Sắp ban hành tiêu chuẩn phòng cháy dành cho công trình nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng
Sắp ban hành tiêu chuẩn phòng cháy dành cho công trình nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng
(Xây dựng) – Đây là chia sẻ của PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) khi trả lời phỏng vấn Tin tức xây dựng mới nhất về giải pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho công trình nhà ở riêng lẻ.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) |
PV: Thưa Vụ trưởng, thời gian gần đây, tại Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vậy theo Vụ trưởng, đâu là nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy này?
Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh: Theo thống kê thì có nhiều nguyên nhân gây ra các vụ cháy, song phần lớn là nguyên nhân chập cháy do sử dụng điện.
Đối với công trình nhà riêng lẻ xây đã lâu, hệ thống điện đa phần xuống cấp, không được được bảo trì, nâng cấp. Mùa hè nóng bức, người dân thường sử dụng quạt, điều hòa, thiết bị làm mát và các phụ tải khác, khiến cho hệ thống điện bị quá tải, gây ra chập, cháy nổ.
Đối với công trình xây mới, có thể ban đầu người dân chỉ tính toán phụ tải cho các thiết bị sử dụng điện trong nhà, đủ để phục vụ nhu cầu ở của gia đình. Nhưng khi đưa công trình vào sử dụng thì lại chuyển đổi mục đích khác như cho thuê phòng trọ, hoặc kết hợp kinh doanh… Nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát khiến cho hệ thống điện, thiết bị điện trong công trình nhà ở bị quá tải, nguy cơ cháy nổ tăng cao.
Vụ cháy nhà ở riêng lẻ kết hợp trọ và kinh doanh sửa chữa xe máy điện làm chết 14 người ở số 1 ngách 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy và vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh vật liệu xây dựng làm chết 4 người ở số 207 phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai, cùng trên địa bàn Hà Nội, là những ví dụ điển hình về sự cố điện tạo ra nguồn cháy. Khi xảy ra sự cố, nguồn cháy này kết hợp với vật liệu có tính bắt cháy và cháy mạnh dẫn đến thiệt hại lớn, gây chết người nói trên.
PV: Theo Vụ trưởng, đối với nhà ở riêng lẻ, cần có những giải pháp nào để giảm nguy cơ cháy nổ, giảm thiệt hại về người và tài sản khi không may bị cháy?
Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh: Theo tôi, để giảm nguy cơ cháy nổ xảy ra, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo người dân tuân thủ mục đích, công năng ban đầu khi xây dựng công trình và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện, phụ tải. Các vật dụng dễ bắt lửa, dễ cháy cần đặt cách xa các vị trí có thể là điểm xuất phát nguồn cháy (như ổ điện, thiết bị đang sạc điện, bếp gas, nguồn lửa…).
Trường hợp muốn chuyển đổi nhà ở riêng lẻ sang cho thuê hay dùng cho mục đích kinh doanh, người dân nên thuê người có chuyên môn đến kiểm tra hệ thống điện, tính toán sao cho phù hợp với công suất, mục đích chuyển đổi, nhu cầu sản xuất rồi mới nâng cấp hệ thống đường dây điện, cầu chì, aptomat…
Tuy nhiên, cần lưu ý, trước khi chuyển đổi sang mục đích khác, người dân phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, trong đó có pháp luật về PCCC.
Đối với các công trình nhà ở riêng lẻ kết hợp với mục đích khác, có quy mô cao từ 7 tầng trở lên (hoặc có chiều cao PCCC từ 25m trở lên, hoặc có khối tích trên 5000m3) thì phải tuân thủ QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình; Thông tư 09/2023/TT-BXD ban hành sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.
Theo đó, giữa mỗi công năng khác nhau trong công trình phải được phân chia bằng các vách ngăn cháy, có giới hạn chịu lửa theo quy định của quy chuẩn. Tại mỗi khoang cháy có các hệ thống hút khói và lối thoát nạn.
Có nghĩa là với nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh thì phải có sự phân cách giữa không gian để kinh doanh và không gian để ở bằng các vách ngăn cháy, để khi xảy ra cháy ở công năng này thì không ảnh hưởng sang công năng khác. Mỗi công năng sẽ có thiết kế giải pháp PCCC riêng.
Vách ngăn cháy có thể bằng tường gạch, tường bê tông, tường thạch cao chịu nước. Tại các lối thoát nạn phải dùng cửa chống cháy, ngăn khói. Để phát hiện cháy sớm và cảnh báo cháy thì cần thiết phải lắp đặt hệ thống báo khói, báo cháy kết nối với chuông báo đến các gian phòng.
