Phụ huynh ‘tuyệt vọng’ vì cố mãi nhưng con không ham học

Tháng sáu 16, 2024

Phụ huynh ‘tuyệt vọng’ vì cố mãi nhưng con không ham học

Phụ huynh 'tuyệt vọng' vì cố mãi nhưng con không ham học- Ảnh 1.

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ với các phụ huynh

THÚY HẰNG

“Nhưng phụ huynh đừng tuyệt vọng. Đừng tuyệt vọng sớm quá với hành trình học tập của con mình”, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, cố vấn xây dựng chương trình giáo dục phổ thông ở các trường ngoài công lập ở Việt Nam, nói như vậy tại buổi chia sẻ chủ đề “Học thế nào là đủ” vừa diễn ra hôm nay, 16.6 tại TP.HCM.

Đặc điểm não bộ và việc học của trẻ

Trong phần chia sẻ của mình, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền đề cập tới khoa học não bộ, khoa học về việc học mà những chuyên gia phải nghiên cứu trong quá trình thiết kế xây dựng chương trình ở các trường, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi ở từng giai đoạn.

Khoa học não bộ sẽ giải thích những vấn đề như vì sao người ta khuyên nên cho trẻ học ngoại ngữ từ khi trẻ 2-3 tuổi; vì sao trẻ dậy thì có nhiều biến đổi so với trẻ ở giai đoạn trước đó, chẳng hạn: trước đó thì học rất tốt ở tiểu học nhưng sang trung học cơ sở học trước quên sau.

Khoa học não bộ cũng có thể lý giải có bé học ngoại ngữ nhưng “học mãi mà không vô”, cha mẹ nghĩ phải chăng chương trình nhà trường có vấn đề, hoặc phương pháp của giáo viên có vấn đề, hoặc con mình học không đủ “lượng”. Có cha mẹ hay than vãn với giáo viên “con tôi làm biếng quá”, “con tôi bướng bỉnh lắm, nó chỉ thích chơi, không thích học, kêu vô bàn là trầy trật lắm, sao ba mẹ ham học mà con lười biếng vậy”… Những vấn đề này có nhiều nguyên nhân và không loại trừ nguyên nhân từ não bộ của trẻ.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền cho hay có mối liên hệ giữa đặc điểm não bộ và việc học của trẻ. Ở lứa tuổi mầm non, não bộ của trẻ phát triển nhanh chóng trong những năm đầu đời, não bộ tạo ra hàng tỉ kết nối thần kinh và đặc điểm nổi bật là tính dẻo dai thần kinh. Vì vậy, trẻ mầm non cũng học những điều mới mẻ rất nhanh chóng.

Phụ huynh 'tuyệt vọng' vì cố mãi nhưng con không ham học- Ảnh 2.

Tiến sĩ Huyền trao đổi với phụ huynh cuối chương trình

THÚY HẰNG

Khi trẻ học tiểu học thì não bộ vẫn tiếp tục phát triển nhưng tốc độ chậm hơn với giai đoạn mầm non. Kết nối thần kinh trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng kết nối ít dùng sẽ bị loại bỏ. Trẻ sẽ phát triển khả năng tư duy logic, ngôn ngữ và giải quyết vấn đề.

Việc học ở mầm non và tiểu học cũng khác nhau. Theo tiến sĩ Huyền, ở mầm non, học thông qua chơi, học thông qua trải nghiệm trực tiếp và sự tương tác với môi trường; cần lặp đi lặp lại nhiều lần với trẻ. Nhưng với tiểu học, trẻ em sẽ học nhiều môn, làm quen với các khái niệm trừu trượng. Chương trình học được tổ chức chặt chẽ, các bé sẽ học qua các phương pháp đa dạng, hình ảnh, âm thanh, thực hành. Điều quan trọng trong bậc tiểu học là trẻ yêu thích việc học và hình thành ý thức tự giác học tập – đây cũng là giấc mơ của tất cả các phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường.

“Khi hiểu về khoa học não bộ, khoa học về việc học, cha mẹ sẽ thấu hiểu những vấn đề trong học tập của con đang gặp phải, từ đó cha mẹ sẽ có thể hỗ trợ đúng cách cho con”, tiến sĩ Huyền nói.

Làm sao để học hiệu quả mà không áp lực?

Theo tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, thứ nhất, phụ huynh cần đặt kỳ vọng hợp lý cho con mình. Cần hiểu biết đặc trưng của lứa tuổi; thấu hiểu đặc điểm sở thích, khả năng của con; thấu hiểu sâu sắc về khoa học của việc học và chương trình học của nhà trường.

