Sài Gòn du lãm: Bên trong dinh cơ của Đốc phủ sứ
Sài Gòn du lãm: Bên trong dinh cơ của Đốc phủ sứ
Ông Đốc phủ Chợ Lớn cũng như mọi quan viên bản địa xứ Nam kỳ luôn thể hiện thiện chí với đất nước của chúng ta bởi chúng ta duy trì phần lớn các đặc quyền cũ của quan lại, đồng thời ban cho họ thêm các đặc quyền mới. Tuy nhiên, ông Đốc phủ Chợ Lớn lại gần gũi với chúng ta hơn những đốc phủ khác bởi cách ăn mặc và cư xử, tôi không dám nói là bởi ngôn ngữ ông dùng, vì dù rất cố gắng nhưng ông khó làm cho các vị khách hiểu được những lời tử tế của mình.
Trong một dinh cơ tráng lệ mang phong cách châu Âu, đốc phủ này sống cùng một gia đình đông đúc và một bà vợ duy nhất, một người thiếp yêu. Bà này là tay hòm chìa khóa và tất nhiên bà rất biết cách làm giàu ngân quỹ.
[…] Trong khi những cậu ấm sang Paris học tập […] tận hưởng xu thế tân thời nhất thì các cô chiêu và đàn em nhỏ lại sống theo kiểu An Nam hoàn toàn, tận lực giữ gìn nền nếp gia phong.
Đối với người An Nam, tôn kính người cha là sự khởi đầu của trí tuệ. Bạn phải thấy cảnh già trẻ lớn bé dạt qua một bên nhường lối đi cho người chủ gia đình. Không có âu yếm, không có quỳ lạy cha, chỉ tôn kính và một chút sợ hãi […].
ĐỜI SỐNG THƯỢNG LƯU AN NAM
Điều không thể phủ nhận là ở nhà ông Đốc phủ Chợ Lớn người ta được ăn uống đúng kiểu An Nam nhất; nhà ông nổi tiếng có đầu bếp giỏi và luôn thết đãi khách khứa thịnh soạn nhất.
Khách đến lúc nào cũng đông, họ ngồi quanh một chiếc bàn lớn bày vô số dĩa nhỏ đựng đủ loại món ăn.
Mỗi vị khách có một đôi đũa ngà và một chiếc muỗng sứ, trước mặt là một dĩa nhỏ, một chén cơm đầy và một ly bé xíu để đựng choum-choum, tức rượu đế, thức uống duy nhất dùng trong bữa ăn An Nam.
Theo lời mời của chủ nhà, thực khách có thể dùng đũa và muỗng để lấy thức ăn trong các dĩa nhỏ và tùy ý gắp một miếng thịt heo sữa quay cực ngon, vài con đuông dừa nướng chín tới… Món súp An Nam có màu xanh của măng non, tổ yến và gân tê giác, là một món cực kỳ tinh tế.
Ta vẫn dùng đũa để đặt miếng thức ăn lên chén cơm rồi dùng muỗng nhỏ rắc lên đó một chút nước mắm, một loại dầu [sic] chiết xuất từ cá phơi khô có hương vị tuyệt đỉnh khi còn tươi nhưng rất hiếm! […].
Khi miếng cơm và thức ăn đã chuẩn bị xong và được rưới nước xốt rồi thì người ta đưa chén cơm lên môi, dùng hai chiếc đũa ngà và vào miệng.
Phụ nữ không được ngồi vào bàn; nhưng ở đây là ngoại lệ, phụ nữ châu Âu được ông đốc phủ đón tiếp bằng tất cả nguyên tắc lịch thiệp ông đã học được qua nhiều chuyến du lịch sang Pháp. Và trong các buổi tiệc nhỏ đó, vai trò của vợ ông và các con gái ông chỉ là quạt mát cho thực khách bằng những chiếc quạt lớn và đón ý mọi nhu cầu dù nhỏ nhặt nhất của khách.