Chính quyền địa phương phải kiểm tra, nhắc nhở các hộ gia đình kinh doanh cần tuân thủ quy định, không cho phép các điểm bán hàng, kinh doanh tại nhà riêng lẻ tập kết quá nhiều hàng hóa như một nhà kho. Bởi khi xảy ra hỏa hoạn, các kho này không chỉ ảnh hưởng đến gia chủ mà còn ảnh hưởng đến các nhà liền kề.
Công trình nhà ở trở thành kho chứa hàng. Vật liệu dễ cháy nổ nằm ngổn ngang, chắn lối đi. |
PV: Dù các cơ quan chức năng tuyên truyền nhiều về việc không làm “chuồng cọp” quây kín ban công nhà ở hoặc nếu có “chuồng cọp” thì phải có cửa thoát nạn. Nhưng trên thực tế, nhiều vụ cháy xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người là do công trình không có lối thoát hiểm. Vụ trưởng nhận định gì về vấn đề này?
Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh: Mặc dù Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo và cơ quan chuyên môn đã đưa ra hướng dẫn về việc không làm “chuồng cọp” quây kín ban công, tum thang, tuy nhiên, trên thực tế nhiều công trình nhà ở mặt phố, nhà ở riêng lẻ chưa tuân thủ triệt để.
Tôi cho rằng, đối với những trường hợp nhà ở phải làm “chuồng cọp” thì phải mở lỗ thoát nạn khẩn cấp, bố trí các thang tụt, thang dây, lối thoát sang ban công mái nhà liền kề. Tránh trường hợp có lối thoát ra ban công nhưng không tiếp cận được vùng an toàn (như ban công nhà liền kề, tụt xuống tầng dưới hoặc mặt đất…).
Chính quyền các địa phương cùng cơ quan chuyên môn về PCCC tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức phòng cháy và kỹ năng thoát nạn khi có cháy cho người dân. Đồng thời hướng dẫn, vận động các hộ gia đình lắp đặt hệ thống báo khói, báo cháy tự động; tham gia tổ liên gia về PCCC; chuẩn bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ; trang bị mặt nạ chống nhiễm khói, đèn pin, dụng cụ cắt kim loại, phá kính, thang dây, thang tụt như đã nói ở trên… Đặc biệt, người dân cần được trang bị và thực hiện kỹ năng thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp khi có cháy.
Tầng bị cháy của công trình không có lối thoát nạn tiếp cận được vùng an toàn. |
PV: Vậy xin hỏi, đối với nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ quy mô nhỏ không áp dụng được Quy chuẩn 06:2022/BXD thì có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC không, thưa Vụ trưởng?
Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh: Với công trình nhà ở riêng lẻ quy mô nhỏ, không áp dụng được Quy chuẩn 06:2022 và sửa đổi 01:2023 Quy chuẩn 06:2022/BXD thì tùy theo loại hình có thể tham khảo các tiêu chuẩn TCVN 2622:1995 về PCCC cho nhà và công trình – yêu cầu thiết kế; Tiêu chuẩn TCVN 9411:2012 về Nhà ở liên kề – Tiêu chuẩn thiết kế…
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành Tiêu chuẩn TCVN Nhà ở riêng lẻ – Yêu cầu chung về thiết kế do các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng biên soạn (dự kiến công bố trong tháng 6/2024). Tiêu chuẩn này áp dụng cụ thể cho đối tượng là nhà ở riêng lẻ và nhà ở riêng lẻ kết hợp với mục đích kinh doanh có quy mô dưới 7 tầng (hoặc có chiều cao PCCC dưới 25m, hoặc có khối tích nhỏ hơn 5000m3).
Tiêu chuẩn có quy định chung và quy định chi tiết để xây mới hoặc cải tạo chuyển đổi công năng cho các công trình nhà ở riêng lẻ và nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh (có thể áp dụng cho nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ).
Đối với nhà ở riêng lẻ hiện hữu, chưa thể khắc phục triệt để các vấn đề về an toàn cháy, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an, Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Thành phố Hà Nội, Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ tình hình thực tiễn đã biên soạn “Tài liệu tham khảo Hướng dẫn nâng cao an toàn cháy đối với công trình hiện hữu”. Tài liệu tham khảo này cung cấp một số giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao an toàn cháy và giải pháp thoát nạn cho người khi có sự cố cháy.
PV: Trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!
Talkshow “Những điểm mới trong Dự thảo TCVN về Nhà ở riêng lẻ – Yêu cầu chung về thiết kế” |
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com