Quy định về ủy quyền cho cấp huyện định giá hàng hóa

Tháng mười 29, 2024

Quy định về ủy quyền cho cấp huyện định giá hàng hóa

(Xây dựng) – Tại Luật Giá 2023 và Nghị định số 85/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan trong triển khai công tác quản lý Nhà nước về giá (các cấp Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh) cũng như nguyên tắc chung trong việc phân công nhiệm vụ tham mưu cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính cấp dưới.

Quy định về ủy quyền cho cấp huyện định giá hàng hóa
Ảnh minh họa.

Ông Hồ Minh Hiếu (Bắc Giang) hỏi, việc UBND cấp tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện định giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, có hợp pháp hay không?

Theo ông Hiếu tham khảo Khoản 1 Điều 16 Luật Giá số 16/2023/QH15, UBND cấp tỉnh là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá tại địa phương theo quy định của pháp luật; có thẩm quyền quyết định, phân công nhiệm vụ đối với từng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo ngành, lĩnh vực, cơ quan hành chính cấp dưới tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá quy định tại Điều này.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Về quy định liên quan đến phân quyền, phân cấp, ủy quyền tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Tại Điều 12 quy định về nguyên tắc trong việc phân quyền: “Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan Nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác”.

Tại Điều 13 quy định về nguyên tắc trong phân cấp cho chính quyền địa phương:

“1. Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Luật này và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước phân cấp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước phân cấp và cơ quan Nhà nước được phân cấp.

3. Cơ quan Nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới phải bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.

4. Cơ quan Nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan Nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan Nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan Nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước đã phân cấp”.

Tại Điều 14 quy định về nguyên tắc trong việc ủy quyền tại địa phương:

“Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp, UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản.

Việc ủy quyền quy định tại Khoản 1 Điều này phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền…”.

Tại Luật Giá 2023 và Nghị định số 85/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan trong triển khai công tác quản lý Nhà nước về giá (các cấp Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh) cũng như nguyên tắc chung trong việc phân công nhiệm vụ tham mưu cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính cấp dưới; không có điều, khoản quy định về việc phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý Nhà nước về định giá hàng hóa, dịch vụ.

Theo đó, trong trường hợp pháp luật chuyên ngành không có quy định thì việc thực hiện phân cấp, ủy quyền sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan (nếu có), trong đó đối với việc phân cấp, ủy quyền tại địa phương sẽ thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, UBND cấp tỉnh cần rà soát các quy định hiện hành về phân cấp, ủy quyền tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các điều kiện về nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác (như các quy định pháp lý về trình tự, thủ tục thực hiện định giá tại Nghị định số 85/2024/NĐ-CP) để bảo đảm hiệu quả trong công tác triển khai biện pháp định giá phù hợp với các quy định hiện hành.

Trường hợp cần thiết, đề nghị xin thêm ý kiến của Bộ Nội vụ liên quan đến các quy định về phân cấp, ủy quyền tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.