Suy nghĩ về việc hàng loạt trang fb chính chủ bị đình chỉ

Tháng tám 25, 2024

Xưa, ở nước Lỗ có một anh tên là Tăng Sâm, người vốn hiền hậu, hiếu thảo. Một lần, Tăng Sâm có việc ra ngoài chưa về, trùng hợp là vừa có một người cũng tên Tăng Sâm bị bắt vì tội giết người.
Hàng xóm hớt hải chạy báo tin dữ cho mẹ của Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Mẹ Tăng Sâm rất hiểu con mình, tin chắc rằng Tăng Sâm không thể là kẻ giết người, nên tiếp tục dệt vải và nói: “Con trai ta không bao giờ giết người”.
Một lát sau có người thứ 2 chạy tới nói: “Tăng Sâm giết người”. Mẹ của Tăng Sâm có chút nghi ngờ, nhưng vẫn không tin con mình giết người, vẫn tiếp tục dệt vải.
Thêm một lát nữa có người thứ 3 chạy tới nói: “Tăng Sâm giết người”. Mẹ của Tăng Sâm bắt đầu thấy sợ hãi, vội vã vứt khung vải chạy…
Giai thoại “Tăng Sâm giết người” muốn nhắc chúng ta nên cảnh giác với những lời đồn đại.
Trên đây là một câu chuyện ngày xửa ngày xưa, thời thông tin liên lạc kém phát triển nên khó xác minh, kiểm chứng thông tin.
Todảy today, ngày 04-08-2024, trang fb của Thinking School đột nhiên nhận được thông báo từ fb rằng trang này bị đình chỉ vì mạo danh một trang fb khác. Ngay khi nhận được thông báo từ fb, đội ngũ admin của Thinking School đã kháng nghị bằng cách gửi công văn tới fb với đầy đủ các giấy tờ và bằng chứng cụ thể cho thấy trang Thinking School là chính chủ và không mạo danh ai. Tuy nhiên, sau khi xem xét, chẳng biết xác minh thông tin kiểu gì mà fb vẫn giữ nguyên quyết định của họ. Thầy Vũ Thế Dũng, founder của Thinking School, đã lên youtube kêu gọi cộng đồng hỗ trợ Thinking School lấy lại trang fb. Nhờ sự nổi tiếng của thầy Vũ Thế Dũng, sau 30 giờ kêu gọi, trang fb của Thinking School đã được phục hồi.

Cũng trong tháng 8 này, trang fb của nhà báo Thái Hạo bị fb đình chỉ vì một lý do rất chung chung: “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”. Nhà báo Thái Hạo cũng thực hiện kháng nghị. Tuy nhiên, sau khi xem xét, fb vẫn giữ nguyên quyết định của họ. Một số bạn đọc rành thủ tục đã trực tiếp gửi hồ sơ yêu cầu gỡ lệnh xóa tài khoản của nhà báo Thái Hạo tới nhóm phụ trách nhân quyền của fb. Cuối cùng, nhà báo Thái Hạo cũng lấy lại được trang fb của mình.
Cũng trong tháng 8 này, trang fb của một cư sĩ Phật giáo tên là Jason Thần Phong bị fb đình chỉ vì lý do bị report “buôn lậu người quốc tế”. Anh cư sĩ này cũng thực hiện kháng nghị. Tuy nhiên, sau khi xem xét, fb vẫn giữ nguyên quyết định của họ. Không biết làm gì hơn, Jason Thần Phong phải chấp nhận cho trang fb của mình “nhập niết bàn”.
Cũng trong tháng 8 này, trang fb của hai vợ chồng Phật tử Bảo Vy – Phùng An bị fb đình chỉ. Trong đó có một account gắn tick xanh! Hai vợ chồng bạn này cũng kháng nghị bằng cách cung cấp ảnh chụp CCCD, Passport cho fb. Tuy nhiên, sau khi xem xét, fb vẫn giữ nguyên quyết định vì một lý do rất lạ lùng: “không xác minh được danh tính”!
Đặc điểm chung của những trang fb kể trên là đã từng lên tiếng chỉ trích bọn “xàm tăng” rất gay gắt và trùng hợp là cùng bị đình chỉ trong tháng 8. Liệu “xàm tăng” có đứng sau “chiến dịch” report bẩn thỉu này hay không thì tôi không kết luận.
Gần đây nhất, trong group Review Hieu.TV có đăng bài viết hướng dẫn mọi người cách báo cáo hành vi trốn thuế lên sở thuế liên bang Úc. Chưa đầy 30 phút sau khi đăng, bài viết này bị report và bị fb xóa với lý do spam! Kẻ có tật giật mình. Không khó để đoán ra ai đã bỏ tiền ra mua report nhắm vào bài viết này.

Sau những sự việc trên, tôi nghĩ, để hiểu được cái gọi là “tiêu chuẩn cộng đồng” của fb, chúng ta không cần mất thời gian đọc những quy tắc và điều khoản rườm rà do fb đưa ra, mà chỉ cần nằm lòng câu danh ngôn sau: “Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ nhiều thì nó sẽ trở thành sự thật”, nghĩa là một bài đăng (hay account) bị “ăn nhiều” report vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng thì fb mặc định xem bài đăng đó (hay account đó) THẬT SỰ vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Bạn kháng nghị ư? Cái nút “kháng nghị” được fb lập ra để thể hiện bản chất “NHÂN QUYỀN MÕM”, chứ nó chẳng thay đổi được gì.
Có vẻ tập đoàn Meta thích hành xử cảm tính theo tiếng nói của cộng đồng hơn là căn cứ theo tiêu chuẩn do chính họ đề ra. Họ đóng trang fb của người ta vì những report từ một cộng đồng ảo (những con bot), và cũng chính họ phục hồi lại trang fb cho người ta vì những phản đối từ cộng đồng! Vậy rốt cuộc người ta có thật sự vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng không?
Nếu tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Meta vẫn duy trì lối tư duy như bà mẹ thiên hạ, à nhầm, bà mẹ của Tăng Sâm thời Xuân Thu-Chiến Quốc, thì trong tương lai, fb sẽ trở thành một xã hội độc tài, nơi mà những kẻ lắm tiền có thể mua report để bịt miệng những người dám vạch mặt cái ác, những người dám nói lên sự thật.
Vì một fb không tư duy như thời Chiến Quốc, không đứng về cái ác, không “nhân quyền mõm”, không “lộng giả thành chân”. Tôi nghĩ Luật An ninh mạng của Việt Nam cần bổ sung thêm những điều luật, chế tài xử phạt để bảo vệ quyền lợi cho người dùng mxh VN trước những quyết định tùy tiện, độc tài từ các nhà cung cấp dịch vụ mxh.