Tại sao khi buồn chúng ta lại muốn tìm nghe nhạc buồn?
Nỗi buồn thường là một cảm giác mà chúng ta cố gắng tránh. Tuy nhiên, âm nhạc buồn khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống.
Mỗi khi chúng ta vừa trải qua những sự kiện kiểu như chia tay, bị giận dỗi hay thất bại trong công việc,… một bản nhạc buồn như thường ngày vang lên, chúng ta lại cảm thấy nó đúng và “thấm” hơn rất rất nhiều lần. Vậy tại sao chúng ta lại thích và muốn nghe những bản nhạc buồn trong khi tâm trạng đang “tối thui” như vậy?
>>>
Trái với niềm tin rằng nhạc buồn làm cho chúng ta cảm thấy buồn hoặc buồn hơn hiện tại, một nghiên cứu mới công bố cho thấy rằng nhạc buồn có thể nâng cao tinh thần của chúng ta.
Nghe nhạc buồn có tác động khá tích cực trong việc tạo ra cảm giác hạnh phúc.
Nghiên cứu này vừa công bố trên tạp chí PLOS ONE, tạp chí của thư viện Public Library of Science, nó được thực hiện bởi Liila Taruffi và Stefan Koelsch của Đại học Tự do Berlin, Đức. Hai nhà nghiên cứu này đã khảo sát 722 người từ khắp nơi trên thế giới và đưa ra kết luận rằng, nghe nhạc buồn có tác động khá tích cực trong việc tạo ra cảm giác hạnh phúc.
“Những thể loại nhạc buồn có vai trò trong việc tạo hạnh phúc bằng cách mang tới sự an ủi cũng như điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc tiêu cực”, nghiên cứu kết luận.
Nhóm nghiên cứu đã tìm ra người đang buồn chọn nhạc buồn vì 1 trong 4 lí do sau:
- 1. Sự kết nối: Người nghe nhận ra được cảm xúc của mình được giải bày qua nhịp điệu hoặc từ trong ý nghĩa lời bài hát. Họ tìm kiếm những điều quen thuộc khi họ muốn trải qua nổi buồn đó một lần nữa. Những người tham gia nghiên cứu xác định những giai điệu buồn có thể loại được cảm xúc tiêu cực của họ ra ngoài. Nói theo cách khác, nó có thể giúp người nghe tái định hình lại cảm xúc của họ.
- 2. Thông điệp: Một số người khác tìm ra mong muốn của họ trong việc nhìn lại cảm xúc của mình thông qua việc tìm kiếm một thông điệp mà họ cảm thấy có liên quan. Một số bài hát nổi tiếng là do thông điệp của nó mang lại sự tích cực cho người nghe.
- 3. Giúp phân tâm: Khi người nghe đang trong trạng thái buồn bã, nhưng một khi nghe được một bài hát tuy buồn nhưng ngôn từ và giai điệu “đẹp” thì người nghe sẽ chú ý vào giai điệu, lời đang được phát ra mà quên đi những điều tiêu cực đang có của bản thân. Phát hiện cũng chỉ ra rằng nếu người nghe lạm dụng yếu tố phân tâm này khi nghe nhạc thì đó là một dấu hiệu của sự tránh né, cũng như đó là biểu hiện của tâm lý yếu.
Bài hát buồn nhưng có ngôn từ và giai điệu “đẹp” sẽ khiến quên đi những điều tiêu cực đang có của bản thân.
- 4. Giúp gợi nhớ lại những kí ức: cuối cùng, người nghe thường sử dụng nhạc buồn như cách để họ gợi lại những nổi buồn trong quá khứ, nổi buồn liên quan đến một người, một sự kiện hay sự việc nào đó đã từng diễn ra. Tuy nhiên, nếu người nghe lựa chọn cách nghe để nhớ lại một kí ức buồn đã cũ, thì nó không làm cho cảm xúc trở nên tích cực hơn như điều mà âm nhạc có thể làm trong những tình huống khác. Vì thế, đối với những người đã trải qua một cuộc chia tay hay mất mác điều gì đó quan trọng trong cuộc đời, một bài hát buồn có thể bày tỏ được cảm xúc lúc đó của họ và từ đó chiêm nghiệm lại hành trình của mình trong bài hát đó. Sau đó, âm nhạc cho họ một sự giải phóng cảm xúc, từ đó giúp họ khóc và tiếp tục cuộc sống sau đó một cách bình thường.
Chỉ khoảng 25% người thực sự cảm thấy buồn sau khi nghe nhạc buồn
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi mọi người nghe những bản nhạc buồn, chỉ có 25% thực sự cảm thấy chán nản. Những người còn lại cho biết họ có nhiều cảm xúc khác nhau, trong đó nỗi nhớ là phổ biến nhất. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng nỗi nhớ có thể có lợi theo nhiều cách, vì nó có thể làm tăng cảm giác kết nối xã hội, giảm lo lắng và cải thiện lòng tự trọng.
Việc xúc động trước âm nhạc buồn có thể cho thấy mức độ đồng cảm và sự lây lan cảm xúc cao. Nó giống như âm nhạc đóng vai trò là cầu nối cho sự đồng cảm, cho phép chúng ta trải nghiệm cảm xúc của người khác và hình thành các kết nối sâu sắc hơn.
Khi mọi người nghe những bản nhạc buồn, chỉ có 25% thực sự cảm thấy chán nản.
Vì vậy, khi nghe một bài hát buồn, chúng ta không chỉ xử lý cảm xúc của riêng mình mà còn kết nối với trải nghiệm tập thể của con người. Nó nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù cảm thấy cô đơn, nhưng chúng ta không bao giờ thực sự đơn độc trong cuộc đấu tranh của mình vì những người khác cũng phải đối mặt với nỗi đau tương tự. Điều này thể hiện một biểu hiện đẹp đẽ về tình người.
Hãy đón nhận toàn bộ cung bậc cảm xúc
Đôi khi nghe nhạc buồn có thể là một hình thức chăm sóc bản thân triệt để. Nó giống như cho phép bản thân cảm thấy thất vọng và xử lý những cảm xúc đó thay vì cố gắng che giấu hoặc kìm nén chúng. Nó có thể không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đó là một phần bình thường của con người.
Vì vậy, đừng ngại đón nhận những cảm xúc của mình, kể cả những cảm xúc không mấy tốt đẹp và hãy để âm nhạc dẫn dắt chúng ta vượt qua tất cả.
Lưu ý: hãy thận trọng với những bạn đang mắc kẹt trong tình trạng trầm cảm vì họ thường có xu hướng muốn lập đi lập lại hành trình tồi tệ đó để rồi bị mắc kẹt và lặn sâu hơn trong cảm giác tiêu cực đó. Tuy nhiên, một số bạn có hội chứng trầm cảm nói họ chỉ bị cuốn hút vào những giai điệu đó do nó quá êm dịu, thư giãn và có thể giúp họ hạnh phúc hơn chứ không phải nghe là để “tiêu cực”.