Soạn giả Tô Thiên Kiều: Các nghệ sĩ trẻ ‘hát chùa’ là thiếu tôn trọng tác giả
Soạn giả Tô Thiên Kiều: Các nghệ sĩ trẻ ‘hát chùa’ là thiếu tôn trọng tác giả
Theo soạn giả Tô Thiên Kiều, luật tác quyền ngày trước không được quy định rõ ràng như hiện tại, chỉ dừng lại ở mức đơn giản là những trao đổi cá nhân. Ngày nay, để tái hiện những vở cải lương kinh điển, nhà sản xuất phải nhận được sự đồng ý của tác giả. Tuy nhiên theo thời gian, các nhạc sĩ lớn tuổi qua đời, người nhà không còn ai làm nghệ thuật nên rất khó để liên lạc xin phép.
Song, soạn giả Tô Thiên Kiều cho rằng có nhiều cách để tìm thông tin liên lạc của tác giả nhằm xin phép tác quyền, quan trọng là thành ý của mỗi người. Nữ soạn giả lấy ví dụ người sản xuất có thể tìm đến các tổ chức như Hội sân khấu, Cục tác quyền… để nhờ giúp đỡ. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian, làm tiến độ công việc bị chậm trễ. Đây là một trong những khó khăn khác về chuyện tác quyền cải lương ở hiện tại.
Vi phạm tác quyền cũng là một vấn đề nổi cộm hiện nay, khi có nhiều tình trạng sử dụng các tác phẩm tân cổ mà không có sự xin phép. Theo soạn giả Tô Thiên Kiều, nhiều nghệ sĩ trẻ ngày nay thường sử dụng các bài hát mà không hề liên lạc với tác giả để xin phép. Điều này không chỉ vi phạm về mặt tác quyền mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng tác giả. Khách mời nhấn mạnh “dù nghệ sĩ biểu diễn ca khúc trong một chương trình nhỏ, không ghi hình hay phát trực tiếp thì vẫn phải liên lạc xin phép. Và hầu như các nhạc sĩ đều sẽ đồng ý nhưng quan trọng hơn hết là lời xin phép thể hiện sự tôn trọng của nghệ sĩ đối với tác giả”.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là việc vi phạm tác quyền không chỉ gây thiệt thòi cho tác giả, mà còn tạo ra những hệ lụy pháp lý phức tạp. Vì cải lương là một bộ môn đặc thù, có thể kết hợp nhiều thể loại khác nhau như tân cổ. Do đó, khi nghệ sĩ muốn hát một bài tân cổ thì trước tiên cần phải liên lạc với nhạc sĩ để nhận được sự đồng ý rồi mới liên hệ với tác giả viết lời ca cổ. Từ đây dẫn đến khó khăn trong việc liên lạc với nhạc sĩ để xin phép.
Một trường hợp éo le mà Tô Thiên Kiều gặp phải là khi chị viết bài tân cổ cho một nghệ sĩ cách đây hơn 10 năm. Sau này, nghệ sĩ dùng bài hát tân cổ để biểu diễn trong một chương trình khác mà không có sự xin phép nhạc sĩ, chỉ có sự đồng ý của Tô Thiên Kiều. Thậm chí, chương trình ấy còn ghi sai tên nhạc sĩ khiến soạn giả Tô Thiên Kiều bị kiện và lập biên bản.
Từ những kinh nghiệm cá nhân, soạn giả Tô Thiên Kiều nhắn nhủ với các nhà sản xuất, nghệ sĩ và các bạn trẻ đang theo đuổi nghề viết cải lương rằng: “Khi viết một bài tân cổ thì bản thân người đặt hàng hoặc chương trình phải làm việc với nhạc sĩ và chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm về phần lời vọng cổ”.