Sống đời những tiệm sách cũ

Tháng tám 19, 2024

2021 – Ghi ở 534 Đường Láng
Mười năm loanh quanh trong sách vở, sờ lần vào khá nhiều thứ, may mắn của tôi là được chứng kiến đúng cái giai đoạn nhiều vật đổi sao dời của xuất bản. Nhất là những quyển gì ngày xưa 10k đồng giá ở đường tàu, thế rồi một sự kiện gì đó xảy ra, chẳng hạn Nobel, thì lập tức trở lại huy hoàng như một trùm buôn ma tuý giải nghệ.Tiki và Shopee xuất hiện, mang đến một số cái, nhưng làm biến mất một số cái khác, chẳng hạn như quyền được chui xuống dưới gầm, rúc trong xó của một số quyển sách – mà cách đây bảy năm nó chính là điều quyến rũ nhất của nhiều tiệm sách. Nhớ có lần tôi từng vớ được một cuốn của Paul Ricouer “Chính mình như một người khác” – dưới gầm của Đông Tây, trông rất bẩn). Một số cuốn sách cũng có thể được mua vì thương hại. Tức là có một dạng tình cảm giữa khách mua và quyển sách.
Một số người giỏi mua sách sẽ biết cách liếc đúng chỗ. Vì từng dầm dề bán sách cũ cho một tay chơi, tôi có trực giác nhạy bén đến mức người nào bước vào cửa hàng sách và đi đến chỗ nào đầu tiên, ta có thể đoán ngay hắn ta thuộc loại nào, có biết gì về sách vở hay không và là dân đọc hay dân sưu tầm. Quán quân của môn nhìn sách này là tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến Viện Văn Học. Nếu muốn mua sách tốt hãy lẽo đẽo đi theo thầy Tiến Mông.
Tôi cũng biết một vài người yêu sách lắm lắm, không ngại bỏ ra nhiều tiền, nhưng nhiều năm sau gặp lại vẫn thấy hắn không tiến triển gì hơn về tư duy: hình như hắn chỉ vào hiệu sách năm xưa chỉ để chăm chăm đi tìm một thứ mà đời cướp mất của hắn thì phải.Ừ đúng, mỗi kẻ đi vào tiệm sách năm xưa, những người liếc sách, sờ sách, chê bai sách… đều có một số phận riêng. Một số người bước ra khỏi tiệm sách đã thành danh trong xã hội, một số người đã bị ma lực của những cuốn sách trong gầm chôn vùi.
Từ bán sách vỉa hè đến làm sách trong đơn vị xuất bản là đi lên hay đi xuống? Bằng tất cả niềm tự hào và tôn trọng, tôi chắc chắn đó là đi xuống. Năm xưa khách hàng của chúng tôi là những con người với màu sắc riêng biệt, dù chỉ ghé qua một lần nhưng mãi mãi không thể quên trong đời. Nhưng bán sách online thì khác, chỉ toàn là dữ liệu và dữ liệu. Cái trend hoạt hoạ avatar kia chính là đỉnh điểm của một cuộc gì đó đã xong xuôi.
2015 – Ghi ở tiệm sách 332 Nguyễn Trãi
Ở đây tôi không có tuổi, không có khuôn mặt. Vì tôi không thấy ai bằng, hay kém hay hơn tuổi tôi. và vì khuôn mặt tôi giấu phía sau những cuốn sách, phía sau kệ sách. Và với sự tự do tuyệt vời đó, tôi có thể chọn việc cứ ở yên đó, hoặc bước ra đối thoại vài câu không phải trong tư cách người bán hàng. Ở đây, tôi được là người khác: là sứ giả của sách, là kẻ đại diện của cuộc giao dịch, là bản tin quảng cáo và quan trọng nhất là người khán giả trung thành có diễm phúc được say mê nhìn ngắm sân khấu của những người đã đến đây. Khách hàng –  Chính họ là hạnh phúc của tôi: sự xuất hiện của họ, mối quan tâm của họ, sự khác nhau giữa họ, tâm trạng mà họ mang theo, thói quen của họ. Họ không hề diễn mà vẫn mang lại cho tôi một sân khấu. Đó có thể là lý do quan trọng, khiến tôi ngồi ở lại cửa hàng này, chịu đựng sự vô nghĩa của tất cả mọi buổi chiều chỉ để chờ đợi. 
