Tâm động học (psychodynamics) và các trường phái tâm động học
Tháng sáu 10, 2024
Nói quá một chút thì học tâm lí lâm sàng mà không tìm hiểu về các cách tiếp cận tâm động học thì mất hẳn ba phần tư niềm vui. Một phần vì đây là tiếp cận cổ điển nhất, thủy tổ của mọi thảo luận chính quy về tâm lí học nhân cách và tâm bệnh học sau này. Phần khác vì hệ thống lí thuyết của nó mang lại cảm giác không khác gì đang xem một bộ phim đầy kịch tính, mà chúng ta sẽ thấy trong đó luôn có một xung đột căn nguyên và mọi nỗ lực là để thoát gỡ cái nút thắt tối hậu ấy.
Hồi còn học bậc cử nhân, tôi không thật sự hiểu khái niệm “tâm động học”. Nói một cách công bằng thì hãy thử tìm kiếm từ khóa tâm động học trên internet và chúng ta sẽ chẳng tìm kiếm được một lí giải nào thỏa đáng. Chơi trò chiết tự thì chúng ta có thể nắm bắt hòm hòm được ý nghĩa:
• Tâm (psycho) là tâm lí, tâm trí, tâm hồn, tâm thức, tâm linh – nói chung là những nội dung phi-vật chất nằm sâu thẳm bên trong con người.
• Động (dynamics) là động đậy, chuyển động, năng động, bạo động – nói chung là không đứng yên một chỗ.
Như vậy, một cách dân dã, tâm động học có nghĩa là bộ máy tâm trí của con người luôn chuyển động. Từ những chuyển động bên trong này mà mọi hành vi, suy nghĩ và cảm xúc được phát sinh và chúng ta vận hành bình thường. Cách hiểu này hợp lí. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy nó thiếu một chút “tính kĩ thuật”, thế nên không thể phát triển sâu thêm được. Suy cho cùng thì thứ gì khiến cho tâm trí luôn chuyển động? Và chuyển động là chuyển động như thế nào, theo chiều hướng nào và tạo nên những hệ quả ra sao? Nếu là một sinh viên cần mẫn và quyết liệt mưu cầu tri thức, tôi có lẽ đã ngồi xuống hoàn thiện mạch suy nghĩ của mình. Tiếc là không.
May mắn thay, dạo gần đây tôi quyết định dấn thân thêm bước nữa trên con đường học thuật và hạ quyết tâm dịch cuốn “Existential Psychotherapy” của Irvin D. Yalom; nhờ thế tôi vô tình bắt gặp một cách định nghĩa giúp sáng tỏ nhiều điều.
CẮT NGHĨA CỤM TỪ TÂM ĐỘNG HỌC
Từ nguyên của dynamic là dunasthi trong tiếng Hy lạp cổ, có nghĩa là “đạt được sức mạnh hoặc quyền năng”. Đó là lí do chúng ta có những từ như “dynamic” (năng động), “dynamo” (máy phát điện), “dynamite” (thuốc nổ). Nhưng đây không phải là nét nghĩa được sử dụng trong cụm từ psychodynamics (tâm động học) – nếu vậy thì nó sẽ có nghĩa là sự năng động của tâm trí. Điều này không hợp lí, bởi vì tâm trí con người không phải lúc nào cũng trong tình trạng tràn trề năng lượng, mà sẽ có những lúc trơ lì và đình trệ.
Theo Yalom, dynamic ở đây bao hàm khái niệm “lực” (force). Ông cho rằng một trong những đóng góp to lớn nhất của Freud là mô hình động lực học của hoạt động tâm trí: bên trong mỗi cá nhân là những lực mâu thuẫn nhau, những lực này va chạm – ở cả cấp độ vô thức lẫn ý thức – và tạo nên đời sống tinh thần của mỗi cá nhân.
Đến đây thì câu hỏi đầu tiên đã được giải đáp: thứ tạo ra chuyển động bên trong tâm trí là các lực. Câu hỏi tiếp theo: các lực đó là những lực gì? Mỗi trường phái giải thích theo một cách khác nhau.
ĐA DẠNG CÁC TRƯỜNG PHÁI TÂM ĐỘNG HỌC
1. Trường phái tâm động học đầu tiên chắn chắn là phân tâm học (psychoanalysis) của Freud. Freud tập trung toàn bộ lí thuyết của mình xoay quanh những lực bản năng. Hay nói đúng hơn là xung năng (drive) – hình ảnh tái hiện lại của bản năng trong tâm trí, vì vậy sẽ nhuốm màu của văn hóa và kinh nghiệm cá nhân. Cùng là bản năng tình dục, nhưng xung năng của cá nhân A hướng đến một con người khác, còn xung năng của cá nhân B hướng đến một bộ phận trên cơ thể (hiện tượng ái vật). Lưu ý là trong các bản dịch tiếng Anh, bản năng (instinct) và xung năng (drive) không được phân biệt rõ ràng; nhưng trên thực tế chúng có sự khác biệt rất lớn và trong các bản dịch tiếng Việt, không có sự nhập nhằng này.
