Làm thế nào để đưa ra những quyết định khó một cách sáng suốt?
Tháng năm 27, 2024
I. Bắt đầu chặng hành trình
“Và bây giờ, hãy cùng đón nhận chiếc vòng nguyệt quế đầu tiên dành cho Minh Triết”.
Khoảnh khắc nghe tên mình vang lên tại trường quay S14, tôi biết những quyết định khó khăn, thậm chí điên rồ mà mình đã đưa ra trước đó hoàn toàn xứng đáng.
Để có thể tham dự chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia – một chương trình giáo dục và giải trí nổi tiếng tại Việt Nam, tôi đã phải đưa ra những quyết định mà người ngoài nhìn vào sẽ thấy liều lĩnh.
Dù chưa chắc chắn suất tham dự chương trình, tôi đã bỏ đội tuyển tiếng Anh của trường để tập trung cho việc ôn luyện. Ngoài ra, tôi còn lập một câu lạc bộ Olympia vào năm lớp 10, dù lúc đó tôi ôn Olympia còn chưa đến nửa năm và vẫn lép vế so với những đối thủ cạnh tranh khác trong trường. Lúc đó, mọi người xung quanh đều khuyên tôi bỏ Olympia để tập trung cho việc học, nhưng tôi vẫn kiên trì với quyết định của mình.
Và kết quả là tôi đã vượt qua tất cả mọi trở ngại để đi thi Olympia và mang vòng nguyệt quế về cho quê hương. Mặc dù kết quả lần thi này vẫn chưa đạt mong đợi, nhìn chung tôi vẫn rất mãn nguyện mỗi khi nhìn lại chặng hành trình và quyết định theo đuổi Olympia của mình.
Tôi kể câu chuyện này để cho các bạn thấy được tầm quan trọng, cũng như sự khó khăn của việc đưa ra một quyết định lớn. Viết ra thì có vẻ ngắn, nhưng để đưa ra những quyết định trên tôi đã phải trằn trọc và suy tính rất nhiều đêm. Song, nhờ quyết định thi Olympia mà tôi đã quen được rất nhiều bạn bè trên khắp tỉnh thành Việt Nam, và cũng có một chút danh tiếng nhỏ (nhưng thí sinh O không biết tuốt đâu mọi người ạ) giúp tôi nhận được nhiều cơ hội hợp tác và việc làm sau này.
Ngoài ra, trong 20 cái xuân trên Trái Đất, tôi cũng đã đưa ra một số quyết định lớn khác như:
– Chuyển từ theo đuổi ngành Y sang theo đuổi ngành Marketing khi chỉ còn 4 tháng là đến kỳ thi THPT quốc gia; bắt đầu chuẩn bị và nộp hồ sơ xin học bổng tại Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) khi chỉ còn chưa đến một tháng là đóng đơn
– Thành lập hai câu lạc bộ khi mới ở năm đầu tiên của cấp học: Câu lạc bộ Olympia vào năm lớp 10 và Câu lạc bộ sáng tạo nội dung vào năm nhất đại học.
– Bắt đầu chia sẻ bài viết lên mạng xã hội khi bản thân vẫn chưa có thành tựu quá nổi bật.
– Và còn nhiều quyết định nhỏ khác …
Với số lượng thành tích “khủng” như vậy, bài viết này tôi sẽ chia sẻ những công cụ mà tôi đã học được qua trải nghiệm, cũng như qua nghiên cứu để giúp bạn đưa ra những quyết định lớn dễ dàng và sáng suốt hơn.
II. Tại sao đưa ra quyết định khó lại không dễ?
Tại sao chúng ta không thể đưa ra quyết định chọn ngành cho tương lai? Chọn yêu một người? Từ bỏ công việc mà mình đang làm để theo đuổi công việc mình thích?…
Suy cho cùng, thứ tạo nên độ khó của một quyết định không phải là bản chất của quyết định đó, mà là trạng thái tâm lý của chúng ta đối với nó (Bikart, 2022).
