Siết ngân hàng ‘ép’ khách mua bảo hiểm

Tháng mười 15, 2024

Siết ngân hàng ‘ép’ khách mua bảo hiểm

Người dân bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa gửi tới sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV liên quan vấn đề người dân bị “ép” mua bảo hiểm (BH) khi vay vốn ngân hàng (NH). Cụ thể, trong thời gian qua, khi đi vay vốn ở các NH, nhất là các NH thương mại, người dân bị “cưỡng ép” phải mua các loại BH như BH nhân thọ, BH sức khỏe, BH cháy nổ… thì mới được giải ngân khoản vay. Tình trạng này gây bức xúc cho người dân.

Siết ngân hàng 'ép' khách mua bảo hiểm- Ảnh 1.

Các cơ quan quản lý đang tăng cường việc chấn chỉnh ngân hàng “ép” bán bảo hiểm cho khách hàng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Trả lời vấn đề này, NHNN cho biết pháp luật đã nghiêm cấm việc ép buộc khách hàng mua, giao kết ký hợp đồng BH. Cụ thể, khoản 5 điều 9 luật Kinh doanh BH năm 2022 và khoản 5 điều 15 luật Các tổ chức tín dụng 2024 đều quy định rõ hành vi này: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài gắn việc bán sản phẩm BH không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ NH dưới mọi hình thức”.

Không chỉ có cử tri Khánh Hòa mới bức xúc phản ánh tình trạng bị “ép” mua BH khi vay vốn NH. Ở một số địa phương, hiện tượng này vẫn còn xảy ra. Mới đây, anh N.S (Q.7, TP.HCM) cho biết khi làm hợp đồng vay vốn với số tiền lớn, anh cũng được nhân viên NH mời mua hợp đồng BH nhân thọ thì hồ sơ vay dễ dàng. Anh S. nói anh không phải là bị ép đúng nghĩa, nhưng nhân viên tín dụng cũng năn nỉ theo kiểu “ủng hộ” nên anh đành chọn mệnh giá thấp, chỉ đóng 1 triệu đồng/tháng để vui vẻ cả đôi bên. 

“Tôi cũng biết mua BH và ký vào hợp đồng là mang tính tự nguyện, thỏa thuận. Nếu bình thường thì tôi sẽ không mua vì chưa có nhu cầu, nhưng lúc làm hồ sơ vay vốn thì đang cần và nhân viên nói hỗ trợ đề xuất lãi suất ở mức phù hợp nên đồng ý. Chỉ riêng việc tiếp cận khách hàng thì các NH đã có lợi thế hơn nhân viên BH thông thường. Nếu nhân viên NH nào mà giờ nói theo kiểu bắt buộc là nhiều khách hàng không đồng ý đâu, vì không vay được chỗ này thì sang chỗ khác vay”, anh Sơn chia sẻ.

Thực tế thời gian qua, NHNN cũng thường xuyên có văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh hoạt động đại lý BH của các NH. Cụ thể, yêu cầu các NH nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đại lý BH, không để xảy ra trường hợp NH, người quản lý, người điều hành, nhân viên gắn việc bán sản phẩm BH không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ NH dưới mọi hình thức. Đồng thời, NHNN đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý BH, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định; tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý BH của các chi nhánh NH có tỷ lệ tái ký BH năm thứ 2 thấp…

Ngoài ra, NHNN và Bộ Tài chính đã trao đổi, làm việc và thống nhất thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ BH của NH; Cơ quan Thanh tra giám sát NH (NHNN) và Cục Quản lý, giám sát BH (Bộ Tài chính) đã ký kết quy chế phối hợp giữa hai đơn vị…

Thế nhưng thực tế vẫn còn những kiểu “năn nỉ” khiến khách hàng phải “tự nguyện” dù thực sự chưa có nhu cầu.

Cần gia tăng mức xử phạt như nêu rõ là phạt 100 triệu đồng/lượt vi phạm (hay tương ứng 100 triệu đồng/hợp đồng vi phạm) chứ không phải là 100 triệu đồng cho hành vi vi phạm (vì có khi một lần kiểm tra thì có vài trăm hợp đồng vi phạm).

