Quảng Ninh: Quản lý chặt khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Tháng mười 31, 2024

Quảng Ninh: Quản lý chặt khoáng sản làm vật liệu xây dựng

(Xây dựng) – Quảng Ninh là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú làm vật liệu xây dựng với các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh có trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Từ nhiều năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác quản lý nhằm đảm bảo cho khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên này.

Quảng Ninh: Quản lý chặt khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra khu vực mỏ sét phục vụ sản xuất gạch trên địa bàn thị xã Đông Triều.

Tỉnh Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều loại đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao như: Than, cao lanh tấn mài, đất sét, cát thủy tinh, đá vôi… Bên cạnh tài nguyên than thì các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh… ở đây cũng có trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp trong tỉnh, như: Các mỏ đá vôi ở hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả; các mỏ cao lanh ở các huyện miền núi Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, thành phố Móng Cái; các mỏ đất sét phân bố tập trung ở thị xã Đông Triều và thành phố Hạ Long là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) như gạch, ngói cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh có 20 mỏ sét cung cấp nguyên liệu cho sản xuất gạch, ngói, trong đó tập trung nhiều nhất trên địa bàn thị xã Đông Triều với 5 mỏ (Bình Việt, Bình Khê, Tràng An, Kim Sen, Hoàng Quế,); thành phố Uông Bí có 2 mỏ (Bãi Dài, Thượng Yên Công); thị xã Quảng Yên có 1 mỏ; thành phố Hạ Long có 4 mỏ (Bắc Sông Trới, Thống Nhất, Xích Thổ, Giếng Đáy); thành phố Cẩm Phả có 1 mỏ (mỏ sét Hà Chanh xã Cộng Hòa hiện đã dừng khai thác); huyện Tiên Yên có 1 mỏ (Đông Hải); huyện Bình Liêu có 1 mỏ (Đồng Tâm); huyện Ba Chẽ có 1 mỏ (Nam Sơn); huyện Đầm Hà có 2 mỏ (Tân Bình, Quảng Tân); huyện Hải Hà có 2 mỏ (Quảng Phong, Quảng Minh).

Các mỏ đá xây dựng phân bổ chủ yếu ở khu vực miền Tây của tỉnh Quảng Ninh với 5 mỏ đá lớn, gồm: Mỏ đá Đông Triều, mỏ đá vôi Uông Bí, mỏ đá vôi Hoành Bồ (thành phố Hạ Long), mỏ đá vôi Quang Hanh, mỏ đá vôi Cẩm Phả (thành phố Cẩm Phả).

Với quan điểm tài nguyên khoáng sản không phải là tài sản vô hạn, chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng vai trò quản lý của địa phương về vấn đề khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD hiệu quả, tiết kiệm đảm bảo cho khai thác, sử dụng bền vững, bảo vệ môi trường. Điều này sẽ góp phần giúp cho Quảng Ninh có thêm những bước phát triển mới trong hành trình chuyển đổi “từ nâu sang xanh”.

Theo đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên chỉ đạo, tổ chức quản lý chặt chẽ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, thực hiện cấp phép hoạt động thăm dò, quy hoạch, đấu giá, cấp phép khai thác, vận chuyển khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. Trong đó, các địa phương có các mỏ khoáng sản làm VLXD tăng cường công tác quản lý chặt chẽ, không để khai thác đối với các mỏ hết giấy phép khai thác, đang trong thời gian xin chủ trương gia hạn khai thác hoặc đóng cửa mỏ; không cho khai thác đối với các đơn vị chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, quản lý việc khai thác đảm bảo khai thác theo đúng thiết kế và ranh giới mỏ được giao.

Quan điểm nhất quán của tỉnh Quảng Ninh là kiên quyết không gia hạn đối với các mỏ còn trữ lượng nhưng hoạt động khai thác có tác động xấu đến môi trường, khu vực dân cư, không phù hợp với định hướng quy hoạch. Đối với các mỏ hết giấy phép khai thác mà vẫn còn trữ lượng, nhưng có phạm vi hoạt động, tác động ảnh hưởng không lớn đến môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đời sống dân cư quanh khu vực mỏ thì sẽ xem xét việc gia hạn.