Một quyết định như đổi ngành có thể dễ đối với đứa cực đoan như tôi, nhưng lại rất khó đối với nhiều bạn khác; một quyết định như góp ý cho bạn bè có thể rất dễ với nhiều người, nhưng lại cực khó đối với đứa thích làm hài lòng người khác (people pleaser) như tôi. Cụ thể hơn, có những lý do sau đây mà theo tôi khiến cho đưa ra một quyết định trở nên khó khăn:
– Nỗi sợ quyết định sai: Tất nhiên rồi, chúng ta sợ “sai một ly sẽ đi một dặm” nên ta thà không đưa ra quyết định còn hơn phải quyết định.
– Sợ mất đi điều gì đó trong hiện tại: “Quyết định” trong tiếng Anh là “Decision” – từ này bắt nguồn từ hai từ Latin khác là “de-” (off) và caedere (to cut); ghép lại thành “to cut off”, nghĩa là cắt bỏ đi một điều gì đó. Nói cách khác, để đưa ra một quyết định, thường ta cũng phải cắt bỏ đi một điều gì đó đang xuất hiện trong cuộc sống của mình. Để quyết định kiếm người yêu thì bạn phải chấp nhận từ bỏ trạng thái độc thân, để quyết định chuyển ngành thì tất nhiên rồi, bạn phải từ bỏ ngành hiện tại. Con người chúng ta vốn dĩ có thiên hướng sợ mất (loss aversion) rất lớn, nên đó cũng là lý do ta không dám đưa ra quyết định.
– Ảnh hưởng bởi một vết thương tâm lý trong quá khứ: Lý do tôi gặp khó khăn khi đưa ra những quyết định liên quan đến bạn bè là bởi tôi từng có một thời gian dài không ai chơi cùng. Nên tôi rất ngại khi phải đưa ra những quyết định khiến bạn tôi mất lòng. Tương tự, một sự kiện có thể khiến bạn nhớ về một hồi ức buồn trong quá khứ, khiến việc đưa ra quyết định trở nên khó khăn hơn nhiều.
Còn rất nhiều lý do khác nhưng trên đây là một số lý do chính tôi có thể kể ra. Nhìn chung, để đưa ra một quyết định khó, trước tiên chúng ta cần nhìn sâu vào tâm lý của mình, để xem có nỗi sợ, vết thương hay bất kì cảm xúc nào đứng sau quyết định đó không.
III. Vậy, làm thế nào để cải thiện khả năng đưa ra quyết định?
1. Xác định vấn đề cốt lõi
“Một quyết định không là gì ngoài sự lựa chọn giải pháp cho một vấn đề” (Doris, 2024).
Hãy tưởng tượng quyết định của bạn là chìa khóa và vấn đề của bạn là ổ khóa; bạn không thể nào biết mình nên chọn loại khóa nào nếu bạn không biết được hình dạng ổ khóa là gì.
Nhiều người phân vân giữa hai quyết định thậm chí còn chẳng liên quan đến vấn đề họ muốn giải quyết. Ví dụ, bạn đang phân vân nên mua xe máy SH hay xe máy Exciter (đây chỉ là ví dụ thôi nhé =)); nếu vấn đề của bạn là đi trộm chó thì bài toán này đã dễ giải quyết rồi, nhưng nếu vấn đề của bạn là muốn di chuyển thuận tiện hơn thì sao? Lúc đó sẽ có rất nhiều lựa chọn khác hiện ra, như đi bus, đi xe điện, hay thậm chí đi bộ; bất cứ thứ gì có thể giúp bạn đến được chỗ làm.
Ngoài ra, như đã nhắc đến ở trên, một vấn đề khó quyết định thường không phải do bản chất vấn đề, mà là do cảm xúc của bạn đối với vấn đề đó. Nên để đưa ra quyết định đúng đắn, bạn cũng cần hiểu được cảm xúc của mình đối với vấn đề này là gì. Bạn muốn yêu người này là do bạn thật sự yêu họ hay vì lâu rồi chưa có người yêu nên hơi vã…
Hiểu được cốt lõi vấn đề sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định chính xác hơn.
