Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040: Hướng tới đô thị di sản – xanh và sáng tạo
Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040: Hướng tới đô thị di sản – xanh và sáng tạo
(Xây dựng) – Ngày 1/11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định. |
Cần thiết điều chỉnh quy hoạch chung
Theo nội dung của dự thảo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch chung bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn, xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh, xã Sơn Hà thuộc huyện Nho Quan, xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; một phần ranh giới các xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn, phường Tân Bình và xã Yên Sơn thuộc thành phố Tam Điệp, xã Sơn Lai và xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan.
Trong đó, quy mô lập quy hoạch khoảng 23.242ha. Thời hạn lập điều chỉnh Quy hoạch được chia thành 2 giai đoạn: Quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, quy hoạch dài hạn đến năm 2040.
Về lý do và sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch chung, quá trình triển khai Quy hoạch chung năm 2014 và Quy hoạch quần thể danh thắng Tràng An năm 2016 cần được rà soát và điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển thực tế. Sự thay đổi trong quy định về tiêu chí đô thị loại I và các quy chuẩn quy hoạch xây dựng đã ảnh hưởng đến các kế hoạch hiện tại. Thực tế phát triển của các dự án, cùng với các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu và dự án đầu tư hạ tầng, đã đưa ra nhiều đề xuất mới so với định hướng ban đầu.
Bên cạnh đó, bối cảnh phát triển mới của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là kế hoạch hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư (thành phố Hoa Lư) thành đô thị Di sản thiên niên kỷ, đã đặt ra nhiều thách thức mới, trong đó có việc Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hệ thống quy định pháp luật cũng đã có nhiều thay đổi, yêu cầu các nội dung quy hoạch phải được điều chỉnh cho phù hợp.
Việc điều chỉnh quy hoạch là rất cần thiết để tạo động lực cho mở rộng đô thị hóa và khai thác, phát huy giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An. Điều này bao gồm việc xác định ranh giới vùng đệm, phát triển khu vực sông Bến Đang và quy định về chiều cao tầng. Qua đó, việc điều chỉnh này sẽ giúp xác định các định hướng chiến lược, tạo động lực cho phát triển đô thị Ninh Bình nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung trong giai đoạn mới.
Điều chỉnh quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển chung
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch là để phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh, nhằm biến đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa của vùng Đồng bằng sông Hồng, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu Hội nghị thẩm định. |
Việc điều chỉnh này sẽ đáp ứng yêu cầu thực tế và xu thế phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị, đồng thời bảo đảm tính kế thừa mà không ảnh hưởng đến các dự án đầu tư hiện tại. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, quy hoạch sẽ tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển và đầu tư xây dựng trong đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung theo quy hoạch.
Tính chất đô thị được xác định gồm: Đô thị di sản thiên niên kỷ, trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, trung tâm công nghiệp văn hóa, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đầu mối giao thông và cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc bộ, cùng với vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.
Dự báo phát triển dân số cho biết rằng đến năm 2030, dân số dự kiến sẽ đạt khoảng 410.000 – 430.000 người và đến năm 2040, con số này sẽ tăng lên khoảng 540.000 – 560.000 người.
Về nhu cầu đất đai, tổng diện tích tự nhiên ước tính khoảng 23.242ha. Đến năm 2030, diện tích đất xây dựng dự kiến đạt khoảng 10.300 – 11.000ha và đến năm 2040, diện tích này sẽ tăng lên khoảng 13.900 – 14.000ha.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, trong giai đoạn 2024 – 2030, quy hoạch sẽ tập trung hoàn thiện công cụ quản lý kiến trúc đô thị và bảo tồn di sản, tạo nền tảng cho Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, sẽ xây dựng chính sách đầu tư để thu hút các dự án chiến lược, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, không gian công cộng và dịch vụ. Giai đoạn 2031 – 2040 sẽ phát triển các khu chức năng phía Bắc, phía Nam và Bái Đính, hoàn thiện công trình cấp tỉnh và thu hút dự án đột phá, xây dựng kiến trúc điểm nhấn. Sau năm 2040, mục tiêu là kết nối hài hòa giữa đô thị và di sản Tràng An thành quần thể phát triển thống nhất, cùng với các cơ chế chính sách hấp dẫn để huy động nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển đô thị và du lịch Ninh Bình.
Định hướng phát triển không gian tổng thể sẽ gắn với việc bảo tồn Quần thể danh thắng Tràng An, tạo ra hình ảnh đô thị sinh thái dọc sông Đáy, cùng với việc bảo vệ cảnh quan và phát huy giá trị văn hóa. Hệ thống mạng lưới đô thị sẽ được xây dựng theo mô hình đa tâm, bảo vệ bản sắc của các khu vực như Cố đô Hoa Lư và Tràng An. Thiết kế đô thị sẽ hướng tới một đô thị du lịch bền vững, cải tạo cảnh quan công trình hiện hữu và hình thành 6 cửa ngõ đô thị cùng 1 cửa ngõ đường thủy, tạo dựng hình ảnh ấn tượng cho Ninh Bình.
Cần làm rõ tính chất đô thị di sản
Về cơ bản, các thành viên của Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040. Tuy nhiên, các thành viên cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện Đồ án ở các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, giao thông, hạ tầng, môi trường, tài chính, quốc phòng an ninh,…
Trong đó, tỉnh Ninh Bình cần phối hợp với đơn vị tư vấn để bổ sung: Hiện trạng dân số, rà soát số liệu quy mô dân số; đánh giá sự phù hợp của quy hoạch và làm rõ dự báo ngành Du lịch làm cơ sở cho dự báo dân số; bổ sung dự báo nhu cầu giao thông và xác định quy mô đất dành cho các loại hình giao thông; xem xét tuyến đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát sắp xếp đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, xác định rõ nguồn lực và nguồn vốn huy động; cần tập trung đánh giá, làm rõ hiện trạng về hạ tầng, kỹ thuật, từ đó làm rõ các điểm nghẽn về quy hoạch, chính sách…; trên cơ sở đó, đề xuất các định hướng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế, tạo động lực phát triển cho đô thị tỉnh trong thời gian tới…
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định. |
Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định, giải trình một số nội dung như: Tính khả thi mở rộng không gian phát triển; giữ nguyên quy hoạch sử dụng đất xây dựng mạng lưới giao thông; tên đơn vị hành chính sẽ thay đổi; khái niệm tính chất đô thị thiên niên kỷ.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đã tổng hợp ý kiến của Hội đồng thẩm định và đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình cùng đơn vị tư vấn tập trung vào một số nội dung quan trọng. Cụ thể, cần đánh giá hiện trạng, đặc biệt là về số liệu; phát hiện các vấn đề bất cập để đề xuất nhiệm vụ và giải pháp. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc thực hiện quy hoạch chung, phân khu và chi tiết với phân tích sâu sắc về bối cảnh mới. Đồng thời, cần xem xét năm tính chất đô thị gắn với yêu cầu bố trí không gian hạ tầng kỹ thuật, làm rõ phạm vi ranh giới theo Luật Di sản và bố trí quỹ đất để đảm bảo tính chất đô thị. Ngoài ra, việc giải thích rõ khái niệm đô thị di sản, dự báo lượng khách du lịch để xác định nhu cầu về không gian lưu trú, thiết lập chỉ tiêu kiểm soát gắn với chính sách, cũng như làm rõ quản lý sử dụng đất và bổ sung đơn vị hành chính đều là những nội dung cần được chú trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình và đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện Đồ án điều chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.