Quốc hội họp cho ý kiến dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Quốc hội họp cho ý kiến dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
(Xây dựng) – Ngày 25/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Quang cảnh Phiên họp ngày 24/10. (Ảnh: Quốc hội) |
Theo đó, vào buổi sáng 25/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Sau đó, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; sau đó, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Trước đó, ngày 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 25 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 01 lượt ý kiến đại biểu tranh luận, trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Hệ thống tổ chức, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam; quyền giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn; hợp tác quốc tế về Công đoàn; quản lý, sử dụng, khai thác tài sản Công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn; vấn đề biên chế của Công đoàn; những hành vi bị nghiêm cấm; thời gian làm việc của Công đoàn cơ sở; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên Công đoàn và người lao động; phát triển đoàn viên Công đoàn, Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; bảo đảm về tổ chức bộ máy, cán bộ Công đoàn, điều kiện hoạt động của Công đoàn, cán bộ Công đoàn; quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính Công đoàn; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức, của người lao động tại doanh nghiệp; về gia nhập Công đoàn và hoạt động tại Công đoàn của người nước ngoài; miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn; quyền của đoàn viên Công đoàn…