Ta nên học điều gì đầu tiên trong đời?
Tháng tám 21, 2024
Nước ngoài họ học và mang 3 câu này đi khắp thế giới
– “Thanks” – “Cảm ơn” những điều bạn làm cho tôi, tôi vô cùng trân trọng và biết ơn ngày hôm nay.
– “Sorry” – “Xin lỗi” vì những sai sót của tôi. Tôi đã nhận ra sai sót của mình và tôi sẽ sửa chữa nó để tiến bộ hơn mỗi ngày.
– “Please” – Tôi rất muốn tự lực, tôi không muốn lấy đi mỗi giây, mỗi phút quý báu của bạn, nhưng “Làm ơn” lần này tôi rất cần bạn. Nó còn thể hiện tình hữu nghị rằng vì những điều tốt đẹp đằng sau, tôi sẵn sàng hạ cái tôi phía trước để nhờ sự giúp đỡ từ bạn.
Ba từ tuy ngắn, đơn giản nhưng nó chứa đựng nhiều điều về việc đối nhân xử thế, về việc bạn tôn trọng và trân trọng mối quan hệ giữa bạn với người đối diện như thế nào.
Còn ở Việt Nam thì sao?
Tôi tự hào cũng có bốn từ cần học tương tự rằng “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Và nó còn đặc biệt hơn nữa khi mỗi độ tuổi, ta lại cảm nhận câu nói này khác nhau:
– “Học ăn” – Là học cách hi sinh, nhường miếng ngon của mình để cho người khác, nhường những miếng cuối cùng cho người ta yêu thương. Ông bà ta hi sinh tính mạng, để giữ gìn non sông, tự do, độc lập Tổ Quốc. Cha mẹ làm lụng vất vả để con có đủ cơm để ăn, đủ áo để mặc, đủ sách để học, đủ đầy để yêu thương.
Ngôn từ Việt Nam rất hay, vì sao là “cho nhận” chứ không phải “nhận cho”. Đơn giản vì ta sẽ nhận được những điều ta cho đi. Cái học đầu tiên mà ông bà ta dạy là học cách hi sinh, hi sinh là biểu hiện của tình yêu thương và yêu thương nuôi dưỡng đạo đức. Rồi đạo đức sẽ chỉ dẫn ta sống một cuộc đời vẹn toàn, đúng đắn.
– “Học nói” – “Một khi bạn nói ra điều gì, bạn đang cho cả thế giới biết bạn là ai”.
“Nhờ và do” – “Do những thất bại mà cuộc sống tôi mới khó khăn thế này” hay “Nhờ những thất bại mà rèn luyện được một tôi kiên cường như ngày hôm nay”(1 hoàn cảnh – 2 câu nói – 2 số phận)
Nói ở đây là giao tiếp và giao tiếp bao hàm cả lắng, nghe. Nghe những điều họ cần nói và nói những điều họ cần nghe. Nói đúng, nói đủ, và việc mình kể phải đi kèm một thông điệp, phải hướng đến một giá trị gì đó. Lắng con tim để nghe ngôn ngữ họ nói ra bên ngoài, lẫn cả tâm hồn bên trong. Vì khi thật sự lắng nghe, ta mới hiểu được đại ý mà đối phương muốn diễn tả. Lời nói có thể vụng về, đại ý bên trong mới thật sự quan trong. Ngôn từ nếu không chứa tình yêu thương, trải nghiệm, sự đồng cảm từ đôi mắt, khối óc đến con tim thì ngôn từ chỉ là cái vỏ rỗng, không có giá trị.
Vì sao ta càng trưởng thành, ta càng tha thứ, bỏ qua dễ hơn, không chấp những điều vụn vặt. Vì ta đã biết cách quan tâm đến đại ý mà đối phương muốn nói để thông cảm cho những lúc không khéo nói của họ. Vì nếu lời nói chan chứa sự chân thành thì “Em ăn cơm chưa?” là câu nói quan tâm ấm áp nhất trên đời và “I love you” cũng đủ là lời tỏ tình ngọt ngào nhất trên thế gian này.
– “Học gói học mở” – Có lẽ tôi vẫn chưa khai thác hết cái hay của 2 câu cuối cùng này. Nhưng Xuân – Hạ – Thu – Đông rồi lại Xuân. Mùa xuân hoa nở, đông đến hoa lại tàn. Có những điều dù tốt đẹp đến đâu đến một lúc nó cũng phải dừng lại. Không phải là kết thúc mà là để mở cửa cho những điều mới, linh hồn mới, sự sống mới và niềm vui mới đến với cuộc sống chúng ta.Định luật bảo toàn năng lượng: “Năng lượng không tự nhiên sinh ra và mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác” .
Niềm vui – nỗi buồn, may mắn – xui xẻo, êm ấm – chia ly gói lại rồi mở ra, mở ra rồi gói lại. Học được điều này là học cách chấp nhận sự vô thường đến với ta. “Trăm hạt mưa rơi không có hạt mưa nào rơi nhầm chỗ, vạn sự trên đời không có điều nào là ngẫu nhiên”, dù có hạnh phúc hay tuyệt vọng như thế nào cũng từ đó ta sẽ dần trưởng thành hơn, nhận nhiều bài học hơn, để biết cách trân trọng và sống một cuộc đời trọn vẹn hơn. “Vì sau tất cả Xuân – Hạ – Thu – Đông rồi lại Xuân.”
Lúc nhỏ hiểu đơn giản đây là việc ta học cách gói câu chuyện vào, mở câu chuyện ra. Lớn lên một xíu lại hiểu, gói nỗi buồn vào mở niềm vui ra. Khi yêu vào mới hiểu ta học cách giữ gìn, trân trọng những người yêu thương mình và “chấp nhận, buông bỏ những thứ không còn có thể thuộc về mình nữa.“
“Cảm ơn vì đã không đợi em” – Mai
Lời cuối, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc đến gia đình đã truyền cảm hứng lớn lao cho tôi. Từ những điều tôi quan sát trong quá trình nỗ lực của họ, tôi dần dần hiểu được ý nghĩa lớn lao của bốn câu này. Làm cho tôi có cái nhìn yêu mến hơn với văn học và ngôn từ của Việt Nam thân yêu!