TS Trần Nguyên Đán (ĐH Kinh tế TP.HCM)

Giám sát chặt việc thực hiện

Kể từ đầu tháng 7 vừa qua, luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực thi hành, trong đó quy định cấm NH bán BH không bắt buộc “gắn kèm” khoản vay, hay nói cách khác là “ép” khách hàng mua BH. Theo luật sư Trương Thanh Ðức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, quy định trên được hiểu rằng tổ chức tín dụng không được bán kèm với điều kiện phải mua BH thì mới được hạ lãi suất, cho vay, hay những điều kiện khác có tính chất ép buộc. Còn nếu tự nguyện, khách hàng có nhu cầu thì các NH vẫn được bán BH. Tuy nhiên, khi đã có cơ sở pháp lý rõ ràng thì người dân cần hiểu để có cơ sở khiếu nại, phản ánh nếu cảm thấy mình thật sự bị ép. 

Còn khi đã ký vào hợp đồng BH thì đó là thỏa thuận, tự nguyện. Bản thân các NH hay nhân viên tín dụng không được phép mập mờ như trước mà nên quy định rõ. Ví dụ như thỏa thuận khách hàng mua BH ở chỗ khác là giá như thế này, nhưng mua ở NH này sẽ có giá thấp hơn. Đó là thỏa thuận thông thường giữa hai bên. Tương tự như hoạt động cho vay của NH thì các khách hàng khác nhau sẽ có mức lãi suất khác nhau. Ví dụ khách hàng A có lãi suất thấp hơn khách hàng B do khách hàng đánh giá mức độ rủi ro khác nhau… 

“Tôi nghĩ rằng trước đây nhiều NH mập mờ, nhân viên tín dụng cũng cố chạy đua lấy chỉ tiêu bán BH để nhận hoa hồng nên cũng mập mờ và thông tin thì không công bố rõ. Hiện nay khi cơ sở pháp lý rõ ràng thì hoạt động này của các NH sẽ thận trọng hơn”, luật sư Trương Thanh Đức cho hay.

Trong khi đó, TS Trần Nguyên Đán (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng ngoài khung pháp lý thì quan trọng nhất là phải giám sát trong quá trình hoạt động. Trong luật không có định nghĩa khách hàng bị “ép” là như thế nào. Vì trên hợp đồng là giấy tờ thì đó là thỏa thuận, tự nguyện của khách hàng. Bên cạnh đó, thanh tra của cơ quan quản lý BH sẽ không có quyền và cũng không được kiểm tra các NH. Vì vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra NHNN và thanh tra quản lý BH để kiểm tra ở các NH có tỷ lệ tái ký hợp đồng BH năm thứ hai thấp. Khi đó, thanh tra NHNN có thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng sẽ nắm được lý do vì sao họ bỏ ngang hợp đồng.

Ngoài ra, mức xử phạt đối với việc vi phạm bán sản phẩm BH nhân thọ và BH sức khỏe bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng là còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khi các nhà băng mỗi năm có thể thu về vài chục tỉ đến hàng trăm tỉ đồng cho hoạt động này. Ông Trần Nguyên Đán đề nghị cần gia tăng mức xử phạt như nêu rõ là phạt 100 triệu đồng/lượt vi phạm (hay tương ứng 100 triệu đồng/hợp đồng vi phạm) chứ không phải là 100 triệu đồng cho hành vi vi phạm (vì có khi một lần kiểm tra thì có vài trăm hợp đồng vi phạm). Hay như việc thiết lập đường dây nóng để khách hàng phản ánh liên quan về hoạt động BH thì định kỳ công bố thông tin nhận được hoặc chuyển qua một đơn vị trung gian để thực hiện thì sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Các NH cần công khai rõ ràng về thông tin, giá sản phẩm BH, cũng như khi thỏa thuận trao đổi về lãi suất cho vay thì từng khách hàng sẽ khác nhau. Bản thân khách hàng cần hiểu rõ luật và có thể phản ánh nếu thấy bị ép, không cần nhắm mắt ký đại vì đó là mất tiền của mình. Còn nếu không thì khi đã ký vào hợp đồng BH là hợp đồng thương mại giữa hai bên.

Luật sư Trương Thanh Ðức, Giám đốc Công ty Luật ANVI