Sống là chính mình có phải cái cớ để lười biếng, dễ dãi với bản thân?
Tháng tám 1, 2024
Ngoại hình bình thường, năng lực bình thường, tính cách bình thường. Chúng ta ghét vô cùng cái sự bình thường đó ở mình.
Và trên hành trình nỗ lực để khẳng định bản thân xuất sắc, để trở nên “không còn bình thường” nữa, ta bỏ rơi mất mình, để đổi lấy sự chấp nhận của mọi người. Ta đánh đổi những gì chân thật là mình nhất để lấy được sự công nhận của đám đông bên ngoài. Cô đơn trên hành trình, cảm giác trống rỗng trong ta ngày một lớn. Rồi một ngày ta nhận ra ta đánh mất chính mình.
Ta không còn nhớ lần cuối cùng mình mặc một bộ đồ đơn giản vì mình thích thay vì muốn người khác có thiện cảm với mình. Lần cuối ta sống vì mình thay vì bất kỳ sự đánh giá và công nhận nào khác của mọi người xung quanh?
Ta mệt nhoài với việc chạy theo những tiêu chuẩn thành công của đám đông. Ta stress cực độ, thậm chí trầm cảm, đã đến lúc ta cần “chữa lành”.
Thế rồi, cả xã hội cổ vũ cho việc ta hãy sống là chính mình – “bình thường nhưng không tầm thường”, hay “người khác thấy bạn như thế nào không quan trọng, quan trọng là bạn nhìn bản thân mình như thế nào”….
Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: Chấp nhận chính mình có đồng nghĩa với biện minh cho những thiếu sót của mình không? Nếu ta chấp nhận bản thân với những khiếm khuyết, làm sao ta nỗ lực để hoàn thiện và trở nên xuất sắc hơn? Chấp nhận mình có phải là dễ dãi với bản thân? Nếu cố gắng quay trở về với chính mình, với đúng bản thể của mình có phải là ta đang thu mình lại & bỏ lỡ rất nhiều cơ hội ngoài kia?
Nhiều lần mình nghĩ vậy “sống là chính mình” thực sự có ý nghĩa gì? Làm thế nào để sống chân thật mà không quên nỗ lực phát triển bản thân?
Trong cuốn “Sống như bông pháo hoa” của tác giả Ruby Nguyễn, trà sư nói:
“Quay trở về với mình là để thấu hiểu mình, để trân trọng và bình ổn với những gì mình có, với cả cái đẹp, cái chưa đẹp, cái kém đẹp. Hiểu hết, thấy hết để k còn tìm cách che dấu, chối bỏ, hay lừa dối chính mình. Chân thật k có nghĩa là xuề xòa, buông thả, cẩu thả, thiếu tự trọng. Chân thật là sự hiểu thấu chính mình, và tìm thấy bình yên với tất cả những gì thuộc về mình; hiểu rằng mình đang trên một tiến trình phát triển, hiểu rằng mình đã trải qua những gì, hiểu mình có những giá trị riêng biệt, và cũng hiểu mình vẫn còn những giới hạn cần gỡ bỏ. Hiểu mình có những điểm đẹp đẽ đồng thời có những góc khuất cần khám phá sâu hợn. Hiểu hết và đón nhận hết. Chân thật với chính mình, k lừa giối, k phủ nhận, càng k tìm cách khoác lên mình những lớp áo lộng lẫy để che đi những điểm xám. Từng ngày hướng tới những gì tốt đẹp, lành thiện. Đó là chân thật.”
Sống là chính mình có nghĩa khám phá bạn là ai và chấp nhận bản thân.
Cũng theo tác giả Ruby Nguyễn, có một năng lực vô cùng quan trọng trong thời đại này, đó là năng lực chân thật: Nó đề cập đến khả năng quan sát được tâm mình, suy nghĩ của mình để thấy đâu là suy nghĩ của ta, đâu chỉ là ảo tưởng; đâu là thứ đến từ sâu thẳm tồn tại của mình, và đâu chỉ là sự lặp lại của những gì quanh ta. Quan sát được nội tâm như thế, ta mới biết đâu là mình một cách chân thật.
