Review Joker Folie à Deux : Điên có đôi

Tháng mười 14, 2024

Joker 2019 có thể coi là 1 bom tấn mà chính bản thân WB sẽ không thể ngờ đến được, khi câu chuyện về gã hoàng tử tội phạm của thành phố Gotham trở thành bộ phim có mác R có doanh thu cao nhất mọi thời đại cho từ năm 2019 cho đến năm 2024, mang về cho nam diễn viên Joaquin Phoenix 1 tượng vàng Oscar cho hạng mục nam chính xuất sắc nhất. Từ những thành công này, WB đã quyết định bật đèn xanh cho hậu bản của Joker, để rồi đến tháng 10 năm nay, Joker Folie à Deux được ra rạp, vậy phần 2 của bộ phim về gã hoàng tử hề này liệu có thể tiếp tục tạo nên 1 cơn sốt giống như những gì phiên bản 2019 làm được hay ko ?

Bối cảnh của phim

Nếu như Joker 2019 lấy bối cảnh với tiếng radio nói về việc thành phố Gotham đang trở nên bạo loạn hơn giờ hết, nhiều cuộc đình công của người dân trong thành phố, tội phạm tràn ngập khắp mọi nơi, xuyên suốt bộ phim đạo diễn đã khéo léo lồng ghép tiếng xe cứu thương và xe cảnh sát để thể hiện sự hỗn loạn của Gotham những năm 80, khi thành phố đang trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát triển. Và dĩ nhiên với sự phát triển chóng mặt như vậy, nhà nước hay chính quyền của thành phố Gotham có thể nắm quyền được tất cả, mà thay vào đó là các tổ chức lớn đứng lên nắm quyền những dự án này. Việc công nghiệp hoá thành phố với tốc độ nhanh chóng này tuy mang lại sự phát triển vượt bậc cho thành phố, biến Gotham trở nên ngày một thịnh vượng và phát triển, thì mặt trái của nó đó là nảy sinh mâu thuẫn giữa 2 tầng lớp giàu và nghèo, khi người giàu thì ngày càng giàu thêm, trong khi người nghèo thì vẫn cứ nghèo mà ví dụ tiêu biểu nhất chính là những gia đình của Arthur Fleck. Đó là bối cảnh của Joker phần đầu tiên. Còn với phần 2 lần này, bối cảnh của phim lại có phần thu hẹp lại khi chỉ tập trung phần lớn ở tòa án và nhà thương điên Arkham, mình hiểu chủ ý của đạo diễn Todd khi chỉ tập trung vào 2 nơi này. Bởi cả tòa án và nhà tù là 2 nơi giam cầm và xét xử Arthur Fleck về những gì mà anh đã làm 2 năm về trước. Với nhà thương điên Arkham, nó giống như 1 địa ngục, 1 nơi không chỉ giam giữ thể xác của Arthur, mà còn khiến cho anh chết dần, chết mòn về tâm hồn. Xuyên suốt các cảnh ở nhà thương điên Arkham, nếu như không là các cảnh quay bí bách, chật hẹp, thì cũng tập trung vào khuôn mặt, biểu của Arthur và phần lớn đó là sự buồn chán, vô cảm, gần như sức sống không còn tồn tại trên con người này nữa, và thật khó để chúng ta có thể hình dung Arkham đã làm gì để khiến cho phần Joker trong Arthur đã chết đi. Đó là ở trong nhà thương điên Arkham, còn với tòa án, nơi xét xử Arthur vì những gì anh đã làm, nó giống như 1 phiên tòa để Arthur thực sự tìm cho ra được bản ngã của chính mình rằng anh là Arthur Fleck hay tất cả mọi chuyện là do cái bản ngã Joker kia thực hiện ? Chỉ cần bối cảnh diễn ra ở 2 nơi đó thôi, nhưng Joker Folie à Deux đã làm cực kỳ tốt trong việc kể chuyện bằng hình ảnh và truyền tải được những gì mà đạo diễn Todd Phillips muốn đưa đến cho người xem ở phần hậu bản này.

