Quảng Ninh: Chi hơn 2.800 tỷ đồng cho công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2023
Quảng Ninh: Chi hơn 2.800 tỷ đồng cho công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2023
(Xây dựng) – Do đặc điểm địa hình là tỉnh ven biển, nhiều đồi núi nên Quảng Ninh chịu nhiều ảnh hưởng bởi hầu hết các loại hình thiên tai, trong đó nhiều nhất là bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Vì vậy, công tác phòng chống thiên tai luôn được tỉnh thực hiện nghiêm túc những năm qua.
Tuyến đê Hà Nam (thị xã Quảng Yên) đạt tiêu chuẩn đê cấp III, có khả năng chống được bão cấp 10, tần suất triều cường 5%. Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư cải tạo, cứng hóa chiều dài toàn bộ tuyến đê, nâng cấp toàn tuyến với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. (Ảnh: Nguyễn Thanh/QMG) |
Hằng năm, ngay từ đầu mùa mưa bão, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT), với mục tiêu không để thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân. Công tác PCTT được tỉnh Quảng Ninh tổ chức toàn diện đối với tất cả các loại hình thiên tai và được triển khai theo 3 bước cơ bản, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của tỉnh được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, tập trung và theo đúng quy định của pháp luật.
Tỉnh luôn bám sát các quy định pháp luật; kiện toàn phân công nhiệm vụ Ban chỉ huy PCTT-TKCN và văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp; xây dựng chặt chẽ các kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch PCTT năm 2024. Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 177 đội xung kích PCTT tại 177 đơn vị cấp xã và được diễn tập hàng năm về PCTT và TKCN. Song song với việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, tỉnh cũng ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với thiên tai một cách kịp thời, cụ thể tới các địa phương.
Tuyến đê biển Quảng Minh (huyện Hải Hà) hiện được đầu tư nâng cấp mặt đê với mức đầu tư hơn 14,9 tỷ đồng (thuộc dự án FMCR – hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển, tỉnh Quảng Ninh). (Ảnh: Hữu Việt/QMG) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh, duy trì công tác trực ban, thông báo tình hình thời tiết, thiên tai, cũng như kịp thời tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo, điều hành phòng chống và ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai.
Cùng với đó, các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện tham gia PCTT và thực hiện cứu nạn, cứu hộ, phát các bản tin trong các cơn bão hướng dẫn các ngư dân, tàu thuyền, lồng bè biết, về nơi trú tránh an toàn.
Trong các tình huống thiên tai xảy ra, tỉnh Quảng Ninh đều thành lập các Đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm Trưởng đoàn để tiếp cận địa bàn bị ảnh hưởng thiệt hại do thiên tai, kiểm tra và chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ công tác phòng chống, ứng phó. Trong đó, chú trọng công tác sơ tán, đảm bảo an toàn nhân dân tại các vùng xung yếu, vùng trũng thấp ven sông, ven biển và chân các bãi thải mỏ, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở.
Tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và phương án bảo vệ các vùng trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2020; chỉ đạo các địa phương, đơn vị, tổ chức rà soát, cập nhật xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro của thiên tai. Các địa phương trong tỉnh cũng luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm.
Bãi thải mỏ Đông Cao Sơn – Tập đoàn TKV, dừng hoạt động đổ thải từ năm 2015 và đã trồng cây hoàn nguyên, xây dựng các đập chắn đất, đá sạt trượt tại chân bãi thải. (Ảnh: QMG) |
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai như: Nâng cấp hệ thống đê điều; hệ thống cảng neo đậu tàu thuyền; hệ thống hạ tầng cho địa phương, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước do thiên tai gây ra. Tỉnh chỉ đạo các địa phương và các cơ quan đơn vị chú trọng công tác đầu tư phòng thủ dân sự, nâng cao nhận thức cho người dân. Tỉnh đã có đề án di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.
Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh kiên cố hóa trên 248km kênh mương, nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa lên đến gần 1.890km; trong đó, hệ thống kênh chính và kênh cấp I của các công trình cơ bản đã được kiên cố hóa. Trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình được đánh giá hiện trạng công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đặc biệt, tỉnh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống trạm quan trắc mưa tự động tại một số địa phương để quan trắc, cảnh báo mưa lũ.
Tỉnh Quảng Ninh còn phê duyệt phương án vùng trọng điểm PCTT trên địa bàn, gồm vùng đê Hà Nam (Quảng Yên); dân cư sạt lở vùng lũ quét; vùng dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng đê tả sông Kinh Thầy (Đông Triều); vùng hồ chứa nước Yên Lập (thành phố Hạ Long), để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện phương án ngay trước mùa mưa bão.
Đoàn công tác Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh kiểm tra tại hồ sinh học kiêm hồ sự cố của Trạm xử lý nước thải của Khu công nghiệp Sông Khoai, trên địa bàn thị xã Quảng Yên. (Ảnh: QMG) |
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 66 vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi để tàu thuyền neo đậu tránh trú với diện tích khoảng 16,1km2, trong đó có 4 khu neo đậu tránh trú bão đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đủ điều kiện hoạt động để tàu thuyền về tránh trú khi có tình huống thiên tai xảy ra. Bao gồm: Khu neo đậu Tiến Tới (huyện Hải Hà), khu neo đậu Cẩm Thủy (thành phố Cẩm Phả), khu neo đậu Vụng Sú Thoi Dây (huyện Đầm Hà), khu neo đậu Tiên Yên (huyện Tiên Yên).
