‘Sống gửi’ trên đất chồng lấn

Tháng sáu 10, 2024

‘Sống gửi’ trên đất chồng lấn

Sau nhiều lần thành lập, chia tách các đơn vị hành chính, tại Kon Tum và Quảng Nam xuất hiện chồng lấn địa giới. Đặc biệt hiện có 238 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu (100% là đồng bào dân tộc thiểu số) thuộc thôn 3 của xã Trà Vinh, H.Nam Trà My (Quảng Nam) đang sinh sống, canh tác trên địa bàn xã Đăk Nên, H.Kon Plông (Kon Tum). Hiện trạng này gây khó khăn cho cả hai tỉnh trong việc quản lý dân cư, đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ dân sinh.

Ngôi làng nhiều cái không

Không đường giao thông, không trạm y tế, không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại… là những gì mà chúng tôi thấy rõ khi đến thôn 3, xã Trà Vinh của huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam). Do vướng mắc địa giới hành chính giữa 2 địa phương khiến bà con nơi đây phải sống cảnh tự cung tự cấp suốt hàng chục năm qua.

'Sống gửi' trên đất chồng lấn- Ảnh 1.

Một góc thôn 3, xã Trà Vinh, nơi chồng lấn địa giới hành chính

Mạnh Cường

Để đến ngôi làng có nhiều cái không này, chúng tôi phải vượt qua con đường núi độc đạo rộng chưa đầy 2 m nhưng có đến hàng chục điểm dốc dựng đứng, quanh co. Gọi là đường nhưng thực ra đây chỉ là lối mòn do dân tự mở trước đây để tiện đi lại. Nay, nhờ nguồn vốn xã hội hóa, đoạn đường này mới được mở rộng, cải tạo thêm chút ít cho xe máy ra vào.

Ngồi trước mái hiên căn nhà gỗ, mặt hướng về phía đỉnh núi Ngọc Linh, chị Hồ Thị Hạnh (43 tuổi) nói với giọng đầy buồn bã: “Cuộc sống của bà con nơi đây đều phụ thuộc vào trời! Trời thương thì còn có ăn, còn không thì đành chịu”. Theo lời chị Hạnh, cách đây 3 năm, gia đình chị sở hữu tài sản lớn nhất là 4 con bò, nhưng không may bị dịch bệnh nên chết hết. Giờ chỉ còn trông chờ vào mấy sào lúa rẫy. Trong làng có 2 điểm trường để dạy học cho trẻ em từ mầm non đến lớp 3, nhưng cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Hàng trăm hộ dân ở ngôi làng “biệt lập” này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thiếu thốn; đặc biệt là khi ốm đau, bệnh tật. “Do đường sá xa xôi nên từ làng đến trung tâm y tế huyện cách hàng chục cây số. Mỗi lần trong làng có người bị bệnh chỉ biết khiêng bộ bằng võng, đi vài giờ mới tới nơi. Do mất “giờ vàng” chữa bệnh khiến nhiều người không qua khỏi. Chưa kể, những năm gần đây có nhiều thanh niên còn rất trẻ, vô tình trượt chân ngã rồi mất. Nếu được chăm sóc y tế kịp thời, biết đâu họ đã không phải chết!”, chị Hạnh nói với giọng trầm tư.

Dân mong 2 tỉnh sớm điều chỉnh

Căn nhà nhỏ của gia đình ông Đình Toàn (73 tuổi), nằm chênh vênh trên sườn đồi. Ông Toàn lấy ra tờ giấy đã ố vàng, ám khói đen ghi tên đất, tên làng như để chứng minh chắc nịch ông là công dân của Quảng Nam. “Mồ mả tổ tiên và bà con họ hàng đều ở xã Trà Vinh nên chúng tôi không đi đâu cả. Tại các cuộc đã bỏ phiếu lấy ý kiến thăm dò về “đi hay ở” của ngành chuyên môn hai tỉnh, 100% người dân chúng tôi đều chọn ở lại. Chúng tôi vẫn muốn tiếp tục là người của tỉnh Quảng Nam như những thế hệ đi trước. Mong muốn lớn nhất của người dân bây giờ là chính quyền hai tỉnh sớm điều chỉnh địa giới hành chính để cuộc sống bà con bớt khổ”, ông Toàn quả quyết.

'Sống gửi' trên đất chồng lấn- Ảnh 2.

Con đường độc đạo dẫn vào thôn 3, xã Trà Vinh

Mạnh Cường

Ông Nguyễn Thanh Chim, Trưởng thôn 3, cho biết toàn làng có 238 hộ dân nhưng gần như 100% hộ nghèo. Bà con chủ yếu trồng chè, chuối, cây ăn quả để tự cung tự cấp hằng ngày, thu nhập chính từ việc lấy rau rừng và trồng quế. Cái khó khăn nhất hiện nay là do chồng lấn đất đai hai tỉnh nên cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư. “Ngoài thiếu điện, còn thiếu đường, trạm, chợ, sóng điện thoại… Nói chung ở đây khó khăn nhiều lắm, cái gì cũng thiếu thốn. Mong muốn lớn nhất của người dân là chính quyền hai tỉnh sớm giải quyết vướng mắc về chồng lấn địa giới để đầu tư điện, đường, trường, trạm cho người dân thuận lợi sản xuất, ổn định đời sống, con em có trường học gần nhà”, ông Chim nói.

