Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng: Còn nhiều vướng mắc trong Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư

Tháng mười 29, 2024

Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng: Còn nhiều vướng mắc trong Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư

(Xây dựng) – Trên cơ sở đề nghị của Cơ quan Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố về việc tham gia góp ý liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho biết, đối với các dự thảo Luật trên vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng thực hiện ở địa phương.

Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng: Còn nhiều vướng mắc trong Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư
Nguồn lực phát triển du lịch đường thủy nội địa, bến du thuyền theo quy mô dự án PPP trong lĩnh vực giao thông vận tải chưa đảm bảo như quy định.

Liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đố tác công tư, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho rằng: Hiện nay, các dự án đầu tư cảng thủy nội địa, bến du thuyền, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố đang được các nhà đầu tư quan tâm, việc tận dụng các nguồn lực từ xã hội là cần thiết để phát triển hạ tầng giao thông, giảm áp lực cho ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên, với dư địa về đất đai, nguồn lực của thành phố và quy hoạch giao thông tĩnh, định hướng phát triển du lịch đường thủy nội địa, bến du thuyền thì quy mô dự án PPP trong lĩnh vực giao thông vận tải chưa đảm bảo như quy định.

Qua nghiên cứu dự thảo, thống nhất với đề xuất điều chỉnh điều 4 theo hướng bãi bỏ về hạn mức quy mô tối thiểu đồng thời nghiên cứu bổ sung trong dự thảo về nội dung liên quan đến giao cho HĐND cấp tỉnh chủ động ban hành quy định xác định về hạn mức tối thiểu cho phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Tại điều 19 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có yêu cầu thể hiện trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với nội dung liên quan đến “thời hạn Hợp đồng”, tuy nhiên trên thực tế nội dung này chỉ có thể xác định sau khi hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư và ký kết Hợp đồng dự án. Tại điều 51, thời hạn hợp đồng dự án PPP, đề nghị nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định về đơn vị có thẩm quyền xác định “thời hạn Hợp đồng” cũng như các thủ tục điều chỉnh thời hạn hợp đồng trong quá trình triển khai.

Đối với các nội dung liên quan đến dự án BT chuyển tiếp, điều 18 dự thảo Luật đã quy định đối với lãi vay trong thời gian xây dựng, lợi nhuận hợp lý nhưng vẫn chưa quy định về cấp có thẩm quyền thống nhất việc được tính vào tổng mức đầu tư dự án là cơ quan phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hay cơ quan ký kết hợp đồng dự án.

Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng: Còn nhiều vướng mắc trong Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư
Sở Giao thông vận tải kiến nghị xem xét, điều chỉnh Luật Đấu thầu cho phù hợp, tăng hạn mức chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự toán mua sắm tương tự như dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, nhất là trong việc sửa chữa, khắc phục khẩn cấp các bất cập về tổ chức giao thông.

Đối với Luật Đấu thầu, hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, trong đó các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc được tham gia thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo các hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng và không phải ký hợp đồng, do đó đề nghị điều chỉnh nội dung sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 7, điều 3 cho phù hợp.

Theo ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang thực hiện nhiều nhiệm vụ về sửa chữa, khắc phục các bất cập về tổ chức giao thông. Đây là công việc mang tính cấp bách, cần được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành trong thời gian ngắn nhất nhằm tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại tuyến đường trên địa bàn thành phố, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, tránh gây các hậu quả đáng tiếc đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm m, khoản 1, điều 23 của Luật Đấu thầu quy định đối với các gói thầu bảo trì công trình giao thông đường bộ sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên chỉ được hạn mức chỉ định thầu dưới 100 triệu đồng.

Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn cũng như lựa chọn nhà thầu xây lắp phải tốn rất nhiều thời gian thực hiện, trung bình khoảng 60 ngày. Các trình tự thực hiện công trình vẫn tuân thủ theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng dẫn đến các đơn vị gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, kéo dài thời gian triển khai thi công hoàn thành. Do đó, Sở Giao thông vận tải kiến nghị xem xét, điều chỉnh Luật Đấu thầu cho phù hợp, tăng hạn mức chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự toán mua sắm tương tự như dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.

Ngoài ra tại điểm b, khoản 1, điều 23 Luật Đấu thầu nêu: Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; nhưng lại không định nghĩa, hướng dẫn về trường hợp “cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn” dẫn đến nhiều lúng túng, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về việc điều chỉnh, sửa đổi Hợp đồng, theo quy định tại khoản 2, điều 70 Luật Đấu thầu: “Đối với việc sửa đổi về tiến độ, khối lượng, giá chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng, trừ trường hợp áp dụng tùy chọn mua thêm”. Trong quá trình thực hiện, Sở Giao thông vận tải nhận thấy nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh tiến độ thực hiện gói thầu theo quy định nêu trên. Nguyên nhân, việc trình cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn, điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng thông thường chỉ được triển khai thực hiện khi gần hết hạn thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng và kèm theo nhiều thủ tục pháp lý liên quan, dẫn đến khi có văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền sẽ nằm ngoài thời gian thực hiện gói thầu và việc ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh sẽ không phù hợp với quy định nêu trên. Để thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét sửa đổi quy định trên theo hướng “Đối với việc sửa đổi về tiến độ, khối lượng, giá chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng hoặc theo văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp áp dụng tùy chọn mua thêm” hoặc sửa đổi “Đối với việc sửa đổi về khối lượng, giá chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng, trừ trường hợp áp dụng tùy chọn mua thêm”.