Quảng Ninh: Quản lý chặt khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Công nghiệp sản xuất gạch trên địa bàn thị xã Đông Triều từ lâu đã là ngành sản xuất mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng không nhỏ vào tổng giá trị sản xuất của thị xã. Mỗi năm, các nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn cung cấp ra thị trường khoảng 900 triệu viên/năm.

Khi Luật Khoáng sản năm 2010 ban hành, kèm các nghị định hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 23 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khoáng sản và các văn bản chỉ đạo, điều hành trong quản lý Nhà nước về khoáng sản làm VLXD phù hợp với Luật Khoáng sản và điều kiện thực tế của địa phương. Các văn bản được tỉnh ban hành cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về tính đồng bộ, kịp thời và phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện; tạo hành lang pháp lý và góp phần nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên – môi trường trên địa bàn tỉnh.

Ngày 13/7/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có Nghị quyết số 119/2018/NQ-HĐND về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm: Các khoáng sản làm VLXD thông thường: Sét gạch ngói, đá vôi và đá xây dựng khác, cát, cuội, sỏi xây dựng và cát làm vật liệu san lấp; Khoáng sản ở khu vực phân tán, nhỏ lẻ theo quy định.

Theo đó, quy hoạch khai thác khoáng sản, trong giai đoạn 2018-2020 tỉnh Quảng Ninh sẽ khai thác 91 khu vực, gồm: 51 khu vực sét gạch ngói; 23 khu vực đá xây dựng; 06 khu vực cát xây dựng; 05 khu vực cát san lấp, tôn tạo các bãi tắm; 06 khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; Giai đoạn 2021-2030 sẽ khai thác 78 khu vực, gồm: 48 khu vực sét gạch ngói; 17 khu vực đá xây dựng; 03 khu vực cát xây dựng; 04 khu vực cát san lấp, tôn tạo các bãi tắm; 06 khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.

Đối với lộ trình chấm dứt khai thác để cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ khoáng sản làm VLXD: Giai đoạn 2018-2020: Lộ trình chấm dứt khai thác để cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ 13 khu vực, gồm: 03 khu vực sét gạch ngói, 06 khu vực đá xây dựng, 03 khu vực cát xây dựng, 01 khu vực cát san lấp với tổng diện tích 194,2ha; Giai đoạn 2021-2025: Lộ trình chấm dứt khai thác để cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ 40 khu vực, gồm: 15 khu vực sét gạch ngói, 17 khu vực đá xây dựng, 03 khu vực cát xây dựng, 01 khu vực cát san lấp, 02 khu vực pyrophylit, 02 khu vực antimon với tổng diện tích 578,3ha; Giai đoạn 2026-2030: Lộ trình chấm dứt khai thác để cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ 24 khu vực, gồm: 19 khu vực sét gạch ngói, 03 khu vực cát san lấp, 01 khu vực pyrophylit, 01 khu vực than đá; với tổng diện tích 564,3ha.

Nhằm quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD, đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả, đảm bảo vấn đề môi trường, tỉnh Quảng Ninh đề ra các chủ trương, giải pháp cụ thể. Theo đó, đối với sét gạch ngói: Hình thành cụm sản xuất sản phẩm đất sét nung tập trung tại khu vực Hạ Long – Hoành Bồ và Đông Triều. Gắn các khu khai thác, chế biến sử dụng làm nguyên liệu liền với nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn. Sử dụng tối đa sét ở khu vực miền Tây của tỉnh để sản xuất các sản phẩm mỏng có thương hiệu, giá trị cao và lợi thế cạnh tranh, đồng thời tiến tới chấm dứt sử dụng để sản xuất gạch nung. Gạch nung chuyển sang sử dụng sét chất lượng thấp, đá xít than, đất đồi với công nghệ bán dẻo.

Chuyển một lượng sét khai thác từ Hoành Bồ, Ba Chẽ cho các nhà máy sản xuất tại khu vực Hạ Long và nghiên cứu kế hoạch dịch chuyển một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tới các huyện miền Đông cho các giai đoạn sau góp phần gắn liền với vùng nguyên liệu. Ưu tiên các mỏ sét chất lượng tốt để chế biến làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất sản phẩm chất lượng cao; không cấp mỏ để khai thác đối với các doanh nghiệp không có nhà máy sản xuất ra sản phẩm.