Cha mẹ cần hiểu rằng trẻ em sẽ không phát triển đồng đều các lĩnh vực một lúc và không phát triển giống nhau. Có bé sẽ hứng thú, có thể nói về khủng long cả ngày. Có bé lại rất thích xe hơi, nhìn thoáng qua là biết xe gì, logo của hãng ra sao; có bé lại rất quan tâm cây cối…

Kế tiếp, phụ huynh cần cho con học toàn diện, cân bằng. Trẻ cần được phát triển thể chất, bao gồm ở cả vận động thô, vận động tinh; phát triển tình cảm xã hội; phát triển ngôn ngữ; phát triển nhận thức, trí tuệ; phát triển thẩm mỹ, nghệ thuật.

Phụ huynh 'tuyệt vọng' vì cố mãi nhưng con không ham học- Ảnh 3.

Các phụ huynh cùng tiến sĩ Huyền trong buổi trò chuyện chủ đề “Học thế nào là đủ”

THÚY HẰNG

Tiến sĩ Huyền nhấn mạnh, không phải chỉ cho trẻ đến trường thì trẻ mới đang học. Ngay trong thời gian ở nhà, cùng với cha mẹ, người thân, với những kiến thức gần gũi ngay trong cuộc sống, con trẻ cũng nên được dạy nhiều điều bổ ích.

“Ví dụ như rèn thể chất không chỉ là cho con tập các môn thể thao. Có những việc cha mẹ cho con được rèn đôi tay – là vận động tinh, như khi cha mẹ nấu cơm thì con giúp cha mẹ nhặt rau, nhặt đậu, nặn bánh. Để trẻ được phát triển tình cảm xã hội thì cho con cái gặp gỡ những người thân, bạn bè trong độ tuổi của con để các con được giao tiếp, kết nối. Dạy trẻ về nhận thức thì ở nhà cha mẹ dạy cho con màu sắc, hình khối, so sánh cao thấp, đếm số, dạy học thông qua chơi. Cha mẹ nên nhớ rằng trong thực tế là cơ hội cho trẻ được học tốt nhất, học ở mọi lúc mọi nơi, học mà không hề áp lực“, tiến sĩ Huyền nói.

“Quan điểm của tôi là không cào bằng mọi đứa trẻ. Với những đứa trẻ thông minh, khả năng tiếp nhận tốt, trẻ có khả năng xuất chúng thì tại sao không cho con có cơ hội học được thật nhiều kiến thức hay rèn luyện mới”, tiến sĩ giáo dục học nêu quan điểm.

Buổi trao đổi của tiến sĩ Huyền diễn ra tại Trường tiểu học Việt Nhật – hệ thống Trường Pathway Tuệ Đức, Q.7, có sự tham gia của đông đảo phụ huynh, giáo viên. Nhiều câu hỏi về việc giáo dục con cái cũng được phụ huynh đặt ra cho tiến sĩ Huyền và được bà gợi mở, giải đáp.

Những điều cha mẹ nên làm

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền khuyên:

  • Cần dành thời gian có chất lượng cho con, 15 phút cũng được, nhưng hãy đặt điện thoại xuống, quan tâm trò chuyện cùng con.
  • Ở tiểu học sẽ không có bài tập về nhà nhưng nên hướng dẫn con lập kế hoạch và tự quản lý kế hoạch.
  • Làm gương về đọc sách và đọc sách cùng con. Đừng nên chỉ hô hào “Con, đọc sách đi”, nhưng chưa bao giờ cha mẹ cầm cuốn sách để đọc.
  • Làm gương về học tập, học tập cùng con. Phụ huynh không nên chỉ xem tivi, chơi game, điện thoại và thúc giục con “sao chưa ngồi vào bàn làm bài tập đi”. Có thể đều đặn mỗi tối, cả nhà sẽ cùng ngồi vào bàn. Con xem lại bài vở, đọc sách; cha mẹ làm việc, đọc sách.
  • Nên khen ngợi, khích lệ, tránh so sánh với con người khác.
  • Quản lý việc sử dụng thiết bị điện tử chặt chẽ qua việc đặt nguyên tắc khi sử dụng, lựa chọn chương trình xem cùng con, hạn chế trẻ dưới 2 tuổi được tiếp xúc thiết bị điện tử.
  • Cho con học qua trải nghiệm thực tế trong các hoạt động sống hàng ngày. Chính trong thời gian cho con đi chơi, cả nhà đi du lịch cùng nhau có thể dạy con nhiều điều bổ ích.


Bạn đang đọc Phụ huynh ‘tuyệt vọng’ vì cố mãi nhưng con không ham học tại website hungday.com