‘Sát thủ thầm lặng’ khiến hàng chục triệu người châu Á chết sớm
‘Sát thủ thầm lặng’ khiến hàng chục triệu người châu Á chết sớm
Đài CNA ngày 11.6 dẫn một nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU – Singapore) cho thấy lượng bụi mịn (PM2.5) trong không khí trong 4 thập niên qua có thể liên quan cái chết sớm của 135 triệu người trên toàn cầu.
Đáng chú ý, các chuyên gia ước tính rằng châu Á có số ca tử vong sớm cao nhất thế giới, với 98,1 triệu người, do ô nhiễm bụi mịn từ năm 1980-2020.
PM2.5 là chất gây ô nhiễm chủ yếu trong những thời điểm khói mù bao phủ diện tích lớn. PM2.5 là các hạt nhỏ hơn khoảng 30 lần so với chiều rộng của một sợi tóc trung bình, đặc biệt có hại cho sức khỏe con người nếu hít phải.
Bụi mịn xuất phát từ khí thải xe cộ, quy trình công nghiệp cũng như các nguồn tự nhiên như cháy rừng và bão bụi.
NTU cho biết nghiên cứu cũng phát hiện rằng các hiện tượng thời tiết như El Nino làm tồi tệ hơn tác động của bụi mịn, khi gia tăng sự tập trung của chúng trong không khí. Điều này dẫn đến sự gia tăng đến 14% các trường hợp tử vong sớm.
Theo nghiên cứu, tử vong sớm là các trường hợp tử vong xảy ra sớm hơn so với tuổi thọ trung bình, do các nguyên nhân có thể phòng ngừa hoặc điều trị được như bệnh tật hoặc yếu tố môi trường.
Các hạt PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi của mỗi người do kích thước rất nhỏ, dẫn đến các vấn đề sức khỏe, đặc biệt ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp.
“Chúng tôi nhận thấy xu hướng ngày càng gia tăng rõ ràng của các loại bệnh khác nhau, bao gồm hen suyễn, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Vì vậy, đây là điều chúng tôi thấy rất quan trọng, đây là tín hiệu cấp bách rằng chúng ta nên giảm thiểu vấn đề ô nhiễm không khí không chỉ ở một quốc gia mà trên toàn cầu”, theo phó giáo sư Steve Yim tại NTU, người dẫn đầu nghiên cứu.
Những người tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian dài có thể mắc bệnh tim, đột quỵ hoặc thậm chí là ung thư phổi không liên quan việc sử dụng thuốc lá.
“Chúng tôi thấy ngày càng nhiều người chưa bao giờ hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ, có thể mắc bệnh này và xu hướng này dường như đang gia tăng trong những thập niên qua”, theo chuyên gia Joseph Lung tại Trường Y Lee Kong Chian.
“Hiểu rõ những mô hình như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể chuẩn bị tốt hơn cho khả năng có thêm nhiều bệnh nhân tìm cách điều trị các bệnh liên quan ô nhiễm“, theo ông Lung.
Nghiên cứu ước tính rằng 1/3 số ca tử vong sớm xảy ra từ năm 1980 đến năm 2020 có liên quan đột quỵ. Một phần ba khác có liên quan bệnh tim thiếu máu cục bộ, trong khi phần còn lại có liên quan đến COPD, nhiễm trùng đường hô hấp dưới và ung thư phổi.
Bạn đang đọc ‘Sát thủ thầm lặng’ khiến hàng chục triệu người châu Á chết sớm tại website hungday.com