Đối với đá xây dựng: Tăng cường công tác thăm dò khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh và ưu tiên các dự án thăm dò và khai thác đá ryolit, đá cát kết làm VLXD ở khu vực miền Đông của tỉnh; sắp xếp lại những cơ sở khai thác hiện có với quy mô, công suất, công nghệ khai thác phù hợp đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian tới.

Đối với cát, cuội, sỏi xây dựng: Triển khai thăm dò, khai thác cát cuội sỏi tại các sông trên khu vực miền Đông của tỉnh (sông Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hà Cối, Tài Chi) để phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Khuyến khích việc thăm dò khai thác, sử dụng khoáng sản không truyền thống để sản xuất cát xây dựng nhằm giải quyết nguồn thiếu hụt cát xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Tận dụng nguồn đá vụn trong chế biến đá xây dựng (ryolit, cát kết); sử dụng cuội sỏi ở khu vực miền Đông để nghiền làm cát xây dựng; Tận dụng nguồn đá cát kết, cuội kết trong đá thải các mỏ than để nghiền, sàng, rửa thành cát xây dựng.

Quảng Ninh: Quản lý chặt khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Lãnh đạo thị xã Đông Triều thăm và kiểm tra hoạt động sản xuất gạch tại một doanh nghiệp trên địa bàn. (Ảnh: Bảo Thắng)

Đồng thời, duy trì, cải tạo nâng công suất khai thác để khai thác hết trữ lượng tại các khu vực đã cấp phép khai thác. Khuyến khích đầu tư thăm dò, khai thác xuống sâu (sét đồi và đá vôi) dưới mức khai thác hiện tại để khai thác triệt để khoáng sản, sử dụng cơ sở hạ tầng đã có và chuẩn bị trữ lượng cho khai thác giai đoạn 2021-2030. Kiểm kê trữ lượng còn lại ở các khu vực, điểm mỏ đang khai thác để xem xét điều chỉnh công suất và giới hạn khai thác theo hướng tập trung, tận dụng tài nguyên, hạn chế phát triển khai thác theo chiều rộng, nhỏ lẻ, phân tán.

Cùng với đó, khai thác, thu hồi triệt để nguồn khoáng sản từ các khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình. Tận dụng đất đá thải mỏ, cát từ nạo vét luồng lạch (sau khi đã thu hồi cát trắng silic nếu có) làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình hạ tầng giao thông, đô thị.

Từ những quy hoạch được phê duyệt, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện cấp 24 giấy phép thăm dò khoáng sản cho 29 điểm mỏ; cấp 37 giấy phép khai thác khoáng sản (cấp mới 27 giấy phép, gia hạn 8 giấy phép, chuyển nhượng quyền khai thác 2 giấy phép).

Qua đánh giá của ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD, hầu hết các đơn vị được cấp phép đã tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan, tuân thủ các nội dung quy định trong giấy phép khai thác được cấp và các quy định của pháp luật; tuân thủ đúng công suất, thiết kế khai thác.

Hầu hết, các đơn vị được cấp giấy phép khai thác đều sử dụng công nghệ khai thác gắn với chế biến và sử dụng khoáng sản, như: Khai thác đá vôi được nghiền sàng ra các chủng loại đá phục vụ nhu cầu xây dựng; khai thác đất sét gắn liền với các nhà máy gạch ngói, thực hiện hoán đổi đất sét các nhà máy để sử dụng tiết kiệm, hợp lý, nâng cao hiệu quả.

Hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tạo ra nhiều việc làm mỗi năm và đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tính riêng từ năm 2019 đến tháng 7/2024, hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD đã thu nộp vào ngân sách Nhà nước gần 500 tỷ đồng thuế, phí các loại. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản trên 176 tỷ đồng, thuế tài nguyên gần 162 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường gần 87 tỷ đồng, tiền thuê đất trên 73 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành 19 quyết định đóng cửa mỏ (12 quyết định đóng cửa mỏ đá làm VLXD thông thường, 4 quyết định đóng cửa mỏ đất sét làm gạch ngói, 3 quyết định đóng cửa mỏ cát làm VLXD thông thường) và đang thẩm định nhiều hồ sơ tiếp tục đóng các cửa mỏ khai thác khoáng sản khác.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương siết chặt công tác rà soát, quản lý chặt chẽ các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD trên địa bàn, đảm bảo các đơn vị hoạt động theo đúng giấy phép và các quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.