2. Các câu hỏi để đặt cho bản thân lúc đưa ra quyết định
Các câu hỏi chính là công cụ đã giúp tôi nhiều nhất trong quá trình đưa ra những quyết định khó khăn. Dưới đây tôi sẽ liệt kê và phân tích một số câu hỏi mà tôi đã sử dụng/ dự định sử dụng trong quá trình đưa ra quyết định của mình.
2.1 Nếu không đưa ra quyết định thì có hậu quả gì không?
Nhiều người vì sợ những hậu quả mà quyết định của mình đem lại, nên họ chọn không làm gì cả. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng: không quyết định cũng là một quyết định. Bằng việc không quyết định, họ đã chấp nhận để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa; họ đã chấp nhận đầu hàng vấn đề này và để nó xâm chiếm cuộc sống của mình. Đó cũng là một quyết định.
Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng tuy hành động và đưa ra quyết định gây ra sự hối hận trong thời gian ngắn, nhưng xét về lâu dài thì sự không hành động mới là điều khiến chúng ta hối hận (Gilovich and Medvec, 1995). Bản thân mình cũng đã trải qua một vài lần vì quá sợ hãi nên không dám hành động, và hai từ “giá như” đến tận bây giờ vẫn ám ảnh trong đầu mình.
3.2.2 Khi ở trên giường bệnh cuối đời, tôi sẽ nghĩ về quyết định này như thế nào?
Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng câu hỏi này đã giúp tôi xác định đâu mới là những điều thực sự quý giá đối với mình. Nhờ câu hỏi này mà tôi loại bỏ được nỗi sợ bị người khác đánh giá, và đưa ra những quyết định mà tôi tin chắc sẽ khiến mình không nuối tiếc. Các bạn thử tưởng tượng đi, những lời đánh giá của người khác có thể sẽ ám ảnh các bạn trong một vài tháng, nhưng chỉ cần một năm sau là các bạn sẽ quên. Còn thứ khiến các bạn nhớ mãi sẽ là những giấc mơ dang dở không thành hiện thực, là người bạn thích nhưng chẳng bao giờ dám nói ra, là người mà bạn làm tổn thương nhưng không dám xin lỗi…
Trong cuốn sách “The top five regrets of the dying” (5 điều hối tiếc nhất của người sắp mất), y tá Bronnie Ware đã phỏng vấn các bệnh nhân sắp lìa trần, và tổng kết được 5 điều khiến họ hối tiếc nhất, đó là:
– Tôi ước mình có can đảm để sống một cuộc đời đúng với bản thân tôi, chứ không phải cuộc đời mà người khác kỳ vọng
– Tôi ước mình đã không làm việc quá chăm chỉ
– Tôi ước mình có đủ can đảm để thể hiện những cảm xúc thật
– Tôi ước mình kết nối với bạn bè nhiều hơn
– Tôi ước tôi đã để bản thân mình cảm nhận hạnh phúc nhiều hơn.
Trong số 5 hối tiếc này thì điều đầu tiên là điều mà mọi người hối tiếc nhiều nhất. Biết được năm điều này giúp tôi điều chỉnh lại la bàn của mình để hướng đến những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống.
3.2.3 Tôi có thể biến quyết định này thành một thử nghiệm không?
Chúng ta thường nghĩ một khi đưa ra quyết định thì phải theo nó suốt đời, nhưng may mắn thay, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những thử nghiệm. Bill Gate và Mark Zuckerberg không phải ngay từ đầu đã quyết định rời Harvard mãi mãi, mà họ chỉ nộp đơn xin nghỉ tạm thời thôi, nếu doanh nghiệp không đi theo đúng ý thì họ có thể trở lại Harvard bất kì lúc nào.