Sống là chính mình là quá trình khám phá những gì xác định bạn và những tình huống, trải nghiệm, cảm giác nào khiến bạn cảm thấy thoải mái; làm ngơ trước những gì bạn được kỳ vọng và lắng nghe tiếng nói bên trong mình, chấp nhận từng sắc thái và đặc thù của bạn, bởi vì đó là nơi sự thật ở đó. Đó mới là con người thật của bạn.
Theo Benjamin Franklin, người biết yêu bản thân mình thì không có đối thủ. Mỗi người chúng ta sinh ra là một cá thể riêng biệt, có cá tính, màu sắc riêng, không ai giống ai và cũng không có ai sống để làm bản sao của người khác. Khi bạn sống được là chính mình tức là bạn đang sống với những gì tự nhiên vốn có trong con người bạn, không cần phải gò bó hay ép buộc mình phải sống giống bất kỳ ai.
Nếu xã hội này ai cũng phấn đấu hướng đến một hình tượng chung, một tính cách chung mà không là chính mình thì xã hội sẽ trở nên một màu, không thể phát triển cả cá nhân và cộng đồng. Xã hội phát triển là do sự khác biệt của mỗi người tạo nên, mỗi cá tính riêng góp phần làm cho cuộc sống muôn hình vạn trạng. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu cặn kẽ và tạo điều kiện cho những người xung quanh được sống là chính mình như họ muốn.
“Khi bạn sống là chính mình, bạn không cần ai nói với bạn rằng bạn là ai hay bạn là điều gì. Bạn là chính con người bạn!” – John Lennon
Hai mặt của việc “sống là chính mình”
Jack Ma từng nói: Khi tôi là chính bản thân mình, tôi hạnh phúc và có kết quả tốt.
Được sống là chính mình có lẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời này. Bởi khi đó ta được tự do. Ta được thoải mái, thư thả và hạnh phúc hơn bao giờ hết. Ta có động lực để phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, từ đó xây dựng được những mối quan hệ chân thành và ý nghĩa. Đó là khi không còn phải đeo trên mình nhiều lớp mặt nạ khác nhau để “phù hợp” với nhiều nhóm người ta tiếp xúc mỗi ngày.
Sống là chính mình sẽ giúp bạn:
– Không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ, phán xét của người khác
– Thỏa sức làm những điều mình yêu thích và mong muốn
– Hiểu bản thân mình hơn, nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra
– Sống có trách nhiệm với bản thân mình, yêu bản thân mình hơn
– Tràn đầy năng lượng vui vẻ
– Tăng khả năng tự lập & làm chủ cuộc sống
Nhưng cũng có khi, ta dùng nó làm cái cớ để biện minh cho sự lười biếng, không chịu cố gắng và thay đổi để tốt hơn. Việc lạm dụng “sống là chính mình” có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Khi ta lấy đó làm vỏ bọc cho sự lười biếng và dễ dãi, chúng ta tự giới hạn khả năng phát triển bản thân, bỏ lỡ những cơ hội để hoàn thiện và tiến bộ. Việc không tiếp thu những góp ý chân thành từ người khác, dù là lời khen hay chê, khiến ta trở nên bảo thủ, cố chấp và trì trệ trong tư duy.
Quan trọng hơn, khi quá nuông chiều bản thân, ta dễ sa đà vào lối sống buông thả, thiếu mục tiêu và không có động lực vươn lên. Điều này không chỉ cản trở sự thành công trong sự nghiệp mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh. Khi ta không chịu thay đổi và hoàn thiện bản thân, những người xung quanh có thể cảm thấy thất vọng, dần rời xa ta, ta trở nên cô đơn và lạc lõng giữa đời.
Đó là mặt trái của tinh thần sống là chính mình hiện nay.
Làm sao để “sống là chính mình” một cách đúng đắn?