Những xung năng này xung đột với nhau và xung đột với thực tế cuộc sống, ví dụ:
• Xung năng sống (Eros) đối đầu Xung năng chết (Thanatos): Trong mỗi sinh vật đều có một ham muốn được bảo tồn và truyền lại bộ gen của mình. Trong mỗi sinh vật cũng được lập trình một ham muốn để chết, phá hủy và quay trở lại trạng thái nguyên thủy. Theo Freud thì đây là hai cơ chế căn bản và hết sức bình thường mà tiến hóa đã cài cắm vào mỗi sinh vật.
• Xung năng đối đầu với Văn minh, và với Văn minh được nội hóa dưới hình ảnh cái siêu tôi: Xung năng muốn được thỏa mãn tức thời, nhưng văn minh được xây dựng dựa trên việc đàn áp sự thỏa mãn của cá nhân. Cá nhân không còn cách nào khác là trì hoãn sự thỏa mãn đó và tìm những cách thức khác (được xã hội chấp nhận) để thỏa mãn các xung năng của mình.
Như vậy, theo Freud thì cá nhân rơi vào mâu thuẫn giữa bản năng và văn minh; sự va chạm này tạo nên đời sống tinh thần của mỗi người.
2. Các trường phái tâm động học kế tiếp, có thể gọi là chủ nghĩa tân-Freud của những tác giả như Harry Stack Sullivan, Karen Horney và Erich Fromm, chú trọng nhiều hơn vào tương tác liên cá nhân. Những trường phái này nhấn mạnh vào hai lực xung đột nhau:
• Sự phát triển tự chủ của một cá nhân: Cá nhân có một khuynh hướng để tìm tòi, sáng tạo, bộc lộ bản thân và triển nở theo những cách của riêng mình.
• Sự đảm bảo từ những người quan trọng: Cá nhân cũng luôn truy tìm sự an toàn từ môi trường sống, sự chấp nhận và đồng thuận từ những người yêu thương – đặc biệt một đứa trẻ sơ sinh sẽ dựa hoàn toàn vào người chăm sóc để xác nhận sự tồn tại của chính nó.
Như vậy, theo các trường phái tân-Freud thì cá nhân rơi vào mâu thuẫn giữa mong muốn được độc lập và mong muốn được thuộc về; sự va chạm này tạo nên đời sống tinh thần của mỗi người. []
3. Cuối cùng, Yalom đưa ra một trường phái của riêng ông dưới tên gọi “tâm động học hiện sinh” (existential psychodynamics). Ông bàn về bốn mối bận tâm tối hậu (ultimate concerns), mà mỗi mối bận tâm đều là xung đột không thể hòa giải giữa khát khao của cá nhân với những điều kiện của sự tồn tại:
• Cái chết: nhận thức về tính tất yếu của cái chết và ước nguyện muốn tiếp tục hiện hữu.
• Tự do: nhận thức về tính không-có-nền-tảng của thực tế (chúng ta tự kiến tạo thế giới của chính mình) và mong muốn được định hướng và chỉ dẫn.
• Sự cô độc: nhận thức về sự cô đơn không thể khỏa lấp và khát khao muốn được kết nối và thuộc về.
• Sự vô nghĩa: nhận thức về sự vô nghĩa của cuộc đời và nhu cầu về một lí do để sống.
Như vậy, theo Yalom thì cá nhân rơi vào mâu thuẫn giữa mong đợi của bản thân và nhận thức về sự thật trần trụi của kiếp người; cuộc đụng độ này tạo nên đời sống tinh thần của mỗi người.
Ngoài ra, còn nhiều trường phái tâm động học khác, có thể kể tới như: tâm động học nhân văn, tâm động học của Adler, tâm động học của Jung…
CẤU TRÚC ĐỘNG LỰC HỌC CỦA TÂM TRÍ
Công thức chung của động lực học (chiết xuất từ mô hình của Freud) là:
[Xung đột] —> [Lo âu] —> [Cơ chế phòng vệ]
Theo đó, công thức của Freud là:
Xung năng —> Lo âu —> Cơ chế phòng vệ
Freud cho rằng cơ chế phòng vệ gốc là dồn nén, tức là bất kỳ thứ gì mà ý thức không mong muốn sẽ được đẩy hết xuống tầng vô thức. Nhưng điều này không giúp giải quyết vấn đề. Vấn đề vẫn còn nguyên ở đó, chỉ là chúng ta không nhận thức được vấn đề nữa mà thôi. Đôi khi việc này dẫn đến những vấn đề còn tồi tệ hơn cả vấn đề ban đầu.