Đây cũng là câu hỏi tôi đã dùng khi phải lựa chọn giữa ngành Y và ngành Marketing. Trong khi ngành Y phải học tận 6 – 10 năm, ngành Marketing có thời gian học ngắn hơn; và giả sử tôi không hợp với ngành Marketing thì tôi hoàn toàn có thể nghỉ để quay lại ôn và học Y. Đó cũng là lý do tôi chọn BUV vì ở đây chỉ học có 3 năm.
Tương tự, nếu bạn muốn theo học tâm lý học thì hãy thử học trước một khóa nhỏ trên Coursera. Nếu bạn muốn làm freelance thì hãy thử một tháng tìm job online và xin nghỉ để làm tại nhà, xem nó có phù hợp với bạn không trước khi quyết định bỏ hoàn toàn công việc hiện tại.
3.2.4 Tôi sẽ nghĩ về bản thân như thế nào sau quyết định này?
Trong giai đoạn mới thành lập câu lạc bộ sáng tạo nội dung, đã có nhiều lúc tôi muốn từ bỏ, nhưng tôi vẫn kiên trì phát triển nó đến bây giờ. Không phải vì ai ngăn cản tôi, mà vì tôi không muốn nghĩ về bản thân như một người bỏ cuộc khi câu lạc bộ đang gặp khó khăn. Tôi muốn tin rằng tôi là người kiên trì, và là một người có thể đưa tổ chức ra khỏi khủng hoảng.
Bởi, chỉ cần quyết định từ bỏ, niềm tin của tôi về sự kiên trì của bản thân sẽ bị lung lay, và có thể những lần sau tôi sẽ dễ bỏ cuộc hơn.
Nhưng cũng trong một số trường hợp khác thì tôi lại từ bỏ rất dễ dàng, ví dụ công việc thực tập tôi đã làm được 3 tháng. Lúc đó tôi quyết định không làm tiếp nữa vì tôi đã có quá nhiều công việc rồi, và tôi muốn nghĩ về bản thân như một người biết ưu tiên chất lượng công việc, chứ không phải chạy theo số lượng.
Chung quy lại, câu hỏi này sẽ tập trung vào những giá trị dài hạn mà ta muốn xây dựng cho bản thân, chứ không tập trung vào những lợi ích ngắn hạn.
3.2.5 Những người “hướng dẫn tinh thần” sẽ làm gì trong khoảnh khắc này?
Thú thật thì câu hỏi này tôi cũng chưa áp dụng nhiều nhưng tôi vẫn sẽ chia sẻ bởi nó có thể hữu ích cho bạn.
Hãy tìm cho mình những MBA (mental board of advisors/ người hướng dẫn tinh thần) của riêng mình. Đây là những người bạn ngưỡng mộ và muốn đưa ra quyết định sáng suốt như họ. Đối với tôi thì đó là Andrew Huberman, Mark Manson, Adam Grant, và Chris Williamson (4 người này đều là podcaster nếu bạn không biết). Nhưng tất nhiên, MBA của các bạn không nhất thiết phải chứa 4 ông lạ hoắc trên internet, mà nó có thể là những người thân, hoặc một người bạn nào đó mà bạn ngưỡng mộ.
Khi đưa ra một quyết định khó, hãy thử nghĩ xem là “A sẽ làm gì trong thời điểm này nhỉ?”. Dạo này, khi đưa ra những quyết định liên quan đến phát triển thương hiệu cá nhân, cứ mỗi lần tôi nghĩ đến việc bắt trend hoặc bình luận vào các drama hiện tại, tôi lại nghĩ rằng liệu Andrew/Mark/Adam/ Chris có làm như vậy không nhỉ. Và đáp án luôn là không. Tôi không biết định hướng như vậy đúng hay sai, nhưng ít nhất nó cũng giúp tôi khẳng định được hình ảnh mà mình muốn trở thành.
