Quảng Bình khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới

Tháng mười 22, 2024

Quảng Bình khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới

(Xây dựng) – Tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại khu vực biên giới với các tỉnh Khăm Muồn; Sạ-vẳn-na-khệt (CHDCND Lào). Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới.

Quảng Bình khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới
Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo đã thu hút được nhiều dự án đầu tư về hạ tầng thương mại, dịch vụ.

Tỉnh Quảng Bình có đường biên giới đất liền tiếp giáp với 2 tỉnh Khăm Muồn và tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (CHDCND Lào), trên tuyến biên giới hiện có 1 cặp cửa khẩu quốc tế Chalo – Na Phàu và 1 cửa khẩu phụ Cà Roòng-Noọng Ma.

Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 137/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002, bao gồm 6 xã thuộc huyện Minh Hóa với tổng diện tích tự nhiên là 538 km2.

Cửa khẩu phụ Cà Roòng – Noọng Ma được khai trương vào ngày 18/4/2003, nằm trên tuyến tỉnh lộ 560 (Đường 20) phía Việt Nam bắt đầu từ nhánh Đông đường Hồ Chí Minh xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch chạy theo hướng Tây đi qua Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, cắt nhánh Tây đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu phụ Cà Roòng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) qua mốc 543 sang Lào.

Ở phía Lào bắt đầu từ mốc 543 đến bản Noọng Ma, huyện Bua La Pha (Khăm Muồn) chạy theo hướng Tây nối với tỉnh lộ 28 tại bản Lum Pu, huyện Bua La Pha (Khăm Muồn). Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 chợ biên giới gồm: Chợ Bắc Sơn, Chợ Thanh Lạng thuộc xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa; chợ Y Leng thuộc xã Dân Hóa huyện Minh Hóa.

Quảng Bình khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới
Khu vực cửa khẩu Cà Roòng-Nọong Ma phục vụ giao thương giữa người dân biên giới 2 nước Việt Nam – Lào.

Đáng chú ý, tại khu vực trong Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo đã thu hút được nhiều dự án đầu tư về hạ tầng thương mại, dịch vụ. Các dự án đầu tư đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm và thu ngân sách Nhà nước.

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, để đảm bảo hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại biên giới, trong những năm qua UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác xúc tiến đầu tư nhằm tận dụng nguồn vốn huy động xã hội hóa như kêu gọi hình thức hợp tác công tư; kêu gọi dự án của các nhà đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, một số cửa hàng bán lẻ cũng dần xuất hiện và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình lưu thông hàng hóa trên địa bàn vùng biên. Hạ tầng dịch vụ thương mại trong những năm gần đây được quan tâm đầu tư nên đã có nhiều cải thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của khu vực biên giới.

Theo Quyết định số 377/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, hệ thống hạ tầng thương mại biên giới tỉnh Quảng Bình có 10 chợ biên giới, trong đó xây mới 7 chợ và nâng cấp, cải tạo 3 chợ; có 5 Kho ngoại quan và 5 bãi trung chuyển hàng hóa được phân bổ chủ yếu ở Khu kinh tế Cha lo và khu vực xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.

Quảng Bình khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới
Phát triển hạ tầng thương mại biên giới đồng bộ phát triển hệ thống hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy thương mại biên giới phát triển.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành Kế hoạch số 1220/KH-UBND ngày 13/7/2021 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh hai bên biên giới; thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới.

Xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại biên giới bao gồm chợ biên giới, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm logicstic, kho hàng hóa, kho trung chuyển…theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển từng khu vực biên giới của tỉnh; Hình thành các trung tâm logistics đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa đến khu vực cửa khẩu xuất khẩu qua biên giới phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…

Để triển khai các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Quảng Bình để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ thương mại, nâng cấp đường giao thông, nhất là cho các khu vực cửa khẩu, biên giới, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh tại khu vực các cửa khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện miền núi có chung biên giới với các tỉnh của nước bạn Lào.