Queen of the night qua – cảm nhận của một lỗ tai “trâu”

Tháng năm 31, 2024

Lời mở đầu

Tôi chưa, không và sẽ không bao giờ là một người có đủ trình độ về âm nhạc. Opera với tôi cũng chẳng khác hát Xoan hay hát Xẩm là bao. Tất cả những dòng nhạc này tôi đều đã biết đến từ lâu, đều biết chúng rất nổi tiếng nhưng tôi thực sự chẳng biết chúng là cái quái gì cả. Có thể là do lỗ tai của tôi “trâu” thật.

Queens of the night và hơn thế nữa

Queen of the night là một hồi trong vở Opera huyền thoại “The magic Flute” (Cây sáo ma thuật) của nhạc sĩ thiên tài Mozart dành cho giọng nữ cao (soprano). Có thể nói đây là một trong những trích đoạn opera nổi tiếng nhất và cũng thuộc hàng “khó nhằn” nhất từng được viết ra.
Bởi vì yêu cầu cao về kĩ thuật, không phải bất cứ ai có giọng nữ cao cũng có thể thể hiện được tròn trĩnh trích đoạn Queen of the night. Bên cạnh âm sắc, kĩ thuật, cá tính – sự nhập tâm và diễn biến kịch nghệ cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá tổng quan sự thành công của màn biểu diễn. Do đó mới nảy ra vấn đề queens thay vì queen.
Tôi có một sự tự tin cao độ khi tuyên bố rằng, bất cứ ai biết đến Queen of the Night qua youtube sẽ đều biến đến màn hóa thân của Diana Damrau trong vai trò này. Có một điểm quan trọng khiến màn hóa thân của Diana Damrau được đánh giá là hoàn hảo nhất trong vai trò này chính là sự cân bằng, phụ trợ hoàn hảo giữa hai thành phố: ca hát và diễn xuất. Việc “chạy” những nốt cao không ngừng nghỉ có thể dẫn tới việc “vỡ” vai, tạo ra những khẩu hình và tư thế vô cùng xấu, không toát lên được sự đáng sợ và phong thái cần thiết của một nữ hoàng bóng đêm đang giận dữ, tung ra một lời nguyền tàn nhẫn cay độc. Thế nhưng màn thể hiện hoành tráng này đã thực sự “hoàn hảo”?
Internet đã đặt ra câu hỏi và tranh luận vấn đề này rất lâu trước khi tôi biết đến.
Trong đường dẫn phía trên có tổng cộng mười ba màn hóa thân nhân vật Queen of the Night. Bằng lỗ tai “trâu” của mình, tôi đã nhận ra rằng màn hóa thân hoàn hảo đích thực của nữ hoàng bóng đêm chưa thực sự xuất hiện.
Bản ghi âm năm 1969 của Lucia Popp quả thực khiến tôi nổi da gà. Khi chạm đến chuỗi F5 then chốt của trích đoạn Queen of the Night, Lucia Popp đã tạo ra những âm thanh trong trẻo, chậm rãi, khoan thai giống như tiếng hót êm dịu của loài chim. Và tôi phải nhắc lại một lần nữa, đó là bản ghi âm năm 1969 khi công nghệ ghi âm chắc chắn cách rất xa với công nghệ ngày nay. Nếu chỉ nói thuần túy về kĩ thuật và âm thanh, Lucia Popp theo đánh giá của tôi nhỉnh hơn Diana Damrau. Tuy nhiên về mặt nhập vai, hóa thân vào tinh thần của nhân vật, bản thu âm năm 1969 của Lucia Popp giống như một tiếng chim non lọt giữa một thành phố nhộn nhịp vừa thức giấc, không có sự ăn khớp.
Màn hóa thân của Cristina Deutekom vào vai diễn nữ hoàng bóng đêm có thể sẽ không tạo quá nhiều ấn tượng về phần nhìn, nhưng về phần kĩ thuật hát, đặc biệt từ 2:06 đến 2:13 đã khiến nữ danh ca người Hà Lan tạo ra được một tượng đài vĩ đại, gây ấn tượng mạnh mẽ với tất cả mọi người.
Bên cạnh những cái tên xuất sắc khác Sumi Jo, Edda Moser hay Luciana Serra,… cá nhân tôi muốn vinh danh một cái tên: Patricia Petibon. Điểm mạnh của màn thể hiện này nằm ở vài điểm sau. Điểm thứ nhất chính là sự rõ ràng. Dù là một người tiếng Đức bẻ đôi cũng không biết, giọng hát của Patricia Petibon đem đến cho đôi tai “trâu” của tôi từng âm thanh rất rõ ràng, đầy đủ cung bậc cảm xúc cần thiết để thể hiện tinh thần của vai diễn. Với đoạn chạy nốt F5, Patricia Petibon lựa chọn phong cách khá tương đồng với Lucia Popp – thanh cao, trong trẻo và rõ ràng. Hai yếu tố kể trên tạo ra một khúc opera rất thỏa mãn, gây nghiện về phần nghe. Tuy nhiên opera là môn nghệ thuật sân khấu – nơi kĩ năng diễn xuất, từng biểu cảm trên khuôn mặt đều đáng giá. Về điểm này, cuối cùng vẫn không có ai xuất sắc hơn Diana Damrau cả.

Kết

Vậy là lời xàm xí của một thanh niên “lỗ tai trâu” cũng đã hết. Chúc mọi người nghe nhạc vui vẻ.