Một ngày tôi gặp không biết bao nhiêu người. có thể là một vài nhân vật trong làng chơi sách, luôn mang theo túi vải, đầy ắp sự hiểu biết. Họ say sưa nói về những cuốn sách họ đang tìm kiếm ( Giá trị của một người chơi sách nằm ở chỗ anh đang đi khắp nơi để tìm kiếm cuốn gì), ngay cả khi đã đội mũ lên, chào ra về. Hôm sau bạn sẽ thấy họ quay lại và tiếp tục kể những chuyện đó. Thế giới của họ là những câu chuyện về sách và về những người như họ. Nhưng khi nói về một nhân vật văn học mà họ thích, thường họ phải lục tìm trong quá khứ xa vời. Họ không thuộc về thế giới trong sách, thực ra sách thuộc về thế giới của họ mới đúng. Và vì sao ta gọi họ là “người chơi”. 
Phần lớn là tôi gặp giới nghiên cứu. Họ luôn tỏ ra không có thời gian, không thích chuyện phiếm, sẵn sàng vung tiền và nghiêm túc quá mức khi đắn đo tìm hiểu xem cuốn sách có được việc với họ hay không. Việc nghiên cứu khoa học theo tôi thì lãng mạn đến mức không bị che mờ bởi sự nhạt nhẽo mà họ bộc lộ. Thế nên chỉ thấy được họ qua những chi tiết nhỏ: chị Lê – giảng viên khoa Văn – luôn xuất hiện trong bộ đầm rất duyên dáng, nhưng rồi luôn làm nó bẩn đi vì bụi và mồ hôi khi “bới sách”. Một hình ảnh không mới lạ, nhưng lặp đi lặp lại khiến tôi buồn cười và sẽ còn nhớ lâu. Tất cả những gì thuộc về vẻ ngoài của giới nghiên cứu hoá ra lại chỉ để chứng minh cho chính sự vô nghĩa của nó. Khi thầy Định – một nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng hay qua mua sách – đang trong một bộ vest thì thực ra chúng ta phải hiểu thế này: bộ Vest đó không thay thế cho vẻ đẹp trí tuệ của anh. Sự tồn tại với mục tiêu phủ nhận chính mình, hay nói một cách hài hước, sự tự sát của xiêm áo. Và mặc dù những người như chị Lê luôn cười khẩy khi tôi tán chuyện về những vấn đề học thuật trong chuyên môn của chị (tôi hiểu đó là nụ cười dành cho kẻ ngây thơ – chứ không phải kém hiểu biết – hơn mình), thì tôi vẫn giữ những tình cảm đặc biệt cho họ: những người đã vong thân triệt để vào đam mê khoa học.
Cũng là sứ giả của khoa học, nhưng các bạn sinh viên thì đáng yêu hơn nhiều. Cũng bởi vì tôi có thể trò chuyện với họ như bạn bè: họ chưa có cảm giác của thứ bậc trong giới học thuật với nhau. Tôi nhớ một cô bé khoa Xã Hội Học, có ánh mắt quyết đoán và đầy cá tính, không bao giờ ăn mặc chỉn chu, luôn luôn tìm mua sách Pháp văn – tôi tin là có một trình độ thượng thừa phía sau vẻ ngoài đó. Tôi còn nhớ cả cậu bạn lúc nào cũng tìm văn học Nga với sự xục xạo thèm muốn, dù không ít lần thất vọng. Họ mang lại cho tôi sự lạc quan: rằng bọn trẻ ngày nay vẫn còn đọc sách, vẫn ham hiểu biết và vẫn yêu văn chương.
