Quảng Ngãi: Hiện trạng núi Van Cà Vãi trước khi được đầu tư 14 tỷ chống sạt lở
Quảng Ngãi: Hiện trạng núi Van Cà Vãi trước khi được đầu tư 14 tỷ chống sạt lở
(Xây dựng) – Phương án khắc phục sạt lở lần thứ 2 tại núi Van Cà Vãi ở huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) khiến nhiều người lo lắng.
Hiện trạng núi Van Cà Vãi trước khi được đầu tư 14 tỷ chống sạt lở. |
Núi Van Cà Vãi thuộc tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng. Dưới chân núi có 5 hộ dân, với 24 nhân khẩu sống dọc tuyến đường ĐH77 nối Trung tâm Di Lăng với xã Sơn Bao. Mối nguy sạt lở tại đây được phát hiện từ năm 2013, đến năm 2020 chính quyền địa phương tổ chức di tản người dân, bố trí nơi ở tạm và cấp phát nhu yếu phẩm trong mùa mưa bão.
Giữa năm 2021, cơ quan chức năng của huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng rồi đề xuất phương án khắc phục khẩn sạt lở đất tại núi Van Cà Vãi. Không lâu sau, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án thi công khẩn cấp chống sạt lở tại núi Van Cà Vãi, với tổng giá trị quyết toán gần 3 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn tỉnh phân cấp còn lại chưa phân bổ.
Trong đó, khu vực triển khai dự án rộng gần 17.000m2. Thi công theo phương pháp sử dụng máy xúc để bạt và giật 7 cơ từ trên xuống dưới – từ ngoài vào trong, tổng khối lượng đất đào bóc là hơn 100.000m3. Góc dốc bờ taluy chống sạt lở 45 độ, đai bảo vệ tại từng tầng rộng 2m.
Dự án hoàn thành vào tháng 10/2022, tổ chức bàn giao cho UBND thị trấn Di Lăng quản lý, sử dụng vào tháng 12/2023.
Thời điểm đó, đây được cho là giải pháp khắc phục sạt lở tức thời và “vừa túi tiền” với địa phương. Tuy nhiên, hiện tượng sạt lở sau đó lại tiếp tục xảy ra trên các cơ đã giật.
Dự án hoàn thành và bàn giao, nhưng những hộ dân dưới chân núi vẫn ở đó và tiếp tục đối mặt với mối nguy bị vùi lấp do sạt lở. Vào mùa mưa, những hộ này phải tiếp tục hành trình di tản để đảm bảo an toàn.
Cuối năm 2023, huyện Sơn Hà tiếp tục kêu gọi nguồn lực để lần thứ 2 khắc phục tình trạng sạt lở đất tại núi Van Cà Vãi.
Mục tiêu tối thượng là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho 5 hộ dân dưới chân núi.
Tình thế cấp bách, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã thị sát hiện trường và chỉ đạo huyện Sơn Hà đưa ra giải pháp căn cơ để sớm ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trong đó, phương án tỉnh phân khai nguồn lực Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 để huyện chủ động xây dựng phương án cụ thể được đưa ra.
Giải pháp xây dựng khu tái định cư phía đối diện để di dời toàn bộ các hộ dân, đồng thời yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà khẩn trương di dời trụ điện 110Kv trên đỉnh núi để đảm bảo an toàn đã được tính tới, sau khi nghiên cứu các quy định, quy hoạch có liên quan.
Tuy nhiên, do tính chất nguồn vốn, cũng như gặp khó trong việc thuyết phục chủ sở hữu di dời trụ điện và yêu cầu chống sạt lở, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà đã ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư.
Phương án được đưa ra là không di dời các hộ dân dưới chân núi, tiến hành bạt sâu vào núi để giật cơ lên sát móng trụ điện, hình thành rãnh đỉnh thoát nước trên mặt cơ – cơ hiện trạng, dốc nước liên thông các cơ xuống rọ đá gia cố dưới chân cơ 1. Bề mặt các cơ không được gia cố bằng các giải kỹ thuật, chống xói và khoan rút nuớc ngầm.
Liên danh Công ty TNHH Thương mại xây dựng Minh Quân – Công ty TNHH Thành Nghĩa được chọn để chỉ định thi công công trình. Công ty Cổ phần Xây dựng Đầu tư thương mại Phú Bình là nhà thầu tư vấn giám sát, Công ty TNHH MTV Tư vấn và Xây dựng Thiên Hoàng tư vấn thiết kế. Dự án được khởi công vào ngày 15/7 và tổ chức thi công trong 108 ngày (hoàn thành trước 31/10).