Công thức của Yalom là:
Nhận thức về mối bận tâm tối hậu —> Lo âu —> Cơ chế phòng vệ
Yalom bổ sung thêm một số cơ chế phòng vệ cụ thể cho từng mối bận tâm. Ví dụ để trốn chạy khỏi cái chết, con người đi tìm sự bất tử mang tính biểu tượng (qua các tạo tác hoặc hậu duệ của mình) hoặc đi tìm một người giải cứu tối thượng (tôn giáo).
Tương tự Freud, Yalom cũng cho rằng cơ chế phòng vệ là thứ bảo vệ chúng ta trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây hại trong dài hạn. Để có một đời sống tinh thần lành mạnh, không cách nào khác là đối diện trực tiếp với những xung đột.
ĐI TÌM XUNG ĐỘT THEN CHỐT
Các lực tương tác khác nhau ở mỗi cá nhân. Công việc của nhà lâm sàng là tìm ra xung đột then chốt, nguồn gốc thật sự của nỗi đau của thân chủ, để mà gỡ nút.
Đối với Freud, xung đột then chốt là xung đột khởi thủy. Trong quá trình phát triển của một cá nhân, rủi ro khiến các xung đột trở nên trầm trọng luôn có sẵn. Một số may mắn vượt qua giai đoạn nhạy cảm mà không bị xung đột nào níu chân. Một số khác kém may mắn hơn và bị mắc kẹt trong giai đoạn nào đó. Nhiệm vụ của nhà lâm sàng, vì vậy, là du hành ngược trở lại lịch sử cá nhân của thân chủ để tìm cho ra cái xung đột sớm nhất này. Đó là chìa khóa của vấn đề.
Đối với Yalom, xung đột then chốt có tính phi-lịch sử, tức quá trình phát triển của cá nhân không phải là thứ quyết định mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Thậm chí, những trải nghiệm sống đầu đời của cá nhân còn tạo ra tính “cố định sinh học”, gây cản trở để chúng ta khám phá câu trả lời thực. Theo đó, cách tốt nhất để cá nhân đi tìm xung đột then chốt của mình là tách rời khỏi các mối bận tâm thường nhật, để phản tư sâu sắc về tình huống của mình trong thế giới. Câu trả lời sẽ mang tính chất siêu việt, tức vượt thoát ra khỏi trải nghiệm riêng lẻ của mỗi cá nhân và cắt xuyên qua trải nghiệm chung của loài người; nhưng đồng thời câu trả lời sẽ mang nặng tính cá nhân, bởi vì mỗi người đón nhận thực tế theo cách thức riêng biệt của mình.
Nhà trị liệu nếu không cẩn thận sẽ bỏ qua những dấu hiệu rất tinh tế đó, bởi vì chúng được xem là: “đời là thế, chúng ta không làm được gì nhiều”. Tôi cũng cho rằng có một số người xem những chủ đề này như thú vui giết thời gian của nhóm người thừa đặc quyền, hay cơn mê man của các bạn trẻ thiếu va chạm thực tế mà lạc lối trong suy nghĩ của chính mình. Nhưng không phải vậy, tôi tin rằng sự xác quyết trong tâm trí ảnh hưởng to lớn tới cách mà một người sống cuộc đời hằng ngày. Ngay cả trong những vấn đề thế tục như tập thể dục thường xuyên hay từ bỏ một chứng nghiện, thứ tạo ra sự khác biệt là chữ tại sao, không phải chữ như thế nào – để thay đổi một thói quen, trước tiên người đó phải chắc chắn mình thực sự muốn thay đổi, trước khi áp dụng bất kì một kĩ thuật hành vi nào để khởi động sự thay đổi. Điều này đặc biệt đúng với những cá nhân có điểm thấp trên thang dễ đồng tình (agreeableness) trong mô hình Big-5, ví dụ như tôi.
Quay trở lại việc đi tìm xung đột then chốt: Chúng ta thấy rằng việc đi tìm nguyên nhân cốt lõi của vấn đề cũng là thứ tách biệt cách tiếp cận tâm động học ra khỏi các trường phái khác (lấy ví dụ các kĩ thuật nhận thức hành vi luôn can thiệp trên triệu chứng chán chê rồi mới đi vào chiều sâu của vấn đề, còn nhân vị trọng tâm thì nhấn mạnh tuyệt đối vào bầu không khí thấu cảm để giúp thân chủ bộc lộ trọn vẹn bản thân). Tiếp cận này không hẳn là thứ dịu dàng nhất mà ta mong đợi từ trị liệu tâm lí, nhưng sẽ là chuyến phiêu lưu đầy thú vị vào miền sâu tâm trí con người. Tôi thích điều này và đây cũng là lí do tôi quyết định dịch cuốn sách của Yalom.
– Hoàng Phi (10.06.2024)