Sắc màu của các nhà báo mê vẽ
Sắc màu của các nhà báo mê vẽ
Sáng 18.6 tại TP.HCM, chào mừng kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng VN (21.6.1925 – 21.6.2024), Hội Nhà báo VN phối hợp Cơ quan Thông tấn xã (TTX) VN khu vực phía nam khai mạc triển lãm tranh của các họa sĩ Nhóm 99 – nhóm những người làm báo.
Triển lãm Tranh 99 diễn ra từ ngày 18 – 26.6, giới thiệu đến công chúng 130 tác phẩm với nhiều chủ đề: tĩnh vật, phong cảnh, chân dung, trừu tượng, sinh hoạt đời thường… bằng các chất liệu sơn dầu, acrylic, màu nước, lụa, bút sắt.
Tham dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Hồ Hải – Phó bí thư thường trực TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy TP.HCM; ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM; ông Trần Trọng Dũng – Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN… cùng đông đảo các đồng nghiệp báo chí và những người yêu hội họa.
Từ Hà Nội, họa sĩ sơn mài truyền thống Ngô Thành Nhân mang vào phương Nam 5 bức tranh sơn dầu, acrylic…, trong đó có bức Hạ Long trên khổ lớn và một số bức vẽ TP.HCM hiện đại. Với hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, Ngô Thành Nhân khiến người xem vô cùng thích thú với cách vẽ tinh tế, nhiều lớp mà nhẹ nhàng, khi mơ màng khi ẩn dụ, thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên ban sơ của ông. Nhiều mảng màu đậm nhạt nhấn nhá, loang mềm nhiều lớp, rồi buông thả cho thấy chuyên môn của một họa sĩ lâu năm và tâm hồn lãng tử của một nhà báo.
Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ từng công tác tại TTXVN khu vực phía nam từ năm 1977 – 2016, trải qua nhiều cương vị. Ông tự học vẽ từ năm 2017 và đã tham gia 3 triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Tuyển chọn 20 bức tranh vẽ phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật với các chất liệu acrylic, màu nước và trên giấy dó… để tham dự triển lãm cùng đồng nghiệp đúng dịp ngày vui của nghề là niềm vui to lớn của ông.
Họa sĩ Nguyễn Tiến Lễ tâm sự: “Hội họa là bản năng tiềm ẩn trong mỗi con người, chỉ cần có cơ may là bộc lộ ra ngay. Ở triển lãm Tranh 99, tiềm năng ấy có người bộc lộ sớm như Nguyễn Nghiêm, Vũ Kim Sơn, Đỗ Hương, Nguyễn Hồng Nga và có người trễ hơn như Huỳnh Dũng Nhân, Tiểu Tân, nhưng tựu trung lại đều chung chất keo kết dính là tình yêu thuật cháy bỏng”.
Nhà báo – họa sĩ Vũ Kim Sơn nguyên là phóng viên chiến trường của TTX Giải Phóng, đi chiến trường B năm 1972, và là nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi của Báo Ảnh VN. Bắt đầu vẽ tranh từ năm 2000, ông có góc nhìn nghệ thuật về ánh sáng, bố cục từ nhiếp ảnh. Kim Sơn có nhiều tác phẩm tập trung vào đề tài phong cảnh, sinh hoạt đời thường. Với tầm tư duy và cách xử lý từ ảnh sang hội họa, Kim Sơn chú ý từng chi tiết, chỉn chu trong tác phẩm – đây là điều mà người bước chân vào hội họa cần chú ý đầu tiên.
Họa sĩ Đỗ Hương được xem là “tay chơi” bất chấp đào tạo, nhưng lại chuyên tâm và có thành tựu trong các nghề chị từng trải qua. Từng là một người vẽ tranh cổ động và bản đồ khi ở Trường Sĩ quan thông tin từ năm 1978, sau này trở thành “tay máy” có nghề của tạp chí Kiến trúc, rồi gắn bó với tờ Thể Thao Ngày Nay tại TP.HCM, chị mới bắt tay vào vẽ chuyên nghiệp. Thời gian đầu, chị vẽ sơn dầu với lối vẽ cổ điển, tiếp đó chị vẽ acrylic và lụa. Ở triển lãm lần này, chị mang đến những bức tranh hoa và phong cảnh tĩnh với lối vẽ thử nghiệm mới.
Một gương mặt nữ nữa tham gia triển lãm là nhà báo Hồng Nga – người phụ nữ của ánh sáng sân khấu, từng được Trung tâm sách kỷ lục VN xác lập Người chụp ảnh sân khấu nhiều nhất VN. Từng xem nhiều ảnh đẹp của chị, mọi người càng bất ngờ với những bức tranh như thơ, được nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga ký tên với vai trò là họa sĩ. Họa sĩ Nguyễn Nghiêm, nguyên phóng viên Đài truyền thanh Q.Tân Bình (1985 – 1990) cũng hút hồn người xem khi mang đến triển lãm 15 bức tranh chủ đề phong cảnh đẹp đến nao lòng.
Trong số các họa sĩ lão làng, nhà báo – nhà văn Huỳnh Dũng Nhân có lẽ là người có tác phẩm muộn màng nhất. Vì vậy, ông khiêm tốn dặn đi dặn lại các đồng nghiệp khi viết bài nên ghi nhận mình với tư cách một họa sĩ nghiệp dư, vì ông mới qua mấy năm tuổi nghề. “Lối rẽ” đến với hội họa hơi muộn, nhưng ít ai biết từ nhỏ “cây phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân đã có năng khiếu vẽ rất đẹp. Mải mê rong ruổi theo nghề báo, đến khi về hưu lại bị tai biến, thời điểm dịch Covid-19 ông có thêm thời gian rảnh rỗi để “gác bút” và tập vẽ 3 năm nay.
“Tôi thích vẽ chân dung vì lợi thế là nhanh, các đồng nghiệp báo chí văn nghệ sĩ đều là “mối thân tình” nên khi vẽ, tôi như ngồi trò chuyện với họ, ấm áp, vui lắm. Nhân triển lãm 99 năm báo chí, rất cần những chân dung của các nhà báo, may quá, tôi lại đang sở hữu gần 3.000 tấm dạng này, dù chưa đẹp lắm nhưng tôi cảm thấy rất vui vì được cùng anh em tham gia vào sân chơi của những nhà báo có tâm hồn đồng điệu. Tôi cũng đã có hơn 40 năm làm báo, trước đây cùng anh em dùng ngôn ngữ là chữ nghĩa văn chương báo chí để phản ánh đời sống. Nay chúng tôi lại cùng đến với loại hình nghệ thuật của những sắc màu hội họa, nói những gì mà ngôn ngữ chữ nghĩa không nói được thì quá vui và rất thú vị”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trải lòng.
Bạn đang đọc Sắc màu của các nhà báo mê vẽ tại website hungday.com