Có cả những người bạn thật sự. Những ông anh khoa Triết đi học buổi tối thường chỉ chào hỏi qua loa vài ba câu. Nhưng thế là cũng đủ cho tôi, họ xuất hiện như một điều hiền lành ném vào giữa cuộc đời dữ dội. Và suy rộng ra, những sân khấu ngoài kia luôn có những người như họ,để tiếp thêm sự lạc quan cho chúng ta. Cũng có những người hay trà đá trò chuyện với tôi. Chúng tôi kể nhau nghe nhiều điều và đôi khi tôi cảm thấy rằng đã hiểu cả những éo le trong đời họ. Rồi họ đứng lên, ra về và sẽ còn lâu tôi mới gặp lại. Một chút buồn nhẹ như thể gặp một người bạn tâm giao trong thoáng chốc, cứ như thể cuộc tương phùng đó quan trọng lắm, cuộc đời chúng tôi quan trọng lắm… 
Cuối cùng khi họ đi, mang theo câu chuyện của họ, khoa học của họ, đam mê của họ, mang theo những ông Dostoevsky, Stefan Zweig, Từ Chi, Nguyễn Văn Trung… của họ… Tôi lại ở lại trên phố về với vai nhân vật chính của đời tôi: vai mà có nhiều khi tôi không muốn tiếp tục nữa. Thi thoảng tôi nghĩ về họ và tôi sẽ viết những  dòng này về họ, có thể nó không đúng kịch bản tôi tưởng tượng ra. Nhưng tôi hiểu với rất nhiều niềm đam mê trong mình, được đối thoại, được viết mới là khi tôi được sống. Sẽ không khỏi xuất hiện những tình cảm tiêu cực – như kiểu chán ghét – với nơi này. 
Đôi khi tôi muốn nhìn kỹ xem những người tôi gặp, có mảy may bộc lộ chút tâm trạng nào về đời sống hiện sinh của riêng họ. Và có lần tôi không khỏi rùng mình khi hình như mình đã thấy. Nhưng thật ra đó lại là tâm trạng của tôi, khi tôi nhìn ra sự cô đơn, mệt mỏi ở cái tuổi của họ, mà tháng năm đang đưa tôi đến. Khi bạn ở một nơi không gian cố định, cái ám ảnh bạn sẽ là thời gian. Khi còn trẻ, phía trước bạn là tương lai phơi phới, tức là sự sống. Nhưng khi bước qua tuổi 30, phía trước bạn là cái chết. Khi bạn thành người lớn, thực chất bạn đã bị bỏ rơi. Bạn là một huyền thoại, một ảo tưởng về sự vững vàng và độc lập trong mắt người khác. Bạn không có gì để hứa hẹn với họ cả, trong mắt họ, bạn không còn tiềm năng để sống một cuộc sống khác với cuộc sống buồn tẻ của họ mà họ đã thừa biết. Bạn không còn là cơn gió mát lành thổi vào đời, giống như khi còn trẻ. Trong tuổi trẻ, ngay cả sự chán đời cũng đẹp đẽ. Tuổi trẻ hết thì sự đẹp đẽ đó không còn. Và vì thế, người lớn là một bi kịch. Người ta lấy kiến thức, thú vui gia đình, con cái để bù đắp cho bi kịch này. 
Cũng giống như tất cả những nơi tôi đã đi qua, khi hình bóng của nó mờ vào quá khứ, mới thấy nó đẹp dịu dàng. Nó tựa như ly rượu, tựa như người tôi yêu, tựa như khói thuốc, tựa như tất cả những gì đã làm tôi say đắm trong đời tôi. Trong cô đơn riêng mình, đôi lúc tôi thấy da diết yêu những kỷ niệm, đôi lúc tôi muốn đối thoại với con người: không phải là những cuộc nói chuyện xã giao nơi người ta cùng chơi trò chơi ký hiệu.
