Quy hoạch tỉnh Hưng Yên: Tạo không gian phát triển đô thị

Tháng chín 22, 2024

Quy hoạch tỉnh Hưng Yên: Tạo không gian phát triển đô thị

Tỉnh Hưng Yên phấn đầu đến năm 2030, tỉnh cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I; đến năm 2037 (dấu mốc kỷ niệm 40 năm tái lập tỉnh), Hưng Yên cơ bản đáp ứng tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

Quy hoạch tỉnh Hưng Yên: Tạo không gian phát triển đô thị
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, hôm 7/7. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Đây là yếu tố then chốt để Hưng Yên đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị; phát triển mạnh chuỗi các đô thị có sự kết nối giữa các đô thị trung tâm, đô thị chức năng; đồng thời phát triển các khu đô thị lớn, sinh thái, thông minh và hiện đại…

Theo quy hoạch, đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh Hưng Yên gồm 18 đô thị gồm đô thị loại 1 là thành phố Hưng Yên; đô thị loại 2 gồm thành phố Mỹ Hào và thành phố Văn Giang (đô thị toàn huyện Văn Giang). Thành phố Văn Lâm (đô thị toàn huyện Văn Lâm) và thành phố Yên Mỹ (đô thị toàn huyện Yên Mỹ) là đô thị loại 3. Thị xã Khoái Châu (đô thị toàn huyện Khoái Châu); thị xã Kim Động (đô thị toàn huyện Kim Động) và đô thị Ân Thi (đô thị toàn huyện Ân Thi) là đô thị loại 4 và 10 đô thị loại 5.

Tỉnh Hưng Yên phấn đầu đến năm 2030, tỉnh cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I. Đến năm 2037 (dấu mốc kỷ niệm 40 năm tái lập tỉnh), tỉnh Hưng Yên cơ bản đáp ứng tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết, địa phương đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60-65% và đến năm 2050 khoảng 80%. Tỉnh quy hoạch 3 đô thị trung tâm gồm: thành phố Hưng Yên, đô thị Văn Giang và đô thị Mỹ Hào.

Theo ông Nguyễn Hùng Nam, thành phố Hưng Yên được quy hoạch là đô thị trung tâm của tỉnh và vùng phía Nam, đóng vai trò trung tâm hành chính chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ… của tỉnh; kết nối về phía Bắc với huyện Kim Động phát triển đô thị sinh thái, du lịch dọc sông Hồng; kết nối về phía Đông với huyện Tiên Lữ phát triển dịch vụ, khoa học, đào tạo, trung tâm khởi nghiệp.

Trong đó, đô thị Văn Giang là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng sinh thái, thông minh, hiện đại. Khai thác hiệu quả các đường vành đai 3,5, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối với khu vực phía Đông và phía Nam của Thủ đô Hà Nội và đóng vai trò thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc của tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Hưng Yên: Tạo không gian phát triển đô thị
Khu công nghiệp Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: BNEWS/TTXVN)

Đô thị Mỹ Hào là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại và nhà ở theo hướng thông minh, hiện đại. Phát triển gắn với hệ thống hạ tầng khung quốc gia trong hành lang công nghiệp-đô thị của tỉnh và trục phát triển Bắc-Nam phía Đông, kết nối Mỹ Hào-Ân Thi-Phù Cừ gắn với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, là trục liên kết mới phía Đông thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, đầu mối logistics.

Ngày 24/3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về phát triển thành phố Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu là xây dựng thành phố Hưng Yên trở thành đô thị thông minh, sinh thái, hiện đại và văn hiến.

Theo Nghị quyết số 21-NQ/TU, mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng GRDP của thành phố khoảng 10,5%/năm; thu ngân sách nhà nước tăng trung bình trên 8%/năm; tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố đạt 59%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%; thêm 5 xã lên phường.

Đến năm 2030, thành phố Hưng Yên đạt trên 50% các tiêu chí của đô thị loại 1 hoàn thành dự án Khu đại học Phố Hiến; nâng cấp các xã còn lại lên phường; tăng trưởng GRDP đạt 11,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 70%. Đến trước năm 2035, thành phố Hưng Yên trở thành đô thị loại I, là thành phố du lịch văn hóa, có hệ sinh thái đô thị thông minh hoàn chỉnh. Đến năm 2045, thành phố Hưng Yên trở thành thành phố sinh thái, thông minh, văn hiến và giàu đẹp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hưng Yên Nguyễn Khả Phúc cho biết, để xây dựng đô thị thông minh, thành phố đã bắt tay vào nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, mạng lưới internet trên địa bàn thành phố có thể kết nối đến 100% số hộ dân.

Thành phố đã đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh, đặt tại trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố với nhiều chức năng tiện ích như: Trung tâm Giám sát và điều hành giao thông; Trung tâm Giám sát điều hành an ninh công cộng; Trung tâm Giám sát phản ánh hiện trường; Trung tâm giám sát thông tin trên môi trường mạng; Trung tâm Giám sát điều hành y tế; Trung tâm giám sát điều hành chỉ tiêu kinh tế-xã hội…

Song song với việc phát triển không gian đô thị, thành phố luôn chú trọng và bảo tồn phát huy các giá trị di tích lịch sử, đặc biệt là khu di tích Phố Hiến. Đây là một quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mang những dấu ấn riêng, thể hiện những giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam và được công nhận là khu Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014.

“Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến ngày nay không còn là một thương cảng nhưng những dấu tích của một thời hưng thịnh vẫn còn rất đậm nét trong các công trình kiến trúc, tập quán và nếp sống của cộng đồng dân cư.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hưng Yên lưu giữ, bảo tồn được khoảng 200 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật; trong đó có một Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, 20 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích xếp hạng cấp tỉnh, trên 100 bia ký và hàng nghìn cổ vật có giá trị với nhiều phong cách kiến trúc độc đáo đan xen giữa văn hóa thuần Việt với phương Đông và phương Tây” – ông Nguyễn Khả Phúc cho biết thêm.

Quy hoạch tỉnh Hưng Yên: Tạo không gian phát triển đô thị
Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. (Nguồn: Google Maps)

Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị đến năm 2040 theo Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/2/2023. Theo đó, đô thị Văn Giang được quy hoạch có tính chất là trung tâm kinh tế (dịch vụ, thương mại, công nghiệp và phát triển nhà ở), văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo của khu vực; là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Giang Nguyễn Văn Tuấn, sau khi được Thủ tướng công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị loại III.

Huyện Văn Giang đã và đang tập trung huy động các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư, sớm hoàn thành một số công trình trọng điểm thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng chung và các khu chức năng có tính động lực của đô thị như các tuyến giao thông chính, khu vực trung tâm hành chính huyện và vùng phụ cận.

Cùng đó, huyện cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị đang triển khai trên địa bàn, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên tạo nền tảng sinh thái cho đô thị phát triển; hoàn thiện các trục cảnh quan đô thị theo hướng Đông-Tây. Đồng thời, huyện sẽ đưa vào vận hành và khai thác các dự án đô thị, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực vùng bãi ven sông Hồng nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch và việc làm… hình thành mạng lưới đô thị hài hòa../.