“Cuộc sống người dân cần phải được đảm bảo”

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho hay việc chồng lấn địa giới giữa 2 địa phương chưa được giải quyết nên không thể đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều này làm đời sống người dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn; việc đi lại, giao thương hàng hóa bị ách tắc; sinh hoạt hằng ngày không đảm bảo; việc học tập của trẻ em bị gián đoạn, không đảm bảo an toàn khi điểm dạy và học tạm bợ, xuống cấp…

'Sống gửi' trên đất chồng lấn- Ảnh 3.

Người dân thôn 3 đi lấy ý kiến về việc “đi hay ở”

Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác giáo dục và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, đầu năm 2024, UBND xã Trà Vinh đã kêu gọi các nhà tài trợ xóa điểm trường tạm, làm cầu treo qua sông suối nhỏ… Việc xây trường học và làm cầu treo được thực hiện trên địa điểm cũ, sẵn có nên không gây tác động đến môi trường sinh thái hoặc rừng tự nhiên. Tuy nhiên, vừa qua, UBND xã Đắk Nên đã lập biên bản buộc tạm dừng thi công hai dự án này. Đồng thời, có văn bản yêu cầu phối hợp dừng thi công các công trình trên địa bàn xã Đắk Nên quản lý. “Giải quyết vấn đề chồng lấn địa giới hành chính là việc của 2 địa phương, nhưng cuộc sống người dân cần phải được đảm bảo những yêu cầu tối thiểu”, ông Dũng nói.

Hàng chục năm trôi qua, xã hội đã có nhiều thay đổi nhưng cuộc sống người dân ở ngôi làng này vẫn chật vật giữa “thâm sơn cùng cốc”. Họ vẫn sống cuộc sống biệt lập với bên ngoài. Mơ ước về một sự đổi thay có lẽ còn quá xa vời khi vấn đề tranh chấp địa giới hành chính giữa hai địa phương không sớm được tháo gỡ.

Kiến nghị Bộ Nội vụ tháo gỡ

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho hay tổng diện tích khu vực chồng lấn giữa địa phương với Kon Tum là gần 6.200 ha đất tự nhiên, với chiều dài toàn tuyến vướng mắc trên 10 km; diện tích thực tế khu vực có người dân xã Trà Vinh sinh sống được khoanh vẽ hơn 3.000 ha. Từ năm 2008 – 2021, các ngành, địa phương của 2 tỉnh đã nhiều lần tổ chức làm việc nhưng chưa thống nhất phương án giải quyết. Sau đó, Quảng Nam và Kon Tum đã thành lập tổ khảo sát liên ngành để khảo sát thực địa, lấy ý kiến nhân dân tại khu vực tranh chấp.

Kết quả khảo sát cho thấy có trên 99% hộ dân xã Trà Vinh đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính phần diện tích thôn 3, xã Trà Vinh (phần nằm trên địa phận xã Đăk Nên) về xã Trà Vinh. Chính vì vậy, từ thực tế quản lý và nguyện vọng của người dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức làm việc để giải quyết dứt điểm vướng mắc về địa giới hành chính giữa hai địa phương. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh phần diện tích thực tế khu vực có dân cư xã Trà Vinh sinh sống (hơn 3.000 ha) thuộc địa phận của xã Đắk Nên về xã Trà Vinh.

Về phía Kon Tum, lãnh đạo tỉnh khẳng định quan điểm là sớm có phương án thống nhất, nhằm giải quyết khó khăn cho người dân. Tuy nhiên khi “trả” người dân về tỉnh Quảng Nam, có một số vấn đề đặt ra. Cụ thể, người dân xã Trà Vinh đã canh tác, sinh sống trên địa bàn xã Đăk Nên từ lâu với diện tích đất nông nghiệp hơn 3.000 ha. Khi người dân được “trả” về với tỉnh Quảng Nam thì diện tích đất này cũng phải giải quyết. Theo chính quyền xã Đắk Nên (H.Kon Plông, Kon Tum), việc chuyển hơn 3.000 ha đất của xã Đắk Nên về xã Trà Vinh (Quảng Nam) là không thể bởi theo Chỉ thị 364, địa giới hành chính đã được xác định từ năm 1991. Mặt khác, khu đất này thuộc dạng bằng phẳng, màu mỡ và vẫn có người dân của xã Đắk Nên đang canh tác.

Từ đó lãnh đạo tỉnh Kon Tum đề nghị được hoán đổi diện tích đất tương đương. Cụ thể nếu Kon Tum giao diện tích đất người dân đang canh tác cho tỉnh Quảng Nam thì Quảng Nam phải giao lại diện tích đất tương đương ở vị trí khác giáp ranh giữa 2 tỉnh.

Đức Nhật


Bạn đang đọc ‘Sống gửi’ trên đất chồng lấn tại website hungday.com