Khi ai nấy đều đã dụng công hết sức với những đôi đũa này, dù ít nguy hiểm hơn dao và nĩa song cũng kém tiện lợi hơn, khi người ta đã khen ngợi hết lời những món ăn, hương vị, chất dịu êm của rượu gạo nấu củi, theo truyền thống An Nam, người ta cẩn thận không để thừa cơm trong chén và xếp đũa trên miệng chén, người ta nâng rượu bằng hai tay, cụng ly tsin-tsin với chủ nhà như một lời cảm ơn.
Vào ngay lúc này, người An Nam rất muốn thấy khách khứa chứng minh rằng họ đã tận hưởng một bữa no say bằng những tiếng ợ thật to. Khỏi phải nói, người châu Âu thà mang tiếng vô lễ còn hơn là phải bày tỏ sự thỏa mãn bằng một ngôn ngữ […] như vậy.
Bữa ăn An Nam kết thúc bằng một chén trà lớn cực kỳ hợp lý.
Khi đó trên bàn bày đủ những chén dĩa nhỏ với dao nĩa theo kiểu Âu và người ta đem đến một dĩa thịt bò xốt táo lớn cho những người không quen với mỹ vị An Nam. […]
Về tráng miệng thì có vô vàn hoa quả. Một đặc trưng cho tính hiếu khách của nhà ông đốc phủ là người ta phục vụ quả đầu mùa hết sức tươi ngon. Trái xoài và măng cụt thanh nhã cho tới trái chuối bình dân cũng được chọn lựa kỹ càng. Sau đó là một loạt bánh kẹo An Nam do chính các cô con gái nhà ấy làm. Có đủ loại kẹo bánh: bánh nướng thơm tinh tế, kẹo mềm tan trong miệng, bánh ngọt rưới rượu rum, mứt…, kể không hết. Và rượu sâm-panh, lúc nào cũng có trong các buổi tiệc nhà ông đốc phủ, khiến mọi người hưng phấn ngà ngà.
Ông Đốc phủ Chợ Lớn không chỉ tiếp khách ở dinh thự trong thành phố mà còn ở “trang viên” nữa. Trang viên là tên ông đặt cho khu nghĩa trang của tổ tiên và của chính ông, và ông đã cho xây dựng rất công phu.
Ở đây người ta có phong tục sửa soạn thật long trọng và chỉn chu cho giấc ngủ ngàn thu. Cuộc dạo chơi trong trang viên này có vẻ gì đó đặc biệt thâm trầm, khắp nơi là cây cỏ dày rậm và cây cối đủ loại vươn lên mạnh mẽ và tươi tốt nhờ tàn tro tích tụ của cả một dòng họ lâu đời.
Những bia mộ cổ nằm hoặc đứng dưới bụi hoa hoặc giữa đám cỏ không theo một trật tự nào, gợi nhớ một sự sùng kính lâu dài và sự thờ phượng nhiều đời dành cho tổ tiên.
Cái tên trang viên tuy thế không phải là một hình ảnh trang viên đơn thuần. Trong khu vực rộng lớn khép kín này, người ta đã xây dựng những cơ ngơi mênh mông với mục đích hội hè hơn là an trú. Quả thật nơi yên nghỉ của người đã khuất thường không gây sợ hãi cho người châu Á như là nghĩa trang bên ta!
Ngày giỗ kỵ là ngày gia đình mở tiệc, không buồn bã; vào mỗi buổi lễ có đến hai, ba trăm người họ hàng hoặc bạn bè tới ăn uống, hút thuốc phiện và quay cuồng trong tiếng nhạc chói tai inh ỏi của các nhạc công trong vùng. (còn tiếp)
(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Le tour du monde năm 1893)
Bạn đang đọc Sài Gòn du lãm: Bên trong dinh cơ của Đốc phủ sứ tại website hungday.com