Phú Thọ: Tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong 3 tháng cuối năm

Tháng mười 21, 2024

Phú Thọ: Tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong 3 tháng cuối năm

(Xây dựng) – 9 tháng đầu năm 2024, các mục tiêu chỉ tiêu kinh tế – xã hội tỉnh Phú Thọ đề ra cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 9,56%, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,8%; công nghiệp, xây dựng tăng 16,8%; dịch vụ tăng 5,8%.

Phú Thọ: Tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong 3 tháng cuối năm
Khu công nghiệp Thụy Vân, Việt Trì.

Mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, đặc biệt là cơn bão số 3 và hoàn lưu bão ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân nhưng 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 34.442 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước đạt 21.142,9 tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng vốn, tăng 12,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 6.835 tỷ đồng, chiếm 19,8% tổng vốn, tăng 16,8%; vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước ước đạt 6.464,2 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng vốn, tăng 7,2% so với cùng kỳ…

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp quý III/2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 48,21% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, IIP tăng 38,65%, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 40,3%… IIP tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ sự đóng góp đáng kể của một số doanh nghiệp quy mô lớn mới đi vào hoạt động; sự ổn định trong sản xuất, mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng trong và ngoài nước của các doanh nghiệp cũng là các nhân tố quan trọng, thúc đẩy toàn ngành công nghiệp tăng trưởng.

Lĩnh vực dịch vụ – du lịch cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ nhờ các hoạt động kết nối giao thương giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển thương mại điện tử được đẩy mạnh; nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết du lịch được tổ chức, tạo sự hấp dẫn đối với du khách.

Trong 9 tháng qua, Phú Thọ đón 738.000 lượt khách lưu trú, tăng 20%, trong đó 8.300 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch ước đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ. Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút mới, bổ sung 19 dự án FDI, vốn đăng ký 70,1 triệu USD; 47 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 2.662 tỷ đồng; có 810 doanh nghiệp được thành lập mới, 250 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; kim ngạch xuất khẩu cũng đạt hơn 11.804 triệu USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ…

Ngoài ra, tỉnh đã quan tâm giải quyết tốt, hài hòa các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 14,5 nghìn người, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên 2.000 người.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2024 của tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu chủ yếu đảm bảo kế hoạch đề ra. Kinh tế phục hồi và phát triển ở hầu hết các lĩnh vực; công nghiệp, xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ; nông nghiệp, dịch vụ phát triển ổn định. Lĩnh vực quy hoạch, đất đai, chuyển đổi số được thúc đẩy tăng cường, các hoạt động văn hóa – xã hội có tiến bộ; chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, nâng cao niềm tin trong nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp, trở thành nhân tố quan trọng đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phú Thọ: Tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong 3 tháng cuối năm
Công nhân Công ty Cổ phần giấy Việt Trì vận hành dây chuyền mới đầu tư.

Định hướng trong 3 tháng cuối năm, cùng với triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3, khôi phục sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 143/NQ-CP, ngày 17/9/2024 của Chính phủ, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn; tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất.

Tỉnh đặc biệt quan tâm, chủ động nắm tình hình sản xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành hàng sản xuất giảm (chế biến thực phẩm, dệt, vật liệu xây dựng, kim loại đúc sẵn); hỗ trợ các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm hoàn thành, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy tối đa công suất. Quan tâm phát triển doanh nghiệp hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, phát triển thị trường xuất khẩu.

Tập trung chỉ đạo, có biện pháp linh hoạt, hiệu quả khôi phục sản xuất nông nghiệp; rà soát các công trình thủy lợi, đê điều, các dự án tái định cư vùng ngập úng, xử lý, khắc phục các điểm sụt, sạt, sụt lún… để ổn định đời sống nhân dân. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến cuối năm, huyện Phù Ninh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu (đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2024 là 141 xã, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).

Cùng với tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án dịch vụ, du lịch trọng điểm; phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng.

Song song với đó, tập trung triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch, đề án, kế hoạch ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, có giải pháp cụ thể cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2024. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Tăng cường xúc tiến đầu tư, đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục, triển khai đầu tư, sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Đặc biệt, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông, nhà ở, du lịch, khu, cụm công nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách Nhà nước. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, triển khai hiệu quả các chính sách miễn giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu trên tinh thần đẩy mạnh quyết tâm, nỗ lực “tăng tốc” về đích những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.