2023 – Ghi ở Bookworm
Hôm nay ngồi sách cũ đọc du kích và chồng lấn những trang sách khác nhau. Cuốn bút ký của một nhà văn Thái Bình có văn chương tuy bình thường nhưng kể câu chuyện thật cảm động về người lính hậu chiến bị tổn thương thần kinh, lang thang mò mẫm không thấy đường về, hai tay ôm mặt khóc vì quá khứ trong đã bị hai mảnh đạn xoá biến. Chưa đọc đoạn sau thì tôi mở một truyện ngắn 3000 chữ mang tính hồi ức của Mai Thảo: một anh chàng nọ bỏ vợ con, mẹ già, bỏ làng xóm vào Nam Kỳ, mặc bà mẹ chạy ra đê quỳ xuống niú chân. Cô vợ vẫn ở nhà chờ đợi, sớm khuya nuôi đứa nhỏ và viết thư, cứ nghe tin anh ở đâu thì cô viết thư gửi vào đấy – những địa chỉ mù mờ. Thế rồi hiệp định Geneve được ký, cô và cậu bé Thảo lênh đênh theo vào nam. Một đận nọ, Thảo tình cờ gặp người anh cũ, giờ sống nghèo khổ giữa Sài Gòn, nhưng đã có vợ mới người nam. Anh đã quên hẳn người vợ còm cõi ở xứ bắc – con người đáng thương “không hề có một dấu vết đổi thay bé nhỏ nào, mà chỉ là những sắc màu bền vững nhất của chung thuỷ”. Thảo nghĩ đó không phải việc của mình, nhưng cũng kể với anh là người vợ xưa đã theo vào nam, cô ấy không hề lấy chồng mới như tin đồn. Đọc đến đây tôi mò sang một quyển sách mới được giới thiệu bởi Đặng Lê Nguyên Vũ, tác giả – có vẻ như người Nhật – phân tích vi tế về viễn cảnh thế giới khoảng 50 năm nữa dựa trên hiểu biết đa ngành về khoa học, chẳng biết tôi còn sống đến lúc đó. Trí tuệ nhân tạo sẽ như wifi bây giờ, có ở mọi nơi trong không khí, chip gắn ở khắp nẻo, trở nên phổ dụng và nhạt nhẽo; con người trở thành thánh thần thực thụ, coi internet qua kính áp tròng; dù có muốn hay không thì những nước như Việt Nam ta vẫn được hưởng sức mạnh chung của công nghệ do thế giới làm ra. Tôi trở lại với người lính trong bút ký, ông đã đi lạc được bảy năm. Đọc thêm được ba dòng thì chợt cảm thấy sẽ một cái kết đẹp ở trước mắt: cái kết cổ tích nhưng sẽ mất đi của tôi niềm xúc động ích kỷ. Buồn cho tác phẩm nhưng mừng cho người lính khổ. Dường như giờ ông vẫn còn sống, đã tìm được gia đình. Ngón tay vui tôi dở lướt cuốn sách, ở một trang khác là cảnh người lính trở về không có nhà và nhận ra là vợ con, lẫn mẹ đều đã mất, dân làng đang dựng cho anh một cái lán lợp rạ. Cuốn sách của ông người Nhật không ngờ về cuối đã đi xa đến mức khó tưởng tượng: trong tương lai khả kiến, ta sẽ đến một nền văn minh mới, với một loài người mới, với những sức mạnh tinh thần vượt xa bây giờ, phải chăng có thể kiểm soát được mọi cảm xúc và bao dung vô độ. Vật lý đổi thay. Định luật Moore sụp đổ. Nhưng cách đó chỉ một thế kỷ, trong truyện ngắn kia của Mai Thảo, bẵng đi một thời gian dài khi tóc nhân vật chính đã bạc, thanh niên Thảo mới tình cờ gặp người anh cũ. Cái kết thật có hậu khi chia ly đã đoàn tụ, bằng sự chấp nhận lẫn nhau của hai người phụ nữ. Và đó là mùa xuân đầu tiên theo phiên bản của Mai Thảo. “Hành động này tôi thấy như một bông hoa vừa nở lên giữa thiên nhiên, trong cuộc đời, thành mùa xuân thứ nhất sau 18 năm không có mùa xuân”. Ít nhất thì ta hiểu rằng họ đã sống tốt cho đến khi nhận ra cuộc chiến hai bên vĩ tuyến vẫn phải phân thắng bại.
Bây giờ đã là nửa cuối của năm 2023, nhưng chắc hôm nay tôi tự thấy mình đang ngồi nơi chính giữa một thế kỷ.
(Còn nữa)