Nội dung

Nội dung có lẽ là phần gây tranh cãi nhiều nhất, trước khi bài review này được viết. Mình đã có tham khảo, đọc qua 1 số bài review về bộ phim từ ở Rotten Tomatoes, IGN, Imdb cho đến cả những bài review các fanpage phim ở Việt Nam, và điểm chung của các review đều không thực sự đánh giá cao nội dung của phần 2 này. Họ cho rằng bộ phim quá dài dòng, lê thê, thậm chí là có 1 số thì chê là hát quá nhiều, đi kèm với đó là cái kết khiến cho quá nhiều người cảm thấy khó chịu vì những gì mà phần 1 đã cất công xây dựng về Arthur và Joker. Với cá nhân người viết, sau khi đi xem xong phần 1 và bước sang phần phim lần này, mình thấy nó giống như 1 nước đi khá táo bạo của đạo diễn khi chuyển đổi từ thể loại phim tâm lý tội phạm, sang 1 bộ phim theo hướng nhạc kịch, tình cảm nhiều hơn. Có thể chính sự thay đổi này khiến cho một số người cảm thấy khó chịu, đặc biệt là với những ai chưa từng xem thể loại phim nhạc kịch bởi trong phim sẽ có rất nhiều, rất nhiều các phân cảnh Joker và Harley Quinn của Lady Gaga cất lên tiếng hát của mình, và cảm tưởng như thể là đạo diễn đang dùng các MV ca nhạc để làm phim vậy, đó có thể là 1 ý tưởng khiến nhiều người không thích, nhưng không thể phủ nhận đây là 1 cách kể chuyện vô cùng thú vị và độc đáo, nhất là khi cái thể loại phim siêu anh hùng ngày nay đang đi vào giai đoạn thoái trào, nếu như vẫn cứ giữ 1 lối kể chuyện thông thường, Joker 2 rồi sẽ lại rơi vào lãng quên giống như bao bộ phim khác mà thôi.

