đình Dũng cũng khai thác chất liệu dân gian Việt. Trong đó Đồi hành xác có nhiều yếu tố kỳ bí dựa vào truyền thuyết nửa thực nửa hư cấu trong dân gian như cá trê sống đến già mọc râu trong các câu chuyện kể hay có những con biến thành màu trắng và sống dưới mộ, rồi câu chuyện truyền thuyết thần giữ của truyền miệng hàng trăm năm cũng được đưa vào phim.
Cú hích về doanh thu nhưng không dễ ăn
Có thể thấy so với những phim kinh dị từng ra mắt cách đây vài năm như Lời nguyền huyết ngải, Mười: Lời nguyền trở lại, Đoạt hồn, Bóng đè thì những phim kinh dị được làm dựa trên chất liệu dân gian Việt có doanh thu bùng nổ hơn như Kẻ ăn hồn đạt hơn 66 tỉ đồng, Quỷ cẩu đạt 108,4 tỉ đồng hay Ma da trở thành phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất với 113,69 tỉ đồng sau 15 ngày công chiếu.
Như vậy có thể thấy khán giả vẫn hứng thú với đề tài phim kinh dị Việt khi khai thác những câu chuyện tưởng chừng chỉ ở văn học và trong các câu chuyện kể dân gian. Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn: “Khán giả trẻ hiện nay đã bắt đầu quan tâm và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa bản địa, điều này mở ra cơ hội cho chúng tôi khi khai thác các chất liệu dân gian. Để giải quyết bài toán này, chúng tôi chọn cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cùng với việc sáng tạo các tình tiết mới dựa trên nền tảng cũ để tạo ra một sản phẩm vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, hấp dẫn, không gây nhàm chán cho người xem, không bị rơi vào lối mòn, đồng thời vẫn giữ được hồn cốt của văn hóa VN”.
Hơn nữa theo nhiều NSX, đạo diễn thì làm phim kinh dị không phải dễ ăn vì đầu tư lớn, rủi ro cao. “Phim kinh dị sẽ dễ hơn một chút nếu ai đó làm những câu chuyện thành phim theo dạng mô tả hình ảnh hay mô tả một tác phẩm dân gian nào đó đang có. Còn với những đạo diễn có khả năng sáng tạo thì phim kinh dị như một công trình khoa học nghệ thuật rất khó. Dàn dựng phim kinh dị cũng có một kiểu khác. Phim kinh dị cũng cần chi phí lớn, không kém các thể loại khác nếu thực làm phim nghiêm túc để cống hiến cho khán giả”, đạo diễn Lương Đình Dũng nói.
“Điện ảnh VN đang chứng kiến làn sóng phim kinh dị mới những năm gần đây. Một phần nhờ chủ trương cởi mở, đổi mới của Cục Điện ảnh với dòng phim này. Về yếu tố dân gian trong phim, có thể thấy xu hướng của thế giới nhiều năm nay đang dần địa phương hóa, kết hợp giữa những câu chuyện bản địa với nhu cầu và xu hướng của thế giới. Thị trường phim Việt với những câu chuyện kinh dị đậm màu sắc dân gian lên ngôi bởi tinh thần dân tộc và khao khát đào sâu căn tính dân tộc của người trẻ ngày càng lớn. Vì lẽ đó, “ma Việt” không chỉ gần gũi hơn mà cũng hấp dẫn hơn khi người Việt được hiểu thêm về tâm linh, tín ngưỡng của chính mình”.
Nhà phê bình phim Lucas Luân Nguyễn
Theo thống kê mang tính tham khảo của Box Office Vietnam, Ma da sau hơn 1 tháng ra rạp đã chạm mốc 127 tỉ đồng. Trong khi đó, Cám ghi nhận hơn 110.000 lượt vé bán ra trước ngày công chiếu, trở thành phim có lượt vé bán sớm cao nhất lịch sử phim kinh dị Việt. Đến hiện tại, dự án của Trần Hữu Tấn cũng thu về 50 tỉ đồng, được dự đoán có thể chạm ngưỡng trăm tỉ thời gian tới. Ngoài câu chuyện doanh thu trăm tỉ, Quỷ cẩu vừa đón tin vui khi thắng giải Phim hay nhất (Best Feature Film) tại LHP Kanazawa 2024.