Sao chổi ‘lạ’ bất ngờ xuất hiện: Người Việt được ngắm 2 sao chổi trong một tháng?
Sao chổi ‘lạ’ bất ngờ xuất hiện: Người Việt được ngắm 2 sao chổi trong một tháng?
Đó là sao chổi C/2024 S1 (ATLAS) được phát hiện cuối tháng 9 mới đây, bởi một hệ thống kính viễn vọng robot có tên ATLAS. ATLAS đã giúp các nhà thiên văn học phát hiện khoảng 100 sao chổi, bao gồm Tsuchinshan-ATLAS vào năm 2023. Đây là lý do tại sao các sao chổi có tên tương tự nhau.
Timeanddate.com cho biết C/2024 S1 là sao chổi “sungrazer”. Nó sẽ đến điểm cận nhật, điểm gần mặt trời nhất tới đây vào ngày 28.10. Người ta hy vọng nó có thể sáng lên vào khoảng ngày này. Tuy nhiên, sao chổi nổi tiếng là rất khó đoán và không có gì là chắc chắn.
Sungrazer là gì?
C/2024 S1 thuộc nhóm sao chổi được gọi là Kreutz sungrazer, bay qua rất gần mặt trời. Gần đến mức nào? Khoảng cách này nằm trong khoảng 1,5 triệu km, gần bằng kích thước của mặt trời.
Hai trong số những sao chổi ngoạn mục nhất trong lịch sử, sao chổi Great September năm 1882 và sao chổi Ikeya–Seki năm 1965, là sao chổi Kreutz sungrazer. Cả hai sao chổi này đều có thể được nhìn thấy trên bầu trời ban ngày.
Liệu có ngắm được sao chổi?
Theo chuyên gia, nếu C/2024 S1 trở nên sáng, nó sẽ chỉ sáng trong một thời gian ngắn vào khoảng ngày 28.10 là ngày cận điểm, khi nó ở gần mặt trời nhất.
Dự kiến ngày 28.10, C/2024 S1 sẽ xuất hiện trên đường chân trời phía đông ngay trước mặt trời. Vị trí của sao chổi trước khi mặt trời mọc sẽ thuận lợi hơn một chút đối với những người quan sát ở Nam bán cầu, đặc biệt là vào những ngày trước ngày 28.10.
Tất nhiên, không có gì là chắc chắn khi nói đến sao chổi, mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng. Trung tuần tháng 10, một nhóm các nhà thiên văn học người Ý cho rằng C/2024 S1 có thể đang tan rã, nhưng tình hình vẫn chưa rõ ràng.
“Bất kể điều gì xảy ra với sao chổi C/2024 S1 từ bây giờ cho đến cuối tháng 10, một trăng lưỡi liềm mỏng sẽ lơ lửng ở bầu trời phía đông, gần vị trí của sao chổi, vào sáng ngày 30 và 31.10”, Timeanddate.com thông tin.