Đầu tiên, hãy dành thời gian để hiểu rõ bản thân mình. Điều này bao gồm việc nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của mình, những giá trị mà mình trân trọng, và những mục tiêu mình muốn đạt được trong cuộc sống. Hiểu rõ bản thân giúp ta đưa ra những quyết định phù hợp, tránh bị ảnh hưởng bởi những áp lực từ bên ngoài và tự tin bước đi trên con đường mình chọn. Bên cạnh đó, hãy chấp nhận và yêu thương bản thân mình một cách trọn vẹn. Điều này không có nghĩa là bỏ qua những khuyết điểm, mà là trân trọng những gì mình đang có và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân. Khi ta yêu thương bản thân, ta sẽ có đủ tự tin để đối mặt với những thử thách và khó khăn trong cuộc sống.
Thứ hai, hãy tôn trọng người khác. Mỗi người đều có những quan điểm, giá trị và cách sống riêng. Việc áp đặt quan điểm của mình lên người khác không chỉ gây ra mâu thuẫn mà còn cản trở sự phát triển của cả hai bên. Thay vào đó, hãy lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác biệt, học hỏi từ những người xung quanh để mở rộng tầm nhìn và hiểu biết của bản thân.
Thứ ba, hãy sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh. Mỗi hành động, quyết định của chúng ta đều có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình và một cơ số người nào đó. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động, chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm và luôn cố gắng để trở thành một người có ích cho xã hội.
Cuối cùng, “sống là chính mình” không có nghĩa là dừng lại. Hãy luôn tìm tòi, khám phá và không ngừng học hỏi để phát triển bản thân. Thế giới luôn không ngừng đổi thay, và chúng ta cũng cần thay đổi để thích nghi và phát triển. Việc học hỏi không chỉ giúp ta nâng cao kiến thức và kỹ năng mà còn mở ra những cơ hội mới giúp ta sống một cuộc sống phong phú, ý nghĩa hơn.
Nhưng ta không thể sống mà không có những mối quan hệ quanh mình. Liệu mọi người có hiểu và đón nhận con người thật của mình không?
Con người không thể sống tách biệt mà không có những mối quan hệ xung quanh. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hay thậm chí cả những người xa lạ đều đóng vai trò nhất định trong cuộc sống của ta. Tuy nhiên, khi quyết định sống là chính mình, ta không khỏi băn khoăn liệu mọi người có hiểu và đón nhận con người thật của mình hay không.
Hãy nhớ rằng: Một tấm chân tình có thể lay động cả trời đất, huống chi là lòng người. Khi ta sống thật với chính mình, thể hiện sự chân thành và tôn trọng người khác, chắc chắn sẽ có những người trân trọng và yêu quý con người thật của bạn. Dù không phải ai cũng hiểu và chấp nhận sự khác biệt đó, nhưng những người thực sự quan tâm sẽ luôn ở bên cạnh và ủng hộ bạn. Vì vậy, đừng ngần ngại thể hiện con người thật của mình, hãy tin rằng tấm chân tình của bạn sẽ tìm được những tâm hồn đồng điệu khác, bạn và họ sẽ cùng nhau tạo nên những mối quan hệ và mảnh ghép ý nghĩa trong cuộc sống của nhau.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng, “Việc sống là chính mình không được bật lên giống như công tắc. Hôm nay mình được sống đúng với bản thân không có nghĩa từ nay về sau mình sẽ luôn như thế, bởi Trái Đất vẫn cứ quay, cuộc sống không ngừng thay đổi. Đâu đó bạn sẽ phải lại gặp những thử thách khiến bạn phải nhìn lại bản thân và tự hỏi “Đâu mới là thứ mình muốn?”. (_The Present Writer). Miễn bạn vẫn ý thức được việc dừng lại và quan sát, bật lên năng lực chân thật, và nhớ rằng : Mình và suy nghĩ của mình thường không phải là một.
Sống là chính mình không phải cái cớ để lười biếng, dễ dãi với bản thân. Hãy sống chân thật với bản thân, nhưng đừng quên nỗ lực và phát triển để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Hãy trở về cắm rễ trên sự chân thật trong thế gian luôn đổi thay, vì chỉ có sự chân thật là thứ bất biến. Sự cô đơn không đến từ việc ta không có ai chung đường, nó đến từ việc ta không thể bầu bạn được với chính mình.