3.3 Một số phương pháp khác
Ngoài ra, có một số phương pháp khác để cải thiện khả năng đưa ra quyết định mà cá nhân tôi áp dụng:
– Luật 51%: Tôi nghe đến khái niệm này lần đầu ở một tập podcast của Mel Robbins với Steven Barlett (2024). Về căn bản, nếu bạn đợi đến khi chắc chắn 100% rồi mới đưa ra quyết định thì khả năng cao điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Sẽ luôn có sự không chắc chắn, sẽ luôn có những nguy hiểm có thể xảy đến. Vậy nên, khi bạn thu thập đủ bằng chứng để chắc chắn rằng quyết định này có khả năng đúng, hãy theo đuổi nó, và bạn có thể biến 51% thành 100% trong quá trình thực hiện.
– Tạo khoảng cách với thứ mà ta cần đưa ra quyết định: 95% quyết định của bạn không cần phải được đưa ra ngay trong ngày. Thay vì vội vàng quyết định ngay lập tức thì hãy thử tạm quên vấn đề đó và làm những việc thư giãn như là đi bộ, tắm rửa, thiền định… Khi bạn làm những việc không đòi hỏi sự tập trung vào một tác vụ cụ thể, bạn sẽ kích hoạt một phần não bộ được gọi là Default Mode Network (DMN). DMN đã được chứng minh sẽ giúp chúng ta tư duy sáng tạo hơn (Kühn et al., 2013), (Shofty et al., 2022). Và thực tế, nếu các bạn để ý sẽ thấy những ý tưởng sáng tạo thường không diễn ra lúc bạn tập trung suy nghĩ, mà diễn ra lúc bạn để đầu óc mình lang thang; ngay cả khoảnh khắc Eureka của Archimedes cũng diễn ra lúc ông ấy tắm mà.
– Viết ra những gì mình cần quyết định: Viết ra sẽ giúp bạn rõ ràng hơn về những gì mà mình đang suy nghĩ thay vì để nó thành một mớ bòng bong ở trong đầu.
Kết
Từ sau chặng hành trình với Olympia, tôi vẫn tiếp tục có rất nhiều ngã rẽ cần lựa chọn trong cuộc sống. Có những quyết định mở ra cơ hội, có những quyết định khiến tôi gặp rắc rối, có những quyết định khiến tôi phải suy ngẫm; nhưng may thay, hiếm có quyết định nào khiến tôi hối tiếc. Bởi tôi suy nghĩ rất kĩ trước khi quyết định, và một khi đã quyết định, tôi đặt cả trái tim vào việc theo đuổi nó. Theo tôi, đó chính là chìa khóa cho một cuộc sống không nuối tiếc.
Nguồn tham khảo:
Bikart, J. (2022). How to make a difficult decision | Psyche Guides. [online] Psyche. Available at: https://psyche.co/guides/how-to-make-a-tough-decision-break-it-down-and-listen-to-your-gut.
Bronnie Ware (2012). The top five regrets of the dying : a life transformed by the dearly departing. Carlsbad, Calif.: Hay House.
Doris, R. (2024). How The Top 1% Make Difficult Decisions Easily. [online] www.youtube.com. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=uabb58gkWo0 [Accessed 11 May 2024].
Gilovich, T. and Medvec, V.H. (1995). The experience of regret: What, when, and why. Psychological Review, 102(2), pp.379–395. doi:https://doi.org/10.1037/0033-295x.102.2.379.
Kühn, S., Ritter, S.M., Müller, B.C.N., van Baaren, R.B., Brass, M. and Dijksterhuis, A. (2013). The Importance of the Default Mode Network in Creativity-A Structural MRI Study. The Journal of Creative Behavior, 48(2), pp.152–163. doi:https://doi.org/10.1002/jocb.45.
Robbins, M. (2024). The 51% Rule (and 3 More Strategies to Think Like a Millionaire) with Steven Bartlett. [online] www.youtube.com. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=2tvDzicthMA [Accessed 12 May 2024].
Shofty, B., Gonen, T., Bergmann, E., Mayseless, N., Korn, A., Shamay-Tsoory, S., Grossman, R., Jalon, I., Kahn, I. and Ram, Z. (2022). The default network is causally linked to creative thinking. Molecular Psychiatry, 27(3), pp.1848–1854. doi:https://doi.org/10.1038/s41380-021-01403-8.