Bên cạnh đó, đã có 4/5 đập, hồ chứa thủy lợi có cửa van điều tiết lũ, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành và 14/16 đập, hồ chứa thủy lợi đã được lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn hạ du.
Giai đoạn 2021-2023, trên 2.800 tỷ đồng đã được chi cho công tác PCTT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, về phía tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 156 nhiệm vụ, dự án để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình lưỡng dụng và các nhiệm vụ PCTT với tổng kinh phí trên 1.895 tỷ đồng từ sự hỗ trợ của Trung ương và việc triển khai các giải pháp lồng ghép, kết hợp đa mục tiêu từ nguồn vốn thực hiện với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.
Trong đó, ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh Quảng Ninh triển khai 17 nhiệm vụ, dự án (3 dự án xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước, 3 dự án khu neo đậu tránh trú bão, 11 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu, 3 dự án duy tu bảo dưỡng đê, 2 dự án trồng, chăm sóc bảo vệ rừng…) với tổng kinh phí 1.636 tỷ đồng. Quỹ PCTT tỉnh triển khai thực hiện 39 nhiệm vụ, dự án, tập trung vào việc khắc phục, sửa chữa một số công trình hư hỏng do mưa lũ trên địa bàn tỉnh, triển khai các lớp tập huấn phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai với tổng kinh phí trên 59 tỷ đồng. Nguồn ngân sách cấp huyện, xã triển khai thực hiện trên 100 nhiệm vụ, dự án với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng.
Hồ chứa nước Yên Lập tại phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với dung tích 127,5 triệu m3, cấp nước tưới cho 8.320ha đất canh tác nông nghiệp, cung cấp nước ngọt cho 1.500ha nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp với công suất 33,5 triệu m3/năm cho thị xã Quảng Yên, thị xã Uông Bí, thành phố Hạ Long. (Ảnh: Cường Nguyễn) |
Đối với đê Hà Nam (khu vực Hà Nam – thị xã Quảng Yên) là tuyến đê cấp III duy nhất của tỉnh dài gần 34km, có vai trò trọng yếu, bảo vệ toàn bộ 8 xã đảo Hà Nam với gần 60.000 người dân sinh sống, hơn 5.000ha đất nông nghiệp, được tỉnh Quảng Ninh xác định là trọng điểm số 1 trong công tác phòng, chống thiên tai hằng năm của tỉnh.
Năm 2020, tỉnh đã đầu tư cải tạo, cứng hóa chiều dài toàn bộ tuyến đê, nâng cấp toàn tuyến nâng cấp toàn tuyến với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Hiện tuyến đê Hà Nam có thể chịu gió bão cấp 10, cộng thủy triều 5%. Cùng với tuyến đê Hà Nam, hiện hệ thống đê của tỉnh Quảng Ninh có thể chịu được sóng gió cấp 9, kết hợp thủy triều 10%.
Công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập đang kiểm tra mức độ an toàn vị trí gần tràn xả lũ hồ Yên Lập. Công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình luôn được đảm bảo an toàn tuyệt đối, chưa năm nào công trình phải ngừng hoạt động do mất an toàn. (Ảnh: Phạm Tăng/QMG) |
Tỉnh Quảng Ninh có 7 đô thị với nhiều công trình trọng điểm đang xây dựng, trong đó có rất nhiều công trình dân sinh được xây dựng trên sườn đồi và chân đồi – là nơi nguy cơ cao xảy ra sạt trượt đất khi có mưa bão. Triển khai kế hoạch thực hiện công tác PCTT trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Sở Xây dựng Quảng Ninh đều có văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các địa phương chủ động rà soát, kịp thời phát hiện và khắc phục các vị trí có nguy cơ sạt lở trên địa bàn; nạo vét khơi thông dòng chảy các hệ thống thoát nước hiện trạng và nâng cấp nếu cần.
Đối với các công trình xây dựng, nhất là công trình dân dụng, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình dạng tháp, công trình đang thi công xây dựng… Sở Xây dựng kiểm tra trong quá trình thi công để có phương án phòng chống, ứng phó thiên tai. Cùng với đó, thận trọng xem xét kỹ lưỡng công tác cấp phép xây dựng đối với các dự án gần đồi, kè chắn có tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, công trình PCTT đã và đang phát huy hiệu quả trong phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, với tình hình thiên tai ngày càng biến đổi và không theo quy luật, trong khi đó, lực lượng làm công tác PCTT và TKCN của tỉnh còn mỏng mang tính chất kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống đê điều tuy đã được nâng cấp nhưng đa phần chỉ chịu được gió bão cấp 9 kết hợp triều cường mức trung bình, nếu gặp bão trên cấp 10 thì nguy cơ mất an toàn rất lớn. Vì vậy, cần sớm có chủ trương cho phép triển khai xây dựng thực hiện Đề án Nâng cao an toàn hệ thống đê điều tỉnh Quảng Ninh, nhằm tích cực và chủ động trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, từ đó giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com