Tác dụng thực sự của nhân sâm đối với sức khỏe
Nhân sâm không phải là một thảo dược mới lạ với người Việt, tuy nhiên những tác dụng của nhân sâm không phải ai cũng hiểu rõ.
Lợi ích của nhân sâm
Có nhiều loại nhân sâm khác nhau như nhân sâm châu Á (Panax Ginseng) và sâm Mỹ (Panax qu vayefolius) hay sâm tươi, hồng sâm, sâm trắng,.. nhưng nhìn chung thành phần chính giúp nhân sâm có nhiều công dụng đối với sức khỏe là nhờ ginsenosides.
1. Tác dụng của nhân sâm đối với sức khỏe
Những loại nhân sâm khác nhau với cách chế biến, sản xuất khác nhau sẽ có sự khác nhau về chất lượng cũng như đặc tính tiềm năng với sức khỏe. Khi mua các sản phẩm từ nhân sâm, bạn cần kiểm tra về tỷ lệ cũng như các thành phần khác của chúng. Nhân sâm ở dạng thuốc bổ sung cần có chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng.
1.1. Giàu chất chống oxy hóa giúp giảm viêm
Theo Healthline, một số nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng chiết xuất từ nhân sâm và hợp chất ginsenoside có thể ức chế tình trạng viêm và giảm các tổn thương oxy hóa cho tế bào – nguyên nhân góp phần gây ra các bệnh mãn tính. Kết quả của những nghiên cứu này góp phần đầy hứa hẹn cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn trên người.
Nhân sâm có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe. (Ảnh: Internet).
1.2. Có lợi cho chức năng não bộ
Nghiên cứu trên 6.422 người cao tuổi công bố trên NCBI cho thấy việc tiêu thụ thường xuyên ít nhất 5 năm có liên quan tới việc cải thiện chức năng nhận thức thời gian sau đó. Nguyên nhân được giải thích là nhờ hợp chất ginsenoside và K có tác dụng bảo vệ não chống lại các tổn thương do gốc tự do gây ra nên có thể xem nhân sâm giúp cải thiện chức năng não bộ bao gồm trí nhớ, hành vi và tâm trạng.
Một đánh giá khác trên NCBI cũng có thấy nhân sâm có thể giúp giảm bớt căng thẳng và mang lại lợi ích đối với bệnh trầm cảm và lo lâu.
1.3. Cải thiện chứng rối loạn cương dương
Một nghiên cứu năm 2021 trên NCBI về những loại thuốc thảo dược có thể thay thế trong điều trị rối loạn cương dương cho thấy, nhân sâm có thể là một giải pháp hữu ích trong điều trị bệnh rối loạn này.
Hợp chất trong nhân sâm giúp bảo vệ chống lại stress oxy hóa trong mạch máu và mô của dương vật để giúp khôi phục chức năng bình thường trở lại. Ngoài ra nhân sâm cũng thúc đẩy sản xuất oxit nitric – một hợp chất có tác dụng cải thiện sự thư giãn ở cơ dương vật và tăng quá trình lưu thông máu tới cơ quan này.
Tuy nhiên những nghiên cứu về tác dụng của nhân sâm chữa rối loạn cương dương vẫn có những tranh cãi và kết quả chưa đồng nhất. Vì thế mà chúng ta vẫn cần những nghiên cứu chuyên sâu hơn trước khi kết luận.
Hợp chất trong nhân sâm giúp bảo vệ chống lại stress oxy hóa trong mạch máu. (Ảnh: Internet).
1.4. Có thể tăng cường hệ miễn dịch
Theo Healthline, nhân sâm có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus mạnh mẽ từ đó có thể tăng cường chức năng của hệ miễn dịch hay sức đề kháng của cơ thể.