Về tổng thể nội dung của bộ phim, Joker Folie à Deux vẫn có những nét giống với phần đầu tiên, một câu chuyện tăm tối, u ám, nặng nề, có chăng là nó không còn quá đi vào nói về xã hội hiện thực giống như phần 1 nữa, thay vào đó phần phim này lại đan xen liên tục giữa hiện thực và tâm trí của Arthur. Sẽ có rất nhiều lúc, chúng ta không thể rõ được, đâu mới thực, đâu mới là ảo ảnh mà Arthur đang tưởng tượng ra. Có thể nói, Folie à Deux không hề dễ xem cho lắm nếu so với các sản phẩm phim siêu anh hùng ngày nay, nó rất chậm, yêu cầu sự tập trung, thứ dường như đang dần trở nên xa xỉ với nhiều khán giả đại chúng, phim không hề có mấy là các cảnh combat hoành tráng long trời lở đất như các phim siêu anh hùng gần đây trên thị trường hay có những màn cameo khiến cho cả rạp phải hò hét, … cũng không hề có bất cứ một nhân vật nào có siêu năng lực gây bất ngờ cả, tất cả chỉ là 1 câu chuyện của 1 kẻ điên và đem lòng yêu 1 người có tâm hồn đồng điệu như hắn và những ảo mộng mà bản thân hắn đang tưởng tượng ra. Nếu như bạn tìm đến Joker Folie à Deux để có thể giải trí sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng thì xin chia buồn vì đây không phải là một tác phẩm để giải trí, xuyên suốt bộ phim người xem cần tập trung cao độ để có thể hiểu có thể thẩm thấu từng khung hình, góc quay, biểu cảm trong bộ phim. Phim không thưởng cho bạn những pha combat hoành tráng, những tràng cười từ những lần pha trò của các nhân vật mà thay vào đó là nó mang lại một bầu không khí có phần rất bất ổn khi có lúc thì nó vô cùng ngột ngạt, cảm giác mọi thứ xung quanh thật tăm tối, tàn nhẫn với chính cuộc đời của Arthur, nhưng rồi sẽ lại có lúc mọi thứ trở nên thật hài hước, lãng mạn, và thật đẹp làm sao khi Arthur trở thành 1 nửa của Harley Quinn dù cho cái tình yêu đó thật sai trái và cũng thật điên rồ. Phim tuy không thưởng bạn qua những pha combat hoành tráng, nhưng đổi lại nó lại thưởng cho người xem những cú twist cực mạnh trong phim, những bản nhạc như thể đây là bữa tiệc âm nhạc vậy.
Và cuối cùng, thứ mình muốn nói đến ở nội dung có lẽ chính là cái kết của bộ phim, thứ gây ra rất nhiều tranh cãi đối với người xem. Đã có những người căm ghét, thậm chí là chửi rủa và đánh giá phim chỉ được 3 trên 10 bởi cái kết khiến họ cảm thấy đây giống như 1 sự đạp đổ tất cả mọi công sức mà đạo diễn đã dày công xây dựng từ phần 1. Thế nhưng, dưới ý kiến khách quan, có phần rất nhiều chủ quan của mình, đây lại là 1 cái kết vẹn toàn, 1 cái kết khiến cho phần 1 trở nên hay hơn rất nhiều dù nó đã vốn là 1 bộ phim hay rồi, 1 kết đúng như 1 câu punchline mà Joker đã sử dụng khi nói với người dẫn chương trình Murray, đó là: “you get what you fucking deserve”.
Khen nhiều là vậy, xong Joker Folie à Deux vẫn có những điểm trừ để nó thực sự sẽ rất khó có thể vượt qua được cái bóng của phần 1, đó có lẽ bởi phim dù đã kết thúc, những dòng credit đã bắt đầu hiện lên, thế nhưng sâu thẳm bên trong 1 người xem như mình, mình vẫn cảm giác có điều gì đó chưa thể thỏa mãn được hoàn toàn, vẫn còn có những câu hỏi, những khúc mắc mà đáng lẽ với thời lượng 138 phút nó đã hoàn toàn có thể giải đáp được, nhưng đáng tiếc là phim đã không thể làm được điều đó.

Nhân vật

Phải nói rõ là Joker theo đạo diễn Todd Phillips chia sẻ là không dựa theo 1 phiên bản comic nào cả, nhân vật Joker chúng ta biết trong bộ phim này cũng không hề có sự liên kết nào với DCEU hay DC sau này của James Gunn, thậm chí sau khi xem xong phần 1, chúng ta đều hiểu rằng câu chuyện trong phim là kể về 1 con người bất hạnh đang phải sống trong 1 xã hội quá khắc nghiệt. Nếu như ở phần 1, Joaquin Phoenix thể hiện cho chúng ta thấy được 1 Arthur Fleck đang ở đáy xã hội, 1 kẻ thất bại và nằm ở dưới tận cùng của xã hội với chứng bệnh không thể nào ngừng cười được. Arthur là kẻ bị bỏ rơi trong chính xã hội mà mình sinh sống khi mà không chỉ phải vật lộn với chính căn bệnh mình mắc phải, mà anh còn bị kì thị những người đi đường xung quanh, bị phản bội bởi chính đồng nghiệp mà mình tin tưởng, bị mất việc, ước mơ và khát vọng của anh cũng không thể thực hiện được nếu không nói rằng về sau còn bị chế nhạo chê cười nhiều hơn , và khi con người đã bị đẩy đến tận cùng của chân tường thì đó cũng là lúc họ sẽ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để chống trả lại sự áp bức đó để có thể sống sót, và chất xúc tác đó chính là việc Arthur vừa trải qua “1 ngày tệ hại”. Và để rồi sự biến đổi đã xảy ra, Arthur rời đi, Joker xuất hiện, Arthur bằng những hành động của mình đã được những người dân ở tầng lớp dưới coi như 1 anh hùng, 1 biểu tượng của người dân thành phố Gotham. Thì với phần hậu truyện lần này, chúng ta lại thấy được 1 khía cạnh khác của Arthur, đó là 1 con người đang chết dần chết mòn cả về thể xác và tinh thần. 2 năm sau các sự kiện của phần 1, Arthur giờ đây đang bị giam ở trong nhà thương điên Arkham, anh gần như không còn có thể nở được nụ cười như trước nữa, cuộc sống ở Arkham thật nhàm chán, dường như chẳng có lấy 1 điều gì có thể khiến Arthur mỉm cười như trước nữa. Để rồi mọi thứ đã thay đổi khi Arthur gặp gỡ 1 bệnh nhân khác ở nhà thương điên Arkham tên là Lee. Cô ấy dường như biết tất cả những gì mà Arthur đã làm trước đây và cô ấy yêu điều đó, cô ấy yêu con người mà Arthur đã từng trở thành, cô yêu sự điên loạn của Arthur, và giống như Joker, Harley Quinn nhìn thấy được những sự hài hước kể cả trong những điều tàn nhẫn và đáng sợ nhất. Sự xuất hiện của Lee trong cuộc đời Arthur giống như thể 1 tia sáng, 1 tia hy vọng, 1 thứ gì đó đánh thức con người của Arthur vậy. Hắn yêu đời hơn, ca hát nhiều hơn, lạc quan hơn, thậm chí là sẵn sàng thể hiện nhiều hơn cái tôi của chính mình. Có thể nói nếu không nhờ diễn xuất quá đỉnh của Joaquin Phoenix, Joker có lẽ khó có thể thành công được như hiện tại, đặc biệt là sang phần 2 này, diễn xuất của nam diễn viên càng được thể hiện nhiều hơn khi Arthur cuối cùng cũng đã biết yêu và được yêu, dù cho thứ tình yêu đó thật sai trái và lệch lạc. Sau cùng, điều mình thấy tuyệt nhất ở diễn xuất của Joaquin Phoenix trong phần phim lần này đó là khi anh thể hiện được rõ nhất 2 phần nhân cách đang tồn tại sâu bên trong mình đó là Arthur rụt rè, nhút nhát chẳng khác gì 1 thằng Loser chính hiệu, và phần còn lại là Joker đầy đáng sợ, khó đoán, tàn nhẫn, và chẳng ngần ngại thể hiện ra con người thật của mình. Nếu như nụ cười của Arthur là 1 nụ cười đầy đau khổ, nụ cười của một người bị mắc chứng bệnh rối loạn thần kinh khi không kiểm soát nổi tiếng cười của chính mình, nụ cười đầy đau khổ mà người xem thay vì cảm thấy buồn cười lại phải rơi nước mắt, thì nụ cười của Joker lại là 1 nụ cười sẵn sàng cười vào những thứ mà con người luôn gọi là : Đạo Đức, Chuẩn Mực Xã Hội, Công Lý, Luật Pháp, tất cả những thứ mà loài người cố đặt ra để bảo đó là tốt, đó là tích cực,… cười nhạo nó và để cuộc đời này trở nên tốt hơn.

Joker trong phim gợi cho mình nhiều nét giống với Batman, khi cả Bruce Wayne và Arthur đều đã trải qua những ngày tồi tệ trong đời khiến họ mãi mãi thay đổi, với Bruce Wayne anh chọn cách đứng lên, trở thành Batman, trở thành người bảo vệ cho thành phố Gotham, trở thành 1 hy vọng, cho trật tự, cho công lý của thành phố này. Thì với Arthur, anh lại chọn trở thành Joker, 1 tên hề điên loạn, và rồi trở thành biểu tượng cho sự hỗn loạn, và bạn biết đó, điều tiêu cực lúc nào cũng dễ lan truyền hơn so với những thứ tích cực, thói xấu lúc nào cũng đến với mọi người dễ hơn là thói quen tốt, và Joker chính là minh chứng cho điều đó. Sự hỗn loạn của thành phố Gotham khi Joker dường như là kẻ truyền cảm hứng cho những người dân trong thành phố đứng lên bạo loạn, đó là thứ mà Joker mang đến cho thế giới này. Và không biết từ bao giờ, Joker giống như 1 lý tưởng chứ không phải là 1 danh hiệu hay 1 cái biệt danh mà Arthur nghĩ ra nữa.

Nhắc đến Joker của Joaquin Phoenix khá nhiều mà không nhắc đến diễn xuất của Lady Gaga trong vai Harley Quinn thì quả thực là thiếu sót. Đạo diễn Todd Phillips đã phân bố thời lượng xuất hiện của cô nàng phụ tá cho Mr.J rất hợp lý, để làm sao cho mỗi lần xuất hiện của cô lại là 1 lần thay đổi trong tâm lý, con người của Arthur. Mối quan hệ của Harley Quinn và Joker trong bộ phim này không giống như phiên bản của Suicide Squad 2018 khi Harley Quinn yêu Joker đơn phương, và Mr.J đơn giản là lợi dụng thứ tình cảm đó để mà thực hiện những âm mưu của mình (với ai thì mọi người biết rồi đó), thì ở trong Folie à Deux, mối quan hệ này đến từ cả 2 phía, Arthur giống như tìm được nửa kia của cuộc đời mình, tìm được 1 tâm hồn đồng điệu với mình, còn Harley thì lại tìm được người mà bấy lâu nay mình thần tượng. Lady Gaga (hay các fan gọi là chị Dậu) đã thể hiện cực kỳ xuất sắc hình ảnh 1 cô gái có phần điên trong suy nghĩ và hành động, một người sẵn sàng làm tất cả mọi thứ vì người mình yêu, ủng hộ mọi quyết định của người yêu và trên hết đó là Lady Gaga mỗi lần cất lên tiếng hát của mình trong phim lại là 1 câu chuyện, 1 lần khiến bản thân mình nổi da gà.

Âm nhạc

Để nói về âm nhạc trong phim, đây có thể coi là 1 trong số những điểm cộng lớn nhất mà phim có được, bởi dẫu sao đây cũng là phim theo thể loại nhạc kịch nên số lượng các bài hát trong phim rất nhiều. Và gần như không có bài hát nào là dở cả, nó đều được sử dụng 1 cách rất khéo léo để diễn tả và truyền đạt câu chuyện mà đạo diễn muốn kể. Nếu để chọn ra những ca khúc làm mình ấn tượng nhất trong phim có lẽ mình sẽ chọn ra 3 ca khúc là Gonna Build A Mountain, That’s Entertainment và That’s Life (ahhhh Frank Sinatra make me crazy).

Tổng kết

Joker Folie à Deux có lẽ giống như Joker phần đầu tiên, nó không phải là bộ phim cho tất cả mọi người, thậm chí cả những người đã rất thích phần 1, và mong chờ 1 điều gì đó bùng nổ ở phần 2 hoặc đột phá thì mình nghĩ phần 2 này không dành cho họ. Phần 2 của bộ phim có thể sẽ không thể vượt qua được cái bóng quá lớn của phần 1, xong nó đã làm được nhiệm vụ đó là kể được trọn vẹn câu chuyện của Arthur Fleck, 1 câu chuyện của 1 con người vừa đáng thương nhưng cũng vừa đáng trách với phần kết có thể sẽ rất nhiều người ghét, nhưng nó là 1 cái kết đúng với những gì mà đạo diễn Todd Phillips mong muốn, 1 hồi kết đúng nghĩa cho Arthur Fleck hay Joker.