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất nhân sâm đỏ/đen có thể giúp tăng lượng tế bào miễn dịch và tăng mức độ chống oxy hóa trong gan. Tương tự, một nghiên cứu năm 2021 trên NCBI về tác dụng của hồng sâm ở người trưởng thành với sự tham gia của 100 tình nguyện viên cho thấy, dùng 2g hồng sâm mỗi ngày trong 8 tuần có thể giúp tăng đáng kể số lượng tế bào miễn dịch so với dùng giả dược.
Tuy vậy để kết luận chính xác về liều lượng cần sử dụng để có tác dụng lên hệ miễn dịch, chúng ta vẫn cần những nghiên cứu cấp cao hơn.
1.5. Lợi ích tiềm năng trong việc chống lại bệnh ung thư
Theo Healthline, nhân sâm có thể có tác dụng trong việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư khoảng 16% nhờ tác dụng của ginsenosides trong việc giảm viêm và chống lại quá trình oxy hóa các gốc tự do – từ đó ngăn chặn quá trình sản xuất và phát triển của những tế bào bất thường.
Ngoài ra, nhân sâm cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe của những người trải qua hóa trị cũng như giảm tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư. Nhưng đây mới chỉ là những tác dụng tiềm năng của nhân sâm trong bệnh ung thư, các nhà nghiên cứu cho rằng cần nhiều bằng chứng hơn để thuyết phục.
Nhân sâm có thể có tác dụng trong việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư khoảng 16%. (Ảnh: Internet).
1.6. Giảm mệt mỏi và tăng năng lượng
Có thể bạn đã nghe thấy rất nhiều người nói rằng ăn nhân sâm để đỡ mệt hơn và thực sự thì nhân sâm đã được chứng minh có thể giúp giảm mệt mỏi và tăng năng lượng cho cơ thể; đặc biệt là cải thiện các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính một cách đáng kể hơn khi so sánh với giả được chỉ sau 15 ngày.
Các thành phần trong nhân sâm được xem xét về tác dụng chống mệt mỏi và tăng năng lượng này bao gồm polysaccharides và oligopeptides.
1.7. Giảm lượng đường trong máu
Theo Healthline, nhân sâm dường như có tác dụng tích cực trong việc kiểm soát đường máu ở người mắc bệnh tiểu đường và người khỏe mạnh nhờ cải thiện chức năng tế bào tuyến tụy, tăng cường sản xuất insulin và tăng cường hấp thụ lượng đường trong máu ở các mô.
Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy chiết xuất nhân sâm giúp cung cấp khả năng bảo vệ chống oxy hóa giảm sự hình thành các gốc tự do trong tế bào ở người mắc bệnh tiểu đường hiệu quả.
Mặc dù nghiên cứu ban đầu đầy hứa hẹn nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để chứng minh nhân sâm giúp ích cho lượng đường trong máu như thế nào, liều lượng cần thiết là bao nhiêu.
1.8. Giảm cholesterol
Theo Health, một đánh giá và phân tích tổng hợp năm 2016 cho thấy nhân sâm giúp giảm chất béo trung tính (chất béo trong máu), cholesterol toàn phần và mức lipoprotein mật độ thấp (cholesterol xấu) ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, dùng nhân sâm lại không ảnh hưởng đến nồng độ lipoprotein mật độ cao (cholesterol tốt).
2. Dùng nhân sâm như thế nào để có hiệu quả?
Tới nay, liều lượng nhân sâm cần dùng mỗi ngày vẫn chưa có khuyến nghị tiêu chuẩn. Liều lượng này sẽ phụ thuộc vào loại nhân sâm và lượng ginsenosides có trong đó. Theo Medicine Plus, người trưởng thành có thể dùng 100 – 3000 mg sâm Mỹ hoặc 200 mg – 3 g nhân sâm châu Á mỗi ngày để an toàn.
Nhân sâm được coi là an toàn cho người trưởng thành khỏe mạnh trung bình khi sử dụng trong thời gian ngắn. (Ảnh: Internet).
Nhân sâm được coi là an toàn cho người trưởng thành khỏe mạnh trung bình khi sử dụng trong thời gian ngắn, nhưng nó không an toàn cho tất cả mọi người. Thời gian sử dụng sâm Mỹ tối đa là 12 tuần và nhân sâm châu Á tối da là 6 tháng. Các tác dụng lâu dài của nhân sâm vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng tác dụng phụ phổ biến nhất là đau đầu khi dùng quá liều lượng hoặc các vấn đề về giấc ngủ.
Nhân sâm bổ sung có dạng viên nén, viên nang, chiết xuất hoặc bột. Viên nén hoặc viên nang thường chứa rễ cây hoặc chiết xuất của một hoặc nhiều loại rễ nhân sâm. Bột chiết xuất từ rễ nhân sâm có thể hòa tan trong nước, nước trái cây hoặc sinh tố. Với nhân sâm tươi, bạn có thể gọt vỏ và nhau rễ sống hoặc ngâm rượu nhân sâm, đun củ sống đã bóc vỏ để pha trà nhân sâm, hầm hoặc nấu canh gà hoặc các món tốt cho sức khỏe khác,…
3. Rủi ro có thể gặp
Nếu bạn đang có bất cứ tình trạng sức khỏe nào dưới đây, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi muốn sử dụng nhân sâm ở bất kì hình thức nào, cụ thể:
- Phụ nữ mang thai
- Đang bị mất ngủ
- Rối loạn đông máu
- Đang có các tình trạng sức khỏe nhạy cảm với estrogen như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, u xơ cổ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung
- Bệnh tâm thần phân liệt
- Đang chuẩn bị phẫu thuật (tránh dùng ít nhất 2 tuần trước khi trải qua bất kì cuộc phẫu thuật nào)
- Huyết áp cao do dùng quá nhiều nhân sâm có thể gây tăng huyết áp
- Các rối loạn tự miễn dịch.
Ngoài ra, cả sâm Mỹ và nhân sâm Châu Á đều có thể gây ra các tương tác với thuốc, vì thế, cần tránh uống/ăn nhâm sâm khi đang dùng các loại thuốc: làm loãng máu, thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) dùng trong trường hợp điều trị bệnh trầm cảm, chất kích thích kể cả caffeine, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc ức chế miễn dịch,…
Nhân sâm có thể được ứng dụng trong nhiều bài thuốc, món ăn hoặc ngâm rượu. (Ảnh: Internet).
Các tác dụng phụ phổ biến khi ăn nhân sâm có thể gặp như đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, thay đổi huyết áp, tăng nhịp tim, ăn không ngon, đau ngực (vú), các vấn đề kinh nguyệt.
4. Các câu hỏi thường gặp khi ăn/uống nhân sâm
Ăn nhân sâm có béo không?
Xét về bản chất, mặc dù nhân sâm rất giàu dinh dưỡng nhưng lại chứa một lượng rất ít chất béo. Chính vì thế mà với câu hỏi ăn nhân sâm có béo không hay ăn sâm có tăng cân không thì câu trả lời là không.
Đau bụng ăn nhân sâm được không?
Theo Đông Y, nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn (ấm) tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân dịch, ích trí, làm sáng mắt, trừ tà khí, làm chậm lão hoá, tăng tuổi thọ. Trong khi đó, đau bụng, tiêu chảy do cơ thể lạnh (hàn). Do vậy đau bụng không nên dùng nhân sâm vì có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Uống sâm có nóng không?
Câu trả lời là không. Nhân sâm còn có tác dụng điều hòa thân nhiệt (ôn tính), hỗ trợ quá trình lưu thông máu từ đó giúp nhiệt độ dưới da không chịu nhiều tác động của nhiệt độ bên ngoài môi trường.
Nhìn chung nhân sâm có nhiều công dụng đối với sức khỏe nhưng nhân sâm không phải là “thảo dược có thể thay thế thuốc điều trị” hay phác đồ được bác sĩ chỉ định. Người dân không nên thần thánh các tác dụng của nhân sâm khi sử dụng. Việc dùng nhân sâm dưới bất kì hình thức nào đều nên